Đề án 52: Cần phối hợp liên ngành

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án 52, bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít khó khăn. Nhìn lại chặng đường đã qua, Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tân (ảnh), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Giám đốc Ban quản lý các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia DS – KHHGĐ.

Ông có thể chia sẻ thành quả nổi bật của Đề án 52 qua gần 4 năm thực hiện?

Đối với công tác chỉ đạo điều hành: Thành lập và kiện toàn bộ máy tham gia thực hiện Đề án 52 từ trung ương đến địa phương. Ủy ban nhân dân của 28/28 (100%) tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án.

Đối với các nhiệm vụ chuyên môn: tại Trung ương, Ban quản lý đã thiết kế, thử nghiệm các mô hình cung cấp dịch vụ và tư vấn về chăm sóc sức khoẻ BMTE, SKSS/KHHGĐ cho các vùng đặc thù: Chăm sóc sức khoẻ tại chỗ tại các huyện đảo, xã đảo theo mô hình quân – dân y kết hợp; Mô hình đội lưu động tại các cảng cá, đầm phá/ngập mặn, cửa biển… Tại địa phương, thành lập 169 đội lưu động tuyến huyện là các cán bộ được lựa chọn từ Trung tâm DS – KHHGĐ, Khoa Sản Bệnh viện huyện, Trung tâm Y tế huyện và có sự tham gia của cán bộ một số Trạm Y tế xã. Kết quả: có 1.675.250 lượt người đã được tư vấn về các nội dung CSSKSS/KHHGĐ; 315.658 bà mẹ mang thai đã được khám thai; 1.435.215 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã được khám phụ khoa, trong đó 825.854 trường hợp phụ nữ được phát hiện bị mắc các bệnh phụ khoa được cấp thuốc điều trị và tư vấn.

 

Quá trình triển khai, Đề án đã gặp những trở ngại lớn nào, thưa ông?

Thách thức và trở ngại lớn nhất chính là việc nâng cao chất lượng nhân lực tại các huyện đảo và ven biển. Do dân trí và nhận thức của nhân dân các xã đảo còn hạn chế so với mặt bằng chung của cả nước; Tâm lý sinh nhiều con, đặc biệt là con trai (đáp ứng nhân lực lao động) còn cao… Lao động đặc thù nghề biển là năng nhọc và thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ. Năng lực mạng lưới, cơ sở vật chất và lực lượng cán bộ y tế còn thiếu và hạn chế về trình độ chuyên môn.

Bên cạnh đó, là sự quá tải về chăm sóc sức khoẻ nói chung và DS/SKSS nói riêng trong tình hình: số lượng ngư dân kể cả ngư dân các nước đến trú bão tại các đảo khi có biến động về thời tiết; biến động dân số…

 

Nhằm phát huy những thành tích đã đạt được, hướng phát triển trong thời gian tới của Đề án như thế nào, thưa ông?

Tiếp tục thực hiện triển khai đồng bộ 6 nhiệm vụ và các hoạt động chủ yếu tại Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg ngày 9/4/2009. Ưu tiên tập trung việc giảm sinh đối với 12 tỉnh ven biển chưa đạt mức sinh thay thế; Tăng cường giải pháp kiểm soát giới tính khi sinh đối với 18 tỉnh, thành phố ven biển có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao.

Trẻ em, đối tượng được hưởng lợi từ Đề án 52 ngày được chăm sóc tốt hơn – Ảnh: Đăng Phạm

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động nhằm tạo thuận lợi về môi trường chính sách, đầu tư nguồn lực và tạo dư luận xã hội cho tổ chức thực hiện Đề án. Chú trọng kênh truyền thông trực tiếp, lấy đội ngũ cộng tác viên và tuyên truyền viên DS – KHHGĐ, y tế cơ sở làm lực lượng chủ đạo.

Thí điểm và nhân rộng các mô hình can thiệp có hiệu quả, xây dựng các mô hình can thiệt mới phù hợp trong việc đáp nhu cầu chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHGĐ. Ưu tiên tổ chức Đội lưu động y tế – KHHGĐ tuyến huyện. 

Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức các mô hình cung cấp thông tin, tuyên truyền vận động, tư vấn và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ BMTE, SKSS/KHHGĐ cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các vùng ven biển.

Tổ chức các Hội thảo “Nghiên cứu đề xuất chính sách lồng ghép các nội dung dân số vào các lĩnh vực ngành nghề có liên quan đến phát triển kinh tế biển, cụ thể: Chính sách khuyến khích nhân dân ra định cư tại các đảo xa (nhà ở, hỗ trợ cấp vốn để lao động sản xuất, các điều kiện xã hội như điện – đường – trường – trạm…).

 

Theo ông, để đạt mục tiêu về quy mô dân số, công tác DS – KHHGĐ đến năm 2015 cần phải làm gì?

Khi phát triển kinh tế biển đảo theo đúng chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng và Nhà nước: “đến năm 2020 kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% GDP cả nước” thì về quy mô dân số chắc chắn tuân theo quy luật “cung – cầu”, nói cách khác là theo lực hút và đẩy của sự phát triển kinh tế xã hội. Ngành Dân số sẽ có trách nhiệm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư và sự biến động dân số.

Một trong những nhân tố quan trọng để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh, giàu từ biển là phải có nguồn dân số chất lượng cao. Công tác dân số vùng biển, ven biển và hải đảo phải thực sự được coi là nhiệm vụ mang tính chiến lược, dân cư vùng biển vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng thụ hưởng, sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ tại vùng biển, đảo và ven biển. Do đó, cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể làm sao nhân dân, con em biển đảo phải được chăm sóc tốt, toàn diện về giáo dục, y tế và phát triển kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

>>“Đối với những vấn đề liên quan đến biển đảo nói chung và công tác thực hiện Đề án 52 cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp liên ngành một cách tích cực, mục tiêu “Sớm xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư và làm ăn dài ngày trên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc”, ông Tân chia sẻ.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!