Dấu ấn 1 năm vượt khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Đã tròn 1 năm, kể từ tháng 10/2011, Con Tôm – chuyên san đặc biệt của Tạp chí Thủy sản Việt Nam đến với bạn đọc. Đây được coi là bước đi dài của Tạp chí Thủy sản Việt Nam, góp thêm tiếng nói quan trọng cho ngành tôm – mũi nhọn của thủy sản Việt Nam.

Chia sẻ khó khăn

Năm nay, người nuôi tôm cả nước tiếp tục điêu đứng vì dịch bệnh, tôm chết nhiều, năng suất thấp. Theo thống kê của Vụ Nuôi trồng Thủy sản, tính đến tháng 9/2012, diện tích thiệt hại do tôm nhiễm bệnh là 68.909 ha, gần gấp đôi so với 6 tháng đầu năm và bằng 89,1% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó, tôm sú bị thiệt hại là 63.781 ha, tôm thẻ chân trắng là 5.128 ha.

Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều biện pháp cứu tôm, thậm chí kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia đầu ngành từ Mỹ, Thái Lan… nghiên cứu tìm tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, đến nay tác nhân chính vẫn chưa được xác định.

Dịch bệnh còn gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Trong khi đó, việc ngân hàng hạn chế cho vay và lãi suất tín dụng cao khiến doanh nghiệp càng thêm khốn khó, đặc biệt trong tình trạng các chi phí đầu vào tăng.

Không những vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam còn phải đối mặt với rào cản kỹ thuật mới từ Nhật Bản – thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 27% tổng giá trị xuất khẩu, khi nước này áp dụng chế độ kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về dư lượng Ethoxyquin. Vì vậy, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản nguy cơ ngày càng giảm sâu. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu vấn đề Ethoxyquin tại thị trường Nhật Bản không được tháo gỡ thì xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường khác có thể bị ảnh hưởng. Và như vậy xuất khẩu tôm năm nay khó đạt mục tiêu 2,4 tỷ USD.

Tất cả các yếu tố khách quan và chủ quan đó đã tạo “cú sốc” đối với ngành tôm, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Theo ước tính của VASEP, có đến 70% nhà máy chế biến tôm của Việt Nam đang trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Tình trạng này đã lan ra cả vùng ĐBSCL.

 

Vào cuộc cùng chuyên gia

Trước tình hình khó khăn trong thời gian qua, ấn phẩm Con Tôm đã luôn bám sát tình hình tại các đầm tôm, cùng người nuôi chia sẻ những khó khăn. Bên cạnh đó, chuyên san cũng liên tục cập nhật những chủ trương, chính sách của Nhà nước, của Bộ, ngành. Đồng thời, để giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện, sâu sắc và người nuôi nắm rõ quy trình kỹ thuật nuôi tôm cũng như hiện trạng dịch bệnh, Con Tôm đã có những cuộc trao đổi trực tiếp với các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia ngành tôm Việt Nam, đưa những đánh giá và phân tích, những lý giải và khuyến cáo của họ để người nuôi có thể đối phó với tình hình trước mắt cũng như phòng tránh lâu dài. Tiến sĩ Bùi Quang Tề – chuyên gia bệnh học thủy sản – nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học (Viện Nghiên cứu NTTS I) với sự phân tích về những nghi ngại đối với bệnh Taura trên tôm thẻ chân trắng và những lưu ý đối với người nuôi đối tượng này đăng tải trên số tháng 10/2011; Những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh về những chuẩn bị cho vụ tôm mới trong số tháng 2/2012.

Khi tôm Việt Nam vướng rào cản mới từ thị trường Nhật Bản về dư lượng Ethoxyquin, Con Tôm cũng đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền về khó khăn và những vấn đề nảy sinh trong quá trình kiểm tra, kiểm soát chất này, cũng như phân tích về khả năng gây hại của nó;

Cùng với đó, những vướng mắc về bảo hiểm tôm nuôi cũng được giải đáp thông qua cuộc trao đổi trực tiếp của người trong cuộc, ông Trần Thanh Lạc – Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Bạc Liêu…

 

Dấu ấn đậm nét

Bên cạnh những trăn trở với khó khăn của ngành, để con tôm Việt Nam tiếp tục khẳng định được thế mạnh của mình, người nuôi có những vụ mùa bội thu, thì yêu cầu quan trọng là phải có được những sản phẩm với chất lượng đảm bảo từ con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản… Con Tôm đã kết nối và giới thiệu những “nhà hậu cần” uy tín như các công ty như: Uni-President Việt Nam, Grobest, C.P Việt Nam, TomBoy, doanh nghiệp tôm giống Dương Hùng… và mới đây nhất là Công ty Nam Dương – nhà sản xuất giống hàng đầu trên thế giới đã đầu tư sản xuất nauplius tôm thẻ chân trắng chất lượng tốt tại Việt Nam, sẽ góp phần giải quyết bớt những khó khăn về giống tôm thẻ chân trắng ở nước ta hiện nay…

“Vua tôm sú” Võ Hồng Ngoãn chia sẻ, Con Tôm đã đem lại những thông tin rất cần thiết cho người nông dân, góp phần quan trọng trong quá trình sản xuất, giúp người nuôi nắm bắt kịp thời những vấn đề về giá cả, con giống, kiến thức khoa học… Nhưng để thiết thực hơn nữa, tôi mong muốn tờ Con Tôm dành nhiều hơn cho người nông dân những sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, để Con Tôm thực sự song hành cùng với chúng tôi.

Ông Trần Cao Mưu – Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định, từ khi chuyển Bản tin Con Tôm về Tạp chí Thủy sản Việt Nam phụ trách và xuất bản, ngay từ số đầu tiên chuyên san Con Tôm đã có sự thay đổi lớn. Cảm nhận đầu tiên về hình thức là đẹp hơn, cách làm mới hơn, chuyên nghiệp hơn về báo chí. Bên cạnh đó, nội dung đã phong phú hơn, truyền tải rộng rãi kiến thức kỹ thuật về nuôi tôm cho bà con nông dân. Cùng với đó, các sản phẩm phụ trợ như thức ăn, thuốc thú y thủy sản, về bảo vệ môi trường và định hướng thị trường… cũng đã được kết nối. Bạn đọc và bà con nông dân, ngư dân, người nuôi tôm đánh giá cao và coi đây là “cẩm nang” cùng đồng hành với họ.    

>> Kể từ số 01 (10/2011) đến nay, sau 12 số với gần 90.000 bản đến tay bạn đọc, Chuyên san Con Tôm đã thực sự là một kênh thông tin thiết thực nhằm cung cấp kiến thức cho cộng đồng những người nuôi tôm, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành tôm.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!