Năm 2014 qua đi với những dấu ấn lớn của ngành tôm về cả giá trị, sản lượng… góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung ngành thủy sản. Cùng Con Tôm điểm lại những sự kiện nổi bật.
Xuất khẩu tôm đạt mức cao kỷ lục
Năm 2014 có thể xem là năm “bội thu” với ngành tôm cả về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu. Sản lượng tôm tăng, nuôi tôm cả nước có sự phát triển vượt bậc. Sản lượng nuôi tôm nước lợ tăng thêm 112.000 tấn so với năm 2013, chủ yếu do sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng (TTCT chiếm 56,9% trong tổng sản lượng tôm nuôi). Với sản lượng nguyên liệu tăng, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm tôm vẫn lớn giúp xuất khẩu tôm tiếp tục tăng. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,95 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2013. Hầu hết các thị trường đều tăng trưởng khá, đặc biệt là Canada, EU, Mỹ, Hàn Quốc…
Xuất khẩu TTCT vượt tôm sú
Nửa đầu năm 2014, xuất khẩu TTCT đã vượt và gần gấp đôi so với tôm sú và tiếp tục duy trì sức tăng mạnh vào những tháng sau. Tính đến hết năm 2014, xuất khẩu TTCT đạt 2,31 tỷ USD, chiếm 58,45% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm. Cụ thể về cơ cấu, TTCT chế biến đạt 997,9 triệu USD, TTCT tươi, sống, đông lạnh đạt 1,31 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sú đạt 1,39 tỷ USD, chiếm 35,05% tỷ trọng. Sản lượng TTCT trong nước tăng mạnh góp phần đẩy mạnh xuất khẩu TTCT của Việt Nam trong năm nay.
Thuế chống bán phá giá tôm cao nhất
Ngày 19/9/2014, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ cho đợt xem xét hành chính từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 (POR8), mức giá chung là 25,76%. Đây là mức thuế chống bán phá giá mà DOC đưa ra cao nhất từ trước tới nay. Mức thuế này ngay lập tức đã ảnh hướng tới xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý IV/2014, riêng tháng 12, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2013, với giá trị 73,515 triệu USD.
Nhiều lô hàng xuất khẩu nhiễm kháng sinh, hóa chất
Tôm bị nhiễm kháng sinh là vấn nạn đã kéo dài trong nhiều năm qua, giờ đây câu chuyện tôm xuất khẩu bị trả về dường như không còn khiến nhiều người bất ngờ, vì gần như năm nào cũng có. Năm 2014, 29 lô hàng thủy sản nuôi bị cảnh báo có kháng sinh Oxytetracycline vượt giới hạn cho phép tại EU, Nhật Bản, chủ yếu là tôm và cá tra; 18 lô hàng bị cảnh báo nhiễm chất cấm Nitrifurazone tại EU. Trong các lô hàng bị nhiễm kháng sinh, có những doanh nghiệp đã bị cảnh báo không ít lần song vẫn tái diễn.
Năm 2014, sản lượng tôm cả nước đạt 660.000 tấn – Ảnh: Phan Thanh
Nhập khẩu tôm nguyên liệu tăng mạnh
Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2014 sản lượng thuỷ sản nhập khẩu tăng 39%, trong đó nhập khẩu tôm nguyên liệu chiếm hơn 30%, riêng nhập khẩu giống thủy sản tăng tới 404%. Còn theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng của năm 2014, tình hình nhập khẩu tôm nguyên liệu của các doanh nghiệp xuất khẩu đã tăng mạnh lên tới 36.000 tấn, trị giá 409 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, mặc dù việc nhập tôm nguyên liệu về cũng có lãi, nhưng lợi nhuận ròng không lớn, chỉ đủ trả tiền công cho công nhân nhưng vào thời điểm tôm nguyên liệu trong nước đắt và thiếu hụt, các doanh nghiệp vẫn lựa chọn nhập khẩu là biện pháp tối ưu.
WTO ra 7 phán quyết có lợi cho tôm Việt Nam
Ngày 17/11, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố phán quyết cuối cùng của Ban hội thẩm (Panel) đối với các khiếu kiện của Việt Nam liên quan việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. Ban hội thẩm đã xem xét 11 nội dung khiếu kiện của Việt Nam và đưa ra phán quyết với 7 nội dung có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, nhất là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá.
Dịch bệnh vẫn tái diễn
Mặc dù thắng lợi, song năm qua ngành tôm vẫn phải đối mặt với dịch bệnh tái diễn. Theo báo cáo của Cục Thú y, về tình hình dịch bệnh trên thủy sản cho thấy tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại lớn nhất, diễn biến rất phức tạp và xảy ra trên diện rộng (chủ yếu bị bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp và do ô nhiễm môi trường). Cụ thể, cả nước có tổng số 59.579 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại (gồm 28.017 ha nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến; 31.562 ha thâm canh và bán thâm canh) do nhiều nguyên nhân khác nhau (chiếm 8,75% diện tích nuôi tôm cả nước). Bệnh trên tôm hùm xuất hiện tại rải rác tại 15.291 lồng, chủ yếu là bệnh sữa, đỏ thân, đen mang, long đầu, còi.
Danh hiệu Chất lượng Vàng Thủy sản lần thứ ba – 2014
Với định kỳ 5 năm/2 lần, Danh hiệu Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam lần thứ ba – 2014 kế thừa tiêu chí bình chọn và trao thưởng của các năm 2009, 2012. Từ gần 300 hồ sơ đăng ký tham gia của các tập thể, cá nhân trên cả nước đã chọn ra 101 tập thể, cá nhân tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Bên cạnh, 10 tập thể, cá nhân suất sắc nhất nhận Bằng khen của Bộ NN&PTNT, ngành tôm góp mặt tới 42 tập thể, cá nhân trong lần vinh danh này.
Tôm giống đáp ứng 100% nhu cầu
Năm qua, tôm giống được đánh giá nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng. Năm 2014, cả nước sản xuất được 130 tỷ con tôm giống, đáp ứng đủ nhu cầu người nuôi. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng tôm giống lại phụ thuộc hoàn toàn nguồn tôm bố mẹ. Để sản xuất đủ nhu cầu con giống đáp ứng phát triển nuôi TTCT trong thời gian tới, chúng ta cần khoảng 200.000 con tôm bố mẹ/năm. Tính đến nay, nước ta vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu và việc kiểm soát chất lượng vẫn còn gian nan.
Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Nội dung Chỉ thị về ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất, có hiệu lực từ ngày 1/8/2014, thể hiện quyết tâm từ Chính phủ trong việc giải quyết vấn nạn tôm tạp chất kéo dài dai dẳng và ngày càng trầm trọng. Chỉ thị nêu rõ đối với các tỉnh thành phố ven biển thực hiện biện pháp tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc đình chỉ hoạt động đối với cơ sở tái phạm, thông báo công khai các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng; sẽ đưa tội danh tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất vào Bộ luật Hình sự…
Gia tăng diện tích TTCT, đe dọa vỡ quy hoạch
Sự phát triển mạnh TTCT làm phá vỡ quy hoạch ở một số địa phương và gây một số bức xúc nhất định về cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến nguy cơ dịch bệnh cao hơn; một số nơi nuôi tôm ngoài quy hoạch, chuyển đổi vùng trồng dừa, mía sang nuôi tôm (Bến Tre, Sóc Trăng); hiện tượng nuôi TTCT trong vùng nước ngọt ngay từ đầu năm đã được chấn chỉnh (ở Đồng Tháp); bên cạnh đó có một số địa phương đề xuất cho nuôi TTCT quảng canh (Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang). Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đánh giá để phục vụ chỉ đạo kịp thời.