Đề án 52 tại Kiên Giang: Kinh nghiệm của phụ nữ Hà Tiên

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thị xã Hà Tiên tỉnh Kiên Giang – một vùng có nền kinh tế chủ đạo là khai thác, chế biển, nuôi trồng thủy hải sản và du lịch với phần đông lao động là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Công tác DS – KHHGĐ nơi đây đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành địa phương.

Mô hình hay

Những năm trước đây, ở Hà Tiên, nhận thức của nhiều gia đình trong việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn nhiều hạn chế, chưa được các ngành, các cấp quan tâm; kinh phí hỗ trợ cho công tác dân số của thị xã thấp, nhiều cộng tác viên chưa thật sự tâm huyết, mặn mà trong việc vận động, tuyên truyền.

Nhưng từ khi Đề án 52 được triển khai thực hiện, công tác DS – KHHGĐ ở Hà Tiên đã có những chuyển biến tích cực, với mục tiêu làm tăng tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; người dân sinh sống ven biển, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Cán bộ dân số vận động chị em thực hiện KHHGĐ

Trung tâm DS – KHHGĐ thị xã đã thành lập và duy trì hoạt động tốt 60 câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ với sức khỏe sinh sản” tại 7 phường, xã là Thuận Yên, Tô Châu, Pháo Đài, Đông Hồ, Bình San; 2 xã là Mỹ Đức và Tiên Hải, thu hút trên 2.000 thành viên, gồm các chị em nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Họ đã được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn, phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tùy theo địa bàn, CLB sẽ chọn hình thức sinh hoạt, tối thiểu mỗi tháng phải có 3 lần sinh hoạt, nhằm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ được tham gia vào các hoạt động một cách tích cực, đồng bộ và có hiệu quả.

Cùng với đó, các cộng tác viên dân số lập danh sách những cặp vợ chồng mới cưới, những gia đình có con một bề là gái, những gia đình khá giả có nguy cơ sinh cao, những gia đình có nhiều người đi biển… để tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức. Đồng thời, nêu gương những gia đình ít con, khá giả, con cái trưởng thành để các gia đình khác cùng học tập. Các ban ngành đoàn thể cùng với cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số thị xã tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện KHHGĐ.

 

Hiệu quả thiết thực

Qua 2 năm hoạt động, mô hình “Phụ nữ với sức khỏe sinh sản” của Trung tâm DS – KHHGĐ thị xã đã tổ chức được 2.160 buổi sinh hoạt và giao lưu, thu hút gần 60.000 lượt chị em tham dự. Tại các buổi sinh hoạt giao lưu, các thành viên được cung cấp các tài liệu tuyên truyền (1.200 tờ rơi, hơn 20 đầu sách báo), xem phim tư liệu, giao lưu với các bác sỹ chuyên khoa. Các chị em được khám thai, siêu âm chẩn đoán phát hiện bệnh phụ khoa định kỳ. Nhiều chị em cho biết, họ cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp hàng ngày với cộng đồng, biết được nhiều kiến thức chăm sóc SKSS.

Buổi tuyên truyền họp nhóm trong chiến dịch tại ấp Rạch Vượt, xã Thuận Yên, TX Hà Tiên

Những thành quả không nhỏ này đã thể hiện được hướng đi đúng đắn trong công tác dân số của thị xã Hà Tiên nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung. Bên cạnh việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức, phát tờ rơi đến tận tay chị em phụ nữ, Trung tâm DS – KHHGĐ thị xã đã thực hiện phối hợp truyền thông với các ngành, đơn vị khác như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Kiên Giang… tổ chức tuyên truyền về DS – KHHGĐ và SKSS.

Thực hiện Chiến lược DS/SKSS giai đoạn 2011 – 2015 với trọng tâm là tuyên truyền, vận động ổn định mức sinh và nâng cao chất lượng dân số, Chi cục DS – KHHGĐ Kiên Giang tiếp tục phối hợp và nâng cao chất lượng công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục về DS – KHHGĐ và chăm sóc SKSS với các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội.

Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức thêm một số mô hình như “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, “Giảm tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” dần mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao và cải thiện đời sống của người dân miền biển.

Từ hiệu quả từ mô hình này, năm 2012, thị xã Hà Tiên phấn đấu chấm dứt việc phá thai ngoài ý muốn trong cộng đồng, nâng cao SKSS cho phụ nữ, tạo tiền đề cho các hoạt động triển khai các mô hình chăm sóc trẻ sơ sinh và sàng lọc bệnh cho trẻ sơ sinh.

>> Ông Hồng Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ thị xã Hà Tiên chia sẻ: Với sự tham gia tích cực của các hội viên đã giúp cho việc tuyên truyền các hoạt động và thu hút thêm các thành viên đến với CLB ngày càng có hiệu quả, góp phần vào việc hoàn hành tốt chỉ tiêu kế hoạch công tác dân số, nhất là giảm nhanh tình trạng nạo phá thai tại địa phương.

Ngọc Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!