T2, 06/07/2020 09:55

Đê bao và thủy sản vùng lũ

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Lũ lớn năm nay về ĐBSCL, thống kê chưa đầy đủ ở đầu nguồn trong tháng 9 đã gây thiệt hại 1.500 ha nuôi trồng thủy sản. Con số thiệt hại sẽ còn tăng thêm trong những ngày tới, khi vào đỉnh lũ dịp rằm tháng chín âm lịch, và lũ tràn về hạ nguồn, địa bàn chính nuôi trồng thủy sản. Đê bao trên nền đất yếu ngâm nước lâu ngày đang nhão ra, khó chống đỡ dòng nước khổng lồ.

Vấn đề đê bao chống lũ lại được đặt ra. Lịch sử đê bao ở ĐBSCL, khởi nguồn phục vụ sản xuất lúa cao sản: Bảo vệ lúa hè thu muộn và xuống giống lúa đông xuân sớm để đảm bảo hai vụ ăn chắc, gọi là đê bao tháng 8. Đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thêm đê bao chống lũ triệt để làm lúa vụ ba (thu đông), bảo vệ hoa màu và nuôi trồng thủy sản, ban đầu ở vùng ngập nông dần dần phát triển cả ở vùng lũ ngập sâu 4-5m.

Năm 2004, sau trận lũ lớn năm 2000 và các trận lũ nhỏ kế tiếp 2001, 2002, Thạc sỹ Dương Văn Nhã, Trường Đại học An Giang cùng các cộng sự nghiên cứu đề tài khoa học về đê bao. Trong đó, có nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản. Kết quả, đa số cho rằng đê bao tháng 8 không ảnh hưởng đến nguồn nước nuôi cá, nhưng với đê bao triệt để thì dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng lớn đến việc nuôi cá.

Bao đê tháng 8 có giảm diện tích nuôi nhưng kéo dài được thời gian nuôi, kết quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng chính là quan điểm đồng tình của đa số người dân sống trên địa điểm nghiên cứu có tham gia nuôi thuỷ sản, và phù hợp với nhận định của các nhà khoa học nghiên cứu về nuôi thuỷ sản: chi phí bảo vệ ao thấp, tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào trong mùa lũ, môi trường nuôi hở làm cá mau lớn, ít bệnh.

Tuy nhiên, với thủy sản đánh bắt thì đắp đê bao gây thiệt hại thấy rõ. Theo đề tài nghiên cứu, bao đê tháng 8 làm giảm thời gian đánh bắt so với không bao đê 27,6 ngày/năm và làm giảm gần hai lần lượng cá tự nhiên nông hộ bắt được. 100% người dân tham gia phỏng vấn đều trả lời, kích cỡ cá đánh bắt được sau khi bao đê nhỏ hơn so với trước đây. Đặc biệt là bao đê triệt để đã làm mất hẳn một số loài cá.

Thời điểm nghiên cứu cách đây hơn 9 năm, lúc đó đê bao chưa nhiều và diện tích nuôi trồng thủy sản cũng chưa nhiều như bây giờ. Việc đắp đê bao chống lũ triệt để ở vùng ngập sâu tràn lan thời gian qua còn làm tăng mức lũ các vùng khác, tăng dòng nước chảy xiết tàn phá hạ tầng, thì thiệt hại gây ra cho nuôi trồng thủy sản càng lớn.

Nhiều nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ nhận định, năm nay lúa vụ ba tại các vùng ngập sâu chịu quá nhiều rủi ro do đê bao vỡ và chi phí xã hội lớn cho việc đắp, giữ đê nên hiệu quả không cao. Cũng rất cần nghiên cứu đánh giá tác động của đê bao, nhất là đê bao chống lũ triệt để ở vùng ngập sâu, đối với thủy sản nuôi trồng nói riêng và nguồn lợi thủy sản ĐBSCL nói chung để có ứng xử hợp lý hơn trong tương lai.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!