Hiện Cục Tần số Vô tuyến điện mới cấp giấy phép sử dụng tần số cho hơn 13.000 tầu cá. Tuy nhiên chưa có địa phương nào nắm được số liệu cụ thể về số lượng tầu cá đang hoạt động, nên chưa quản lý được việc thực hiện quy định về cấp giấy phép sử dụng tần số.
Theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện, các phương tiện liên lạc trên các tàu, thuyền đánh cá, sử dụng tần số dành riêng cho nghề cá và các tần số để đảm bảo an toàn trên biển thuộc đối tượng phải cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện. Từ ngày 15/12/2010, Cục Tần số Vô tuyến điện đã chính thức triển khai cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho các đối tượng này theo Thông tư 24/2010/TT-BTTTT. Việc cấp phép sử dụng tần số là để đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho ngư dân trên biển và để đảm bảo người dân thực hiện đúng các quy định của nhà nước về tần số vô tuyến điện.
Cục Tần số Vô tuyến điện đề nghị chính quyền địa phương tham gia nắm số liệu và tình hình sử dụng máy thu phát sóng vô tuyến của các tầu cá trên địa bàn. Ảnh minh họa: Internet
Theo ông Đoàn Quang Hoan – Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, tính đến nay đã có hơn 13.000 giấy phép sử dụng tần số đã được cấp cho các tầu, thuyền đánh cá trên biển. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ đảm bảo là tất cả các tầu, thuyền đánh cá trên toàn quốc sử dụng đúng tần số cho phép và số lượng tầu cá sử dụng tần số chưa có giấy phép còn khá lớn.
Ông Hoan đề nghị, sở TT&TT tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan có biện pháp nắm chắc số liệu về số lượng tầu cá trên địa bàn, số lượng tầu đã được cấp phép sử dụng tần số hay chưa. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để kiểm tra, hướng dẫn ngư dân về sử dụng tần số theo đúng quy định và có được con số chính xác về số lượng tầu thuyền đánh cá đang hoạt động.
Trước đó, tại cuộc họp Giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT tháng 11/2013, ông Đoàn Quang Hoan – Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, việc quản lý tàu thuyền đánh cá thực hiện các quy định của Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên biển tại các địa phương rất lỏng lẻo.
Theo ông Hoan, hầu hết các Sở TT&TT tại các tỉnh có nhiều tàu, thuyền đánh cá đang hoạt động đều gặp vấn đề về số liệu tàu thuyền đánh cá đang sử dụng thiết bị thu phát sóng thông tin thế nào, các loại máy đang lưu hành trên thị trường có đúng tiêu chuẩn hay không, nhiều tỉnh không nắm được có bao nhiêu tàu thuyền công suất trên 90CV đang hoạt động, nên không thể có số liệu về số lượng thiết bị đang sử dụng tần số vô tuyến điện. Thậm chí, nhiều Sở TT&TT còn chưa nắm được quy định của Chính phủ về việc các tàu thuyền đánh cá bắt buộc phải có máy thu phát sóng ngắn, không nắm được có bao nhiêu tàu đã có máy, bao nhiêu tàu chưa có…
Tình trạng này không chỉ gây cản trở cho công tác quản lý tần số vô tuyến điện mà còn đặt ra vấn đề quản lý việc thực hiện Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên biển tại các địa phương ra sao.
Ông Hoan kiến nghị, Bộ TT&TT cần có buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng để bàn việc phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện đúng các quy định của nhà nước về đảm bảo thông tin trên biển, cũng như thực hiện những quy định về quản lý tần số. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền tới chính quyền địa phương và ngư dân về việc mua và sử dụng các thiết bị có thu sóng tần số đạt tiêu chuẩn nhằm tránh can nhiễu và đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
Theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2007 thì tất cả các tàu thuyền đánh bắt hải sản trên các vùng biển bắt buộc phải được trang bị những thiết bị tối thiểu. Ví dụ, đối với tàu có lắp máy dưới 50CV cần có: máy phát sóng ngắn vô tuyến dành cho ngư dân, máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai, khuyến khích sử dụng máy thu phát sóng ngắn HF. Đối với tàu có công suất máy từ 90CV trở lên cần có: máy định vị vệ tinh GPS, máy thu phát sóng ngắn HF, máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai, hướng tới dùng thiết bị Inmarsat…