Việc đánh bắt sứa đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều ngư dân, cũng tạo công ăn việc làm thời vụ cho hàng ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, đi kèm với đó còn là những hệ lụy mà không phải ai cũng nhìn thấy. Đó là vấn đề về môi trường, về hệ sinh thái và hệ lụy ở những địa phương đang có số lượng người đổ về đột biến vào những mùa sứa.
Bài 1: Đằng sau mùa sứa: Nguồn lợi khổng lồ
Đã mạnh tay đầu tư
Rời hải trình và những câu chuyện của ông Đàn chúng tôi đến với huyện Cô Tô – nơi được coi là “vựa sứa” lớn nhất của tỉnh. Vào mỗi vụ sứa, huyện đảo nhỏ bé chưa đến 6.000 dân này đón khoảng trên dưới 2.000 lao động đổ về chỉ để phục vụ riêng cho khai thác và chế biến sứa. Toàn huyện hiện có gần 40 xưởng chế biến sứa đang hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm cho kịp với thời vụ. Nếu nói Cô Tô bây giờ như một nhà máy nhộn nhịp cũng không sai vì ngoài số lượng lao động đông đảo được tăng cường từ các địa bàn khác thì ở Cô Tô cũng đang huy động trên 80% cư dân trong độ tuổi lao động tham gia vào các công đoạn khai thác, chế biến sứa.
Sứa sau khi được sơ chế đóng thùng xuất sang Trung Quốc.
Được biết trong thời gian đầu, ngoài việc vớt sứa, người dân đảo chỉ biết bán sản phẩm thô cho thương lái Trung Quốc với giá thành rất thấp. Mọi khâu từ sơ chế đến đóng gói và xuất bán đều do người Trung Quốc làm chủ. Giá nhân công vì thế rất rẻ, nghề sứa cũng không đem lại giá trị kinh tế là bao. Tuy nhiên, chừng 5 năm trở lại đây khi nhu cầu thị trường mở rộng, rất nhiều người dân trên đảo mạnh dạn vay vốn đầu tư các cơ sở chế biến ngày càng quy mô, từng bước làm chủ các công đoạn chế biến sứa. Chính vì vậy, giá trị từ khai thác, chế biến sứa cũng được nâng cao đáng kể. Ước tính hàng năm, chỉ tính riêng mỗi vụ sứa, Cô Tô thu về hàng chục tỷ đồng từ nguồn lợi này. Cũng có thể nói, sứa đã mang lại sự “đổi đời” cho nhiều người dân đảo.
Tới thăm xưởng chế biến sứa Mai Đàm (xã Thanh Lân) của gia đình bà Bùi Thị Ngát chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy hệ thống quy mô nhà xưởng chế biến sứa lên tới hàng chục tỷ đồng cùng hàng trăm lao động đang miệt mài làm việc ở đủ các công đoạn. Vừa chỉ việc cho thợ, bà Ngát trao đổi với chúng tôi: “Gia đình chúng tôi ra đảo Cô Tô cũng đã hơn chục năm rồi. Cũng từng thử đủ các thứ nghề nhưng chẳng nghề nào cho thu nhập ổn định cả. Quanh năm chỉ trông chờ vào những vụ sứa để trang trải. Thế nhưng do chỉ làm được các khâu đầu như đánh bắt, sơ chế… nên giá trị thu lại rất thấp. Trong khi, sứa thành phẩm bán ra thị trường Trung Quốc lại rất cao. Chính vì vậy, cả gia đình tích góp, cộng thêm với vay mượn để đầu tư xưởng chế biến. Lợi nhuận thu được hàng năm lại đổ hết vào xây dựng nhà xưởng. Mãi đến năm 2012 cơ bản hệ thống nhà xưởng mới tạm gọi là đủ đáp ứng yêu cầu. Bây giờ chúng tôi chỉ còn phải thuê kỹ sư Trung Quốc tham gia vào công đoạn pha chế bể ngâm sứa thôi nên lợi nhuận thu từ nghề sứa cao hơn trước rất nhiều. Lương trả cho lao động cũng cao hơn trước. Lao động đơn giản nhất là cắt sứa cũng được trả từ 4-5 triệu đồng/tháng”.
Công đoạn sơ chế sứa.
Không chỉ có cơ sở chế biến Mai Đàm, rất nhiều cơ sở chế biến khác tại Cô Tô cũng đang tích cực được đầu tư quy mô hơn. Đến 90% các công đoạn chế biến sứa hiện nay tại các cơ sở đều chủ động được. Theo khẳng định của một chủ cơ sở sản xuất thì ngay cả khâu pha chế bể ngâm sứa (công việc vốn chỉ có chuyên gia Trung Quốc đảm nhận) không phải người Việt Nam không làm được nhưng do yêu cầu từ phía bạn hàng nên công đoạn này vẫn phải thuê, chưa chủ động được. Trong tương lai, nếu thị trường mở rộng hơn, có nhiều đơn hàng ngoài bạn hàng Trung Quốc ra, rất có thể, 100% các khâu từ đánh bắt đến chế biến, đóng gói đều sẽ được hoàn thiện từ lao động của địa phương. Những thương hiệu sứa đóng gói thành phẩm tại Cô Tô, Vân Đồn cũng có thể có mặt trên thị trường.
Cũng cần mạnh tay bảo vệ
Sứa – nguồn lợi khổng lồ thì ai cũng thấy rõ, thế nhưng, qua rất nhiều mùa khai thác có thể nói ít thấy có một giải pháp nào được thực hiện với mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên sứa cũng như bảo vệ môi trường biển từ hoạt động khai thác sứa. Qua tìm hiểu được biết, trong quá trình khai thác, đối với những phần sứa không cần thiết sẽ bị loại bỏ ngay trong khâu đánh bắt (chủ yếu là đầu sứa). Số lượng xác sứa bị bỏ như vậy rất lớn. Tuy nhiên, qua khảo sát ý kiến của ngư dân, thậm chí của nhiều cấp lãnh đạo cho thấy vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức và nhìn nhận thấu đáo. Đa số đều cho rằng: Khi xác sứa vứt vào môi trường biển sẽ phân huỷ hết thành bọt biển. Hoàn toàn không gây ô nhiễm. Còn ở các xưởng chế biến, các bể ngâm đều chỉ có phèn và muối (??) nên cũng không thể gây ô nhiễm môi trường biển… Điều này là hoàn toàn sai. Bài học về ô nhiễm môi trường biển do khai thác sứa cũng đã có ở một số địa phương như Hải Phòng và Nghệ An thời gian qua. Do việc đánh bắt sứa tăng đột biến cộng thêm nhận thức của đại bộ phận ngư dân chưa cao dẫn đến việc vứt xác sứa số lượng lớn trên biển một cách bừa bãi. Xác sứa chưa phân huỷ đã trôi dạt vào ven bờ, không chỉ gây mất mỹ quan các khu du lịch mà còn gây ô nhiễm tại một số khu vực bãi tắm. Ở Quảng Ninh, trong thời gian không xa, với nguồn lợi kinh tế mà đánh bắt sứa mang lại, chắc chắn, quy mô khai thác và chế biến sứa sẽ còn tăng mạnh, đặc biệt là ở các xã đảo của 2 huyện là Vân Đồn và Cô Tô. Trong khi, song song với đó, 2 địa phương này còn là 2 địa phương trọng điểm định hướng phát triển du lịch. Sẽ thế nào nếu vấn đề khai thác sứa vẫn cứ “thả nổi” như hiện tại?
Bên cạnh vấn đề về môi trường, việc quản lý người dân “nhập cư” vào mỗi mùa khai thác sứa hiện nay cũng có điều phải lưu tâm. Theo thống kê của UBND huyện Cô Tô, vào mùa sứa mỗi năm, huyện đảo đã đón hàng nghìn lao động từ khắp nơi đổ về. Kéo theo đó là nhu cầu về ăn, nghỉ, sinh hoạt… Được biết, đa phần số lượng lao động này ăn, ngủ tại các xưởng chế biến của chủ; đối với tàu thuyền đánh bắt, nếu là tàu thuyền từ địa phương khác đến thì sinh hoạt ngay trên tàu thuyền cho đến hết mùa sứa… Như vậy, chính quyền địa phương phải có biện pháp quản lý hiệu quả số lượng cư dân mới này.
Lời kết
Rõ ràng, đằng sau những “mùa vàng” trên biển hôm nay vẫn còn rất nhiều điều để ngẫm nghĩ. Cần cả một quy hoạch chiến lược dài hơi nhằm phát huy hiệu quả của thứ “vàng trắng” tưởng như vô tận này. Từ thực tế cho thấy, sẽ không có nguồn lợi thuỷ sản nào là vô tận nếu con người cứ khai thác ồ ạt mà không nghĩ tới việc bảo vệ, phát triển.