Năm nay, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm và dự báo tác động lớn đến hoạt động sản xuất sinh hoạt của người dân khu vực ĐBSCL; một số vùng nuôi tôm đã bị thiệt hại, diện tích thả nuôi giảm, dịch bệnh phát triển.
Ghi nhận tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An, đến nay người dân xã Long Hựu Tây đã thả nuôi được 140/260 ha tôm; tuy nhiên, do nắng hạn và độ mặn cao bất thường ảnh hưởng lớn đến kết quả nuôi tôm. Theo chia sẻ của người dân địa phương, năm nay, thời tiết bất thường, nhiệt độ chênh lệch cao giữa ngày và đêm; đồng thời, độ mặn tăng quá cao tôm nuôi chậm lớn, bị bệnh đốm trắng sớm hơn so với thường năm, nhiều hộ phải tháo bỏ. Hiện, toàn xã có 40 ha tôm nuôi được khoảng một tháng tuổi bị bệnh đốm trắng, nông dân phải tháo bỏ, lỗ khoảng 30 triệu đồng/ha. Theo đó, UBND xã Long Hựu Tây khuyến cáo người dân cần xem xét kỹ điều kiện thời tiết, môi trường, xử lý ao đầm kỹ (nhất là những ruộng tôm bị dịch bệnh) trước khi thả nuôi; đồng thời, kiến nghị ngành chức năng huyện kịp thời thông tin về tình hình môi trường, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân để đảm bảo an toàn cho vụ nuôi tôm.
Kiểm tra độ mặn của nước – Ảnh: Phan Thanh
Đến giữa tháng 2/2020, tỉnh Cà Mau ghi nhận có trên 16.500 ha lúa – tôm bị thiệt hại, hơn 14.000 ha lúa mùa và hơn 10.000 ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng do thiếu nước.
Tại Bạc Liêu, hiện hàng nghìn ha lúa đông xuân và mô hình nuôi tôm trên đất lúa ở vùng chuyển đổi của địa phương có nguy cơ thiệt hại do thiếu nước. Theo đó, khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt gây chết lúa khoảng 5.400 ha, gồm diện tích tập trung ở phía Tây trục kênh Vĩnh Phong và diện tích ven theo các cống thuộc tiểu vùng giữ ngọt. Riêng mô hình nuôi tôm trên đất lúa ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất có nguy cơ bị thiệt hại 5.000 ha (tập trung ở địa bàn thị xã Giá Rai và các xã phía Tây của huyện Phước Long). Đối với vùng sản xuất phía nam Quốc lộ 1A tuy là vùng mặn, nhưng sẽ phải đương đầu với khô hạn và thiếu nước ngọt; nên sẽ không đủ nguồn nước ngọt cấp vào các ao nuôi và kéo theo đó là độ mặn trong các ao nuôi có khả năng vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm; dự báo có nguy cơ 4.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại. Trước tình hình này, UBND tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét và tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh 150 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình chống hạn, mặn.