Sau 35 năm đổi mới đất nước, tầm nhìn, tư duy chiến lược về giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, thời đại
Sinh thời, bằng tấm lòng và bộ óc mẫn tiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn đặc biệt quan tâm tới biển, đảo. Xuất thân là thầy giáo dạy sử – địa, Đại tướng hiểu sâu sắc tầm quan trọng chiến lược của biển – đảo, cả về quốc phòng và kinh tế.
Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhìn ra thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam mà ông còn nghĩ ngay đến việc giải phóng các hòn đảo trên biển Đông. Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25-3-1975.
Khó khăn của bên ta lúc bấy giờ là lực lượng Hải quân còn nhỏ bé, làm thế nào để hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ trên biển là thách thức lớn. Ngày 2-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho ông Lê Trọng Tấn, lúc đó là Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông, phải nắm lực lượng ở Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.
Lúc này, ở khu vực Trường Sa có Hạm đội 7 của Mỹ và nhiều nước khác hoạt động. Hải quân ngụy cũng được trang bị tàu lớn. Do đó, đòi hỏi khâu tiến công phải hết sức mưu trí, sáng tạo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu điều ngay Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng, tham gia tiếp quản căn cứ hải quân ngụy mà ta vừa giải phóng, chuẩn bị sẵn sàng để giải phóng các đảo.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát trên biển năm 1973 Ảnh: Tư liệu
Trước đó, ngày 30-3-1975, Quân ủy Trung ương đã điện cho các ông Chu Huy Mân (lúc này là Chính ủy kiêm Tư lệnh Khu 5, Chính ủy Chiến dịch Huế – Đà Nẵng), Võ Chí Công (Bí thư Khu ủy Khu 5 kiêm Chính ủy Quân khu 5): “Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ giao cho Khu ủy và Bộ Tư lệnh B1 (phụ trách từ Khánh Hòa đến vĩ tuyến 17) nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo, thực hiện gấp rút nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo hiện do quân ngụy chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”. Ngày 9-4-1975, Quân ủy Trung ương đã điện tối khẩn cho ông Chu Huy Mân và ông Võ Chí Công: “Có tin quân ngụy chuẩn bị rút khỏi Trường Sa. Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước đang có ý đồ xâm chiếm”.
Nhận được lệnh, các tàu Hải quân và lực lượng thuộc Khu 5 đã giả danh tàu đánh cá, xuất phát ra Trường Sa. Ngày 14-4-1975, chỉ sau hơn một giờ chiến đấu, quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Sau đó, giải phóng lần lượt các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… Ngày 28-4-1975, đảo An Bang được thu hồi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng Trường Sa.
Việc giải phóng Trường Sa một cách thần tốc, trước khi giải phóng hoàn toàn miền Nam không chỉ chứng tỏ tài điều binh khiển tướng, sự nhạy bén của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn chứng tỏ Đại tướng đánh giá rất cao vai trò của biển, đảo đối với nước ta ngay ở giai đoạn đó.
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trăn trở việc mở đường ra biển làm kinh tế biển, đảo, đặc biệt kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia. Đại tướng đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm thành lập đơn vị hành chính hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 9-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ký Quyết định số 193/HĐBT thành lập hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Huyện Trường Sa hiện nay thuộc tỉnh Khánh Hòa, còn huyện Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng.
Năm 1977, trên cương vị Phó Thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất một chiến lược mang tính đột phá về khoa học biển và kinh tế miền biển. Về hướng khai thác kinh tế biển, Đại tướng chỉ ra những vấn đề vượt thời gian: “Việc khai thác dầu khí ngoài biển Việt Nam đã là chuyện trước mắt. Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch của thủy triều nước ta chứa đựng một tiềm năng quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí vật lý biển phải trả lời vấn đề này, ngành cơ khí phải đi trước một bước”…
Trong chỉ đạo phát triển kinh tế biển, Đại tướng đã có những chỉ đạo chiến lược rất sâu sắc. Đó là kinh tế vùng biển phải từ đất liền và phát triển ra biển và các hải đảo. Đưa dân ra làm kinh tế biển đảo, vừa cải thiện được đời sống của dân, vừa có lực lượng để thực hiện quốc phòng toàn dân, để giữ vững chủ quyền biển, đảo.
Năm 1985, một năm trước đổi mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra Chiến lược làm chủ biển với nội dung toàn diện và cụ thể. Ông nhắc lại nhiều lần: “Phải đặc biệt chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh… Việc phân bố lực lượng sản xuất, phân bố lại lao động, phát triển kinh tế biển của các ngành, các địa phương phải theo sự bố trí chiến lược thống nhất, nhằm làm chủ cả về kinh tế và quốc phòng…”.
Cho đến nay, sau 35 năm đổi mới đất nước, những vấn đề đặt ra trong chiến lược này tiếp tục Đảng và nhà nước ta vận dụng. Chiến lược này là minh chứng lịch sử làm sáng rõ tư duy khoa học và tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về biển, đảo Tổ quốc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911, mất ngày 4-10-2013. Nơi yên nghỉ ngàn thu của Đại tướng trên núi Thọ, mũi Rồng thuộc vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), hướng ra biển là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đại tướng muốn nhắc nhở chúng ta, con cháu muôn đời sau phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc.
Nguồn: Người Lao Động