Sau mỗi chuyến đi biển, điều ngư dân lo nhất là thiếu vốn để tiếp tục sản xuất. Nhà nước và thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ lãi suất để sửa chữa, đóng mới tàu cá. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, các chính sách hỗ trợ này chưa đến được với ngư dân.
Vốn thiếu ở đây, chính sách ở đâu đấy !?
Sau mỗi chuyến đi biển, điều ngư dân lo nhất là thiếu vốn để tiếp tục sản xuất. Nhà nước và thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ lãi suất để sửa chữa, đóng mới tàu cá. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, các chính sách hỗ trợ này chưa đến được với ngư dân.
Đói vốn, khó tiếp cận chính sách hỗ trợ
Chủ tàu HP 90478 ở xã Đại Hợp (Kiến Thuỵ) Đồng Đức Dấu cho biết: “Để vươn khơi hiệu quả, cuối năm 2012, tôi đầu tư hơn 2 tỷ đồng để đóng mới tàu công suất 400 CV. Nghe cán bộ phòng nông nghiệp huyện và địa phương nói có chính sách của thành phố hỗ trợ ngư dân vay 400 triệu đồng/đóng mới tàu cá với lãi suất ưu đãi tôi quyết định làm hồ sơ vay vốn hỗ trợ. Đây cũng là năm thứ 2 tôi làm hồ sơ nhưng không được vay. Đâm lao phải theo lao, tôi phải vay vốn từ anh em trong gia đình, bạn bè và từ các chủ đầu nậu buôn cá tại xã. Sau mỗi chuyến đi biển, mỗi ngư dân ở đây đều muốn vay vốn từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để sửa chữa tàu, thay máy mới nhưng không kiếm đâu ra vốn. Vay ngân hàng thì họ đòi phải có sổ đỏ thế chấp nhưng toàn bộ ngư dân Đại Hợp đều chưa ai có sổ đỏ vì nhà ở thuộc diện nằm trong hành lang bảo vệ đê biển, không được cấp sổ đỏ”.
Ngư dân Nguyễn Đình Soành, ở tập đoàn đánh cá Đại Hợp (Kiến Thụy) cho biết: “Năm 2011, một số ngư dân ở Đại Hợp cũng làm hồ sơ vay vốn hỗ trợ đóng mới tàu vươn khơi theo Quyết định 1356 của thành phố nhưng không được vay. Trước đó, chúng tôi có làm hồ sơ xin hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, cải hoán đóng mới tàu theo Quyết định 289 của Chính phủ (2008- 2010) nhưng cũng không được vay. Tại Đại Hợp có những ngư dân như anh Tiếp, anh Dấu kiên trì làm hồ sơ 3 lần để vay vốn hỗ trợ mà không được vay, vì chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp- PTNT Đông Tác cho biết, không có vốn dành cho chương trình”. Để có vốn cải hoán tàu cá, anh Đặng Văn Tiếp, ngư dân ở xã mang giấy tờ của chiếc tàu cá đang hoạt động đi làm thủ tục vay. Đến ngân hàng nào người ta cũng lắc đầu nguây nguẩy. Anh Tiếp thắc mắc, tàu cá thì có khác gì cái ô tô, giá trị của nó cũng bạc tỷ, tại sao ngân hàng cầm cố ô tô mà không cầm cố tàu cá? Sau này anh Tiếp mới hay, vì hoạt động đánh bắt xa bờ có nhiều rủi ro nên không ngân hàng nào dám cho vay thế chấp bằng tàu cá?!
Từ năm 2011 đến nay, ngư dân ở Lập Lễ (Thủy Nguyên) không thể vay được nguồn vốn ưu đãi theo Quyết định số 1356/QĐ- UB của UBND thành phố do vướng về thủ tục và Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp- PTNT huyện Thủy Nguyên không có nguồn vốn bố trí cho chương trình. Biết không thể huy động bằng nguồn vốn chính thống để đóng mới, cải hoán tàu cá, ngư dân ở đây phải đến với…tín dụng đen. Người họ tìm đến là các chủ thu mua hải sản. Nhiều chủ thu mua ứng trước cho ngư dân vay mỗi người 50- 100 triệu đồng, với điều kiện khi nào tàu cập cảng phải bán cá cho họ với mức giá ưu đãi. Theo Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng, do thiếu vốn, phải vay vốn từ nguồn tín dụng đen với lãi suất lớn nên có tình trạng ngư dân phải bán tàu trả nợ. So với năm trước, hiện số tàu vươn khơi của Đại Hợp (Kiến Thụy) giảm 9 chiếc, có 2-3 chiếc đang chuẩn bị bán cho ngư dân Nghệ An và Quảng Nam. Nhiều ngư dân ở Ngọc Hải (Đồ Sơn) đã bán tàu, số tàu vươn khơi ở địa phương hiện còn khoảng hơn 10 chiếc.
Do không có hợp đồng đóng mới sản phẩm tàu cá, nhiều cơ sở sửa chữa tàu thuyền tại quận Đồ Sơn chuyển sang đóng tàu du lịch
Linh hoạt điều chỉnh chính sách hỗ trợ
Theo ông Vũ Hồng Ban, Phó chủ tịch UBND xã Đại Hợp (Kiến Thụy),về mặt văn bản, các chính sách hỗ trợ ngư dân đã được Nhà nước ban hành khá đầy đủ. Nhưng cái cần là việc tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, sát với người sản xuất và linh hoạt điều chỉnh để có tính khả thi cao. Để ngư dân có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, ngành chức năng cần giảm bớt các thủ tục hành chính. Việc hỗ trợ cũng nên sát thực tế, quan tâm đến những vấn đề ngư dân ở từng khu vực đang cần.
Theo ông Bùi Doãn Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Thủy Nguyên, thành phố cần có cơ chế rõ việc phối hợp giữa các ngành để thực hiện các chính sách hỗ trợ. Tránh tình trạng thành phố ban hành chính sách hỗ trợ nhưng các chi nhánh ngân hàng lại theo chỉ đạo của ngành dọc, không bố trí nguồn vốn cho vay như thời gian qua. Có thời điểm các tập đoàn đánh cá lớn như Lập Lễ, Đại Hợp đã xây dựng được quỹ để ngư dân hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển nhưng cái mà ngư dân đang cần nhất hiện nay là có quỹ để hỗ trợ sản xuất, có vốn vay để có thể quay vòng sản xuất. Ngư dân cần có quỹ tương tự quỹ tín dụng nhân dân hiện nay, thủ tục cho ngư dân vay vốn thuận lợi nhất. Ngư dân cũng cần cơ chế, chính sách để vay vốn với lãi suất thấp, thời hạn vay dài hơn. Mức vay không phải là vài ba chục triệu, mà từ một vài trăm triệu trở lên, để phục vụ cho sản xuất. Có như vậy mới tháo gỡ được những khó khăn hiện nay, ngư dân không phải vay nặng lãi, người đi biển được phân chia lợi nhuận cao hơn.