ĐBSCL: Nhà máy chế biến thức ăn cá tra “chết mòn”

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá bán cá tra ở ĐBSCL thấp hơn giá thành khoảng 3.000 đồng/kg, người nuôi cá lỗ nặng, kéo theo hàng loạt nhà máy chế biến thức ăn cá tra bị khốn khó, một số phải đóng cửa. Liên kết “4 nhà” đang là cứu cánh cho nghề nuôi cá tra.

Giá tăng, chất lượng giảm

Giá thức ăn viên công nghiệp thời gian qua liên tục tăng nhưng chất lượng giảm, không đúng độ đạm công bố trên bao bì. Điều này làm tăng giá thành sản xuất cho người nuôi cá. Theo ông Trần Quốc Cường, phụ trách kinh doanh thức ăn thủy sản của Công ty TNHH MTV chăn nuôi Tiền Giang, hiện nay giá hầu hết các loại nguyên liệu thức ăn thủy sản cung cấp đạm (như bánh dầu đậu nành, bột xương thịt, Lysine, Methionin…) đều tăng khá mạnh; cũng có một số loại nguyên liệu giá giảm nhẹ nhưng các loại này chiếm không nhiều trong thành phần thức ăn.

Chị Nguyễn Thị Thịnh – một hộ nuôi cá ở Cồn Khương (Cần Thơ) cho biết: “Gia đình tôi gắn bó với con cá tra trên 10 năm nay nhưng chẳng hiểu sao thời gian nuôi cá ngày càng dài. Bây giờ để cá đạt trọng lượng 1 kg/con, phải nuôi 7 – 8 tháng, theo đó chi phí nuôi tiếp tục tăng. Vì vậy, ngoài việc cơ quan quản lý nhà nước siết lại chất lượng con giống thì phải tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thức ăn, vì doanh nghiệp chỉ cần giảm 5 – 10% độ đạm là người nuôi thiệt hại cả trăm triệu đồng”.

Nghề nuôi cá tra đang nhiều khó khăn, giá cá nguyên liệu giảm mạnh chỉ còn 19.000 – 20.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất 3.000 -4.000 đồng/kg làm cho nhiều người nuôi thua lỗ phải treo ao, bỏ nghề, ảnh hưởng rất lớn đến ngành chế biến thức ăn thủy sản. Số ít hộ nuôi cá cầm cự được thì quay về với thức ăn truyền thống – tự chế để giảm giá thành.

Doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản đang trong cảnh thiếu vốn sản xuất – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết: Trong đợt kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn thủy sản vừa qua, đã phát hiện 15/74 cơ sở vi phạm điều kiện kinh doanh. Đoàn tiến hành lấy 4 mẫu thức ăn và qua phân tích có 2 mẫu thức ăn của doanh nghiệp đã vi phạm về nhãn mác, không đúng chất lượng như công bố.

Mấy tuần nay, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn đã công bố giá thức ăn cá tra mới, với mức tăng khoảng 300 đồng/kg đối với loại thức ăn 26 độ đạm, khiến chi phí nuôi cá đội lên cao. Hiện, tổng chi phí đầu tư nuôi cá tra đã vượt mức 23.000 đồng/kg. Chính vì vậy, người nuôi cá hiện vẫn lỗ 500 – 1.000 đồng/kg cá, khoảng 150 – 300 triệu đồng/ha (năng suất bình quân mỗi ha khoảng 300 tấn).

 

Hàng loạt doanh nghiệp «hết hơi»

Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có khoảng 130 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản. Từ đầu năm đến nay, nhiều người nuôi thua lỗ đã treo ao, bỏ nghề, cùng với việc khó khăn trong vay vốn ngân hàng đã ảnh hưởng lớn đến ngành chế biến thức ăn thủy sản. Hệ lụy dẫn đến vấn nạn trên là do sự phát triển quá nóng dẫn đến không bền vững.

Ông Phạm Văn Bên, chủ Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May chuyên sản xuất thức ăn cá tra và chế biến lúa gạo ở Khu công nghiệp Sa Đéc, cho biết: Lúc nghề nuôi thủy sản hưng thịnh, rất nhiều doanh nghiệp nhảy vô lĩnh vực chế biến thức ăn, dù không có kinh nghiệm. Đó cũng là quy luật khi “cầu vượt cung” cộng với tình hình xuất khẩu cá tra thời gian gần đây gặp khó khăn thì lập tức lộ điểm yếu, cạnh tranh không lành mạnh, tự “giết” nhau.

Đơn cử như tỉnh Đồng Tháp, kế hoạch năm 2012 là 350.000 tấn cá tra thì nhu cầu thức ăn chỉ khoảng 530.000 tấn. Trong khi đó, với 24 nhà máy chế biến thức ăn cá tra, tổng công suất khoảng 2,5 triệu tấn/năm, cung đã vượt cầu đến 4 lần. Nhiều nhà máy mới ra đời đã muốn bán được sản phẩm, buộc phải cạnh tranh với nhiều chiêu bất nhẫn, trong đó có chiêu hạ giá bán.

Địa bàn TP Cần Thơ, đỉnh điểm có trên 30 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản hoạt động, thậm chí nhiều cơ sở mua bao bì để làm gia công rồi nhảy vào thị trường này. Ông Võ Văn Đệ (phường Thuận An, quận Thốt Nốt) cho biết: “Nhiều nhãn hiệu thức ăn ra đời khiến người nuôi cá không biết đường lựa chọn. Thậm chí nhiều nhãn hiệu mới ra đời tuy sản phẩm có cùng độ đạm, nhưng giá lại rẻ hơn khiến nhiều người dao động. Đồng thời, nhiều nhãn hiệu trôi nổi đã cạnh tranh bằng cách cho gối đầu, bán chịu, dẫn đến rối loạn trong nghề sản xuất thức ăn thủy sản”.

Đại diện một công ty chế biến thức ăn thủy sản ở Cần Thơ cho biết: “Hiện tại, rất nhiều công ty đã giảm công suất hoặc ngưng hoạt động vì nghề nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn, chỉ bán thức ăn gối đầu cho các mối là người nuôi đã làm ăn lâu dài với công ty. Còn lại thị trường mới hầu như bị bỏ ngỏ vì quá nhiều rủi ro”.

>> Tại Đồng Tháp, hiện chỉ còn 3/24 nhà máy hoạt động tốt, 14 nhà máy ngưng hoạt động, 7 nhà máy hoạt động cầm chừng.

Yến Ly - Lê Hoàng Yến

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!