Đẩy mạnh công tác quản lý lợn đực giống và TĂCN

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tại Hội nghị triển khai công tác quản lý lợn đực giống và kiểm tra thức ăn chăn nuôi (TĂCN), sáng 6/4 tại Hà Nội.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi về bài học kinh nghiệm trong việc chỉ đạo thí điểm quản lý lợn đực giống tại 4 tỉnh (Nam Định, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu và Phú Thọ) trong thời gian từ tháng 8 – 11/2014, cho thấy, Cục Chăn nuôi và Sở NN&PTNT 4 tỉnh đã thống nhất được phương án tổ chức và triển khai thí điểm quản lý lợn đực giống theo đúng kế hoạch; huy động được các cán bộ, chuyên viên có trình độ chuyên môn về chăn nuôi, thú y để thực hiện việc kiểm tra, khảo sát và đánh giá chất lượng đàn lợn đực giống tại cơ sở.

Năm 2014, sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước hơn 14 triệu tấn/năm – Ảnh: PTC

Về tình hình kiểm tra thức ăn chăn nuôi (TĂCN), theo đại diện Cục Thú y, năm 2014, cả nước có 203 cơ sở sản xuất TĂCN công nghiệp; trong đó, 142 cơ sở thuộc nhóm doanh nghiệp trong nước, 56 cơ sở nhóm doanh nghiệp nước ngoài, 5 cơ sở liên doanh; với công suất tới 23.000 tấn/năm; sản lượng hơn 14 triệu tấn, theo xu thế chuyển dịch dần ra các tỉnh phía Bắc. Tình hình nhập khẩu TĂCN chủ yếu là nhóm hàng thức ăn giàu đạm, giàu năng lượng, thức ăn bổ sung… với tổng khối lượng 11,69 triệu tấn, tương ứng 4,87 tỷ USD. Các lô hàng TĂCN nhập khẩu đều được kiểm tra chất lượng trước khi thông quan; tuy nhiên, còn thiếu phân tích nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra.

Cùng đó, công tác quản lý lợn đực giống còn nhiều bất cập, việc thụ tinh nhân tạo chủ yếu là phối giống trực tiếp; chất lượng lợn đực giống chưa cao; tỷ trọng chăn nuôi nhỏ lẻ còn lớn… Mặt khác, việc sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chưa chấm dứt nên sản phẩm chăn nuôi bị cảnh báo nhiều.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định, Cục Chăn nuôi cần tích cực triển khai tập huấn, thông tin đầy đủ các văn bản pháp luật; Các địa phương cần xây dựng các kế hoạch về quản lý lợn đực giống và kiểm tra TĂCN; thí điểm xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung an toàn dịch bệnh. Mặt khác, đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và các hộ chăn nuôi trong việc sử dụng thức ăn trôi nổi và các nguyên liệu phối trộn; Mục tiêu, loại bỏ chất cấm, kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, hướng tới chăn nuôi theo chuỗi an toàn dịch bệnh.

Hương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!