Trong 3 ngày từ 13 đến 15/8, tại Đà Nẵng, đã diễn ra nội dung tập huấn kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, dữ liệu nghề cá trong các mô hình đồng quản lý.
Đối tượng tham gia tập huấn là cán bộ đến từ 8 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng và Cà Mau) thuộc Dự án “Nguồn lợi ven biển bền vững” (CRSD). Lớp tập huấn do Dự án CRSD phối hợp với Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á tổ chức nhằm tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ các đơn vị thuộc Dự án.
Hiện mô hình đồng quản lý đang đem lại hiệu quả bền vững – Ảnh: Đức Lợi
Nội dung buổi tập huấn tập trung vào kiến thức về khái niệm và thuận lợi của việc quản lý dự án nghề cá ven bờ; Cơ sở pháp lý về quyền quản lý thủy sản ở Nhật Bản; Hệ thống quản lý xung đột trong pháp luật thủy sản ở Nhật Bản; Khái niệm và hiệu quả của phương pháp thu thập dữ liệu; Thu thập dữ liệu qua các tổ chức đồng quản lý; Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan và trong khu vực Đông Nam Á; Triển khai đồng quản lý trong Dự án CRSD – những khó khăn và thách thức.
Đồng thời, các buổi tập huấn đã giúp những người tham gia hiểu được nội dung đồng quản lý nghề cá, tầm quan trọng của nguồn lợi thủy sản, tại sao cần phải quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng, nâng cao ý thức thực thi pháp luật của cộng đồng ngư dân, việc tiếp cận và xử lý các nguồn thông tin cũng như cơ chế phối hợp giữa người dân và chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn.
Được biết, Dự án CRSD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) đã được ký kết; Mục tiêu nhằm cải thiện công tác quản lý nghề cá ven bờ theo hướng bền vững tại các tỉnh duyên hải. Qua đó giúp tăng cường năng lực thể chế cho ngành thủy sản trong việc quản lý bền vững các nguồn lợi; thúc đẩy các biện pháp thực hành tốt trong nuôi trồng thủy sản bền vững và thực hiện các quy trình thực hành tốt vì sự bền vững của nghề đánh bắt thủy sản ven bờ.