T4, 21/09/2022 10:48

Đầu tư nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc thiết lập đầy đủ khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là cấp thiết, vừa đảm bảo an toàn cho tàu thuyền mùa mưa bão, vừa tạo cơ sở để phát triển nghề cá của địa phương. Các tỉnh đang chú trọng đầu tư cho một phần của hậu cần nghề cá này, tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.

Tồn tại, hạn chế

Hiện nay, cả nước có 83/146 khu neo đậu tránh trú bão được đầu tư với tổng công suất neo đậu khoảng 51.670 tàu. Trong đó, có 71 khu neo đậu tránh trú bão tàu cá (55 khu neo đậu cấp tỉnh và 16 khu neo đậu cấp vùng) được công bố thuộc địa phận 27 tỉnh, thành phố ven biển, với sức chứa khoảng gần 47.900 tàu.

Thế nhưng trên thực tế thì quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch, đặc biệt là các quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017. Việc đầu tư cho xây dựng cảng cá vẫn thấp hơn yêu cầu, trong khi đầu tư lại dàn trải, chưa đồng bộ, dẫn đến số lượng công trình được đầu tư còn hạn chế. Chưa kể, đa phần các khu neo đậu không được duy tu, sửa chữa thường xuyên dẫn tới việc tàu thuyền ra, vào hay neo đậu khó khăn, không an toàn… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của lĩnh vực khai thác, mà còn khiến cho việc tháo gỡ “thẻ vàng” gặp nhiều trở ngại hơn.

Đầu tư trọng điểm

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, một thời gian dài ngư dân thường xuyên gặp khó khăn trong việc neo đậu tàu cá, nhất là trong mùa mưa bão. Tàu thuyền luôn trong tình trạng thiếu chỗ đậu làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân và an toàn cho tàu cá.

Cầu cảng cá sông Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi chỉ có tàu công suất nhỏ vào neo đậu. Ảnh: Hải Phong

Để tháo gỡ điểm nghẽn này, tỉnh đã có quy hoạch các vị trí khả năng bố trí tàu thuyền neo đậu. Cụ thể, trên địa bàn TP Vũng Tàu có 3 khu vực neo đậu cho khoảng trên 7.000 tàu, thuyền các loại; huyện Long Điền có 6 khu vực neo đậu từ Cầu Cửa Lấp đến cảng Lò Vôi với khoảng 1.300 tàu thuyền neo đậu; huyện Đất Đỏ có 2 khu vực bố trí neo đậu cho khoảng gần 700 tàu thuyền; huyện Xuyên Mộc có 2 khu vực gồm Bến Lội – Bình Châu có thể bố trí neo đậu 300 tàu và khu vực dọc theo rạch sông Đu Đủ từ cửa Bến Lội đến sông Băng Chua, bố trí neo đậu 100 tàu thuyền. Đối với huyện Côn Đảo, những nơi neo đậu tàu thuyền được bố trí tại khu vực Hòn Tre lớn, Hòn Bảy Cạnh, Bãi Cát Lớn, Cỏ Ống, cảng Bến Đầm, Hòn Cau, Đầm Quốc cho loại tàu cá đến 600 CV với số lượng khoảng trên 3.300 tàu.

Còn tại Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 7 cảng cá, 5 khu neo đậu kết hợp cảng cá và 2 khu neo đậu tránh trú bão. Những năm qua, địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng 5 công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão gồm cảng cá Sa Huỳnh, cảng cá Tịnh Kỳ, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn và cảng neo trú thuyền Mỹ Á. Tuy nhiên, đến nay, các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền ở tỉnh mới chỉ đáp ứng cho 1.750 tàu thuyền neo đậu (đạt 1/3 số lượng tàu của tỉnh). Ngoài ra, kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các hạng mục công trình này chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; luồng vào cảng cả và vũng neo đậu thường xuyên bị bồi lấp nên tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn…

Để tháo gỡ, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn, gồm: Đầu tư xây dựng mới dự án Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Sa Cần, với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Sa Huỳnh, với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng.

Kế hoạch thay đổi diện mạo

Theo Dự thảo Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đến năm 2030 sẽ hoàn chỉnh hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên quy mô cả nước thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển theo hướng tích hợp, gia tăng giá trị khai thác sử dụng. Trong đó, cả nước có 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (gồm 30 khu cấp vùng, 130 khu cấp tỉnh), đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 90.600 tàu cá.

Tổng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến 2030 khoảng 6.117 ha, bao gồm tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.038 ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 5.079 ha.

Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng đầy đủ, hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước, là nền tảng phát triển thành công kinh tế thủy sản theo định hướng Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh.

>> Cũng theo Dự thảo này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng thiết yếu của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là 60.370 tỷ đồng được huy động chủ yếu từ nguồn ngân sách để tạo sức lan tỏa và thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!