Đề án 52 tại Bình Sơn: Tiếp sức công tác DS – KHHGĐ

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Sau hơn 2 năm triển khai Đề án 52, tại 7 xã biển là Bình Thạnh, Bình Đông, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Phú, Bình Châu và Bình Hải huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhận thức và hành vi về chăm sóc sức khỏe của người dân nơi đây được nâng cao rõ rệt.

Điểm sáng vùng quê

Bình Sơn là một huyện ven biển, nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi, với số dân là 180.045 người, mật độ 386 người/km2. Cư dân Bình Sơn chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp và đánh bắt chế biến hải sản; một số ít làm đồ gốm, đồ gỗ, nghề rèn, đan lát dụng cụ mây tre, nghề buôn bán nhỏ. Gần đây có thêm nghề nuôi tôm, sửa chữa cơ khí nhỏ cũng phát triển mạnh. Đời sống của người dân trước đây còn nhiều khó khăn, việc thực hiện KHHGĐ là một trở ngại lớn trong phát triển chất lượng dân số của Bình Sơn. Nhưng từ khi triển khai thực hiện Đề án 52, đã góp phần cải thiện môi trường sống, người dân được hưởng đầy đủ các dịch vụ CSSK, nhất là với chị em phụ nữ.


Cộng tác viên dân số đang tuyên truyền vận động các hộ dân tham gia thực hiện KHHGĐ

Mục tiêu của Đề án là nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số khi sinh và phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản; phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn… cho người dân vùng biển và ven biển. Trung tâm DS – KHHGĐ huyện ngay từ những ngày đầu đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, tiến hành tham mưu cho chính quyền thành lập Ban Quản lý Đề án ở địa phương và tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông, điều tra, thu thập, củng cố thông tin, hoàn thiện dữ liệu về thực trạng từng xã… để có giải pháp hữu hiệu hơn trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Hiệu quả thiết thực

Năm 2011, toàn huyện đã tổ chức 148 buổi sinh hoạt tại 32 câu lạc bộ SKSS và 45 câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trở lên, thu hút hàng ngàn lượt hội viên tham gia. Riêng xã Bình Hải đã phối hợp cùng Trường Cao đẳng công nghệ cao Dung Quất tổ chức nói chuyện chuyên đề cho 450 cán bộ, giáo viên và học sinh sinh viên. Đội ngũ cộng tác viên đã tư vấn cho gần 3.000 hộ, cấp phát trên 4.000 tờ rơi. Mô hình phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn trên địa bàn… đã nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số, hạn chế các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Ngoài duy trì dịch vụ hàng tháng tại các trạm y tế xã, huyện còn tổ chức 16 đợt Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ, khám phụ khoa cho 2.297 người; phát hiện và điều trị bệnh phụ khoa cho 1.677 phụ nữ; tổ chức vận động 1.537 người thực hiện các biện pháp tránh thai (trong đó, 29 trường hợp đình sản và 911 trường hợp đặt vòng tránh thai) đã góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu công tác DS – KHHGĐ năm 2011 trước thời gian 2 tháng.


Cán bộ y tế hướng dẫn chị em phụ nữ thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn

Tại xã Bình Phú, những tháng đầu năm 2012, đã có 56 người thực hiện các biện pháp tránh thai, đạt hơn 45% kế hoạch năm, trong đó có 1 trường hợp đình sản và 2 trường hợp đặt vòng. Tại Bình Tân, Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, tư vấn lồng ghép dịch vụ KHHGĐ năm 2012 đã có 214/226 người thực hiện các biện pháp tránh thai, đạt gần 95% chỉ tiêu cả năm; trong đó, 1 người đình sản, đạt 50% và 56 người đặt vòng, đạt gần 92%, 173 người khám phụ khoa, điều trị miễn phí cho 92 người mắc bệnh.

Chia sẻ kinh nghiệm

Anh Bùi Duy Huyễn, một cán bộ chuyên trách dân số xã Bình Thuận cho biết, nhờ được hưởng lợi từ Đề án 52 của Chính phủ, nhiều chị em đã hiểu được những lợi ích mà mình được hưởng đã tích cực tham gia. Năm 2011, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã Bình Thuận chỉ còn 9%, giảm 8% so với năm trước.

Đánh giá hoạt động của Đề án 52 tại Bình Sơn, bà Huỳnh Thị Nghị, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện cho biết, các hoạt động của Đề án  tại Bình Sơn đã đem lại hiệu quả và đang hướng đến mục tiêu kiểm soát quy mô, chất lượng dân số vùng ven biển, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách DS – KHHGĐ và Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Năm 2012, dù kinh phí hoạt động của chương trình mục tiêu còn hạn chế, nhưng Trung tâm dân số huyện đã chủ động chỉ đạo các xã biển sớm triển khai các hoạt động truyền thông và lồng ghép dịch vụ KHHGĐ một cách hiệu quả. Nhằm đáp ứng nhu cầu CSSK của nhân dân, góp phần cải thiện đời sống, chất lượng dân số ngày một nâng cao hơn. Đồng thời, mở rộng việc triển khai các hoạt động của Đề án tại các xã còn lại trong huyện, thực hiện giảm sinh, tỷ lệ mất cân bằng giới tính trong thời gian tới.

“>>> Giai đoạn 2011 – 2015, Bình Sơn đảm bảo tốc độ tăng dân số tự nhiên ở mức hợp lý từ 0,9 – 1%, quy mô dân số trung bình đến năm 2015 là 183.550 người. Phấn đấu đến năm 2015, 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn dưới 12%.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!