Đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Chiều 13/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam, đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM kiến nghị thành lập Bộ Kinh tế biển để thống nhất quản lý tài nguyên biển.

Yêu cầu bức thiết

“Bớt bộ nào cũng được, nhưng phải có bộ này. Tôi  đã đi nhiều vùng biển và hải đảo của nước ta thì thấy đây là yêu cầu hết sức bức thiết. Đây là thế mạnh của ta. Vì vậy ta phải có một bộ máy quản lý mạnh” – ông Trần Du Lịch nói.

Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, Biển Đông của nước ta đối với nước ta quan trọng như cá nhân có nhà mặt tiền đường Đồng Khởi (TP.HCM), phố Tràng Tiền (HN). Với đường bờ biển dài trên 3.000 km mà bây giờ mới xây dựng luật này là chậm.

Tán đồng, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) khẳng định nếu khai thác tốt tài nguyên biển thì kinh tế đất nước sẽ nhanh giàu. “Đây là vấn đề đã được cha ông ta 500 năm về trước tính đến: “Biển Đông ngàn dặm giang tay giữ.” Vậy chúng ta phải làm gì để “giang tay giữ” ? Hội nghị Trung ương có chiến lược về biển Việt Nam, trong đó có hai vấn đề quan trọng là phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đã có nhiều luật liên quan đến bảo vệ môi trường rồi thì có nên đặt tên luật này gắn với chữ “môi trường” hay không ? Một luật có tên như vậy có đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và phù hợp với bối cảnh đất nước giờ đây không? Tôi cho rằng tên luật này nên được đặt tên là “Luật Kinh tế biển đảo” thì mới ngang tầm về chiến lược biển của nước ta”- ông Đương kiến nghị.

Theo ông Đương, muốn bảo vệ được chủ quyền thì phải gắn liền với đời sống kinh tế trên biển đảo. ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) đồng tình quan điểm với ông Đương về việc tên luật nên là Luật Kinh tế biển đảo và việc thành lập Bộ Kinh tế biển vào thời điểm này là cần thiết.

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) có nhiều tiềm năng du lịch, khai thác – Ảnh: Trần Út

Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khẳng định trên biển không chỉ có đảo mà còn có đá và bãi đá cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó dự thảo luật liệt kê trong phạm vi vùng bờ, vùng biển, các đảo và quần đảo, mà ở đó không có đá và bãi đá. “Hiện nay tranh chấp, đánh nhau chủ yếu là ở đá và bãi đá. Philippines và Trung Quốc cũng vậy, một số đảo ngoài Trường Sa là đá và bãi đá khác với đảo; đá khác với đảo, khi nước lớn thì nó bị ngập ở dưới, khi nước ròng thì lộ lên. Những bãi đá đó người ta xây căn cứ quân sự như Trung Quốc đang làm” – ông Nghĩa phân tích và đề nghị phải tính toán lại điều này.

 

Làm rõ trách nhiệm tư nhân khai thác vùng biển

ĐB Đỗ Kim Tuyến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), cho biết vừa qua đã có chuyện doanh nghiệp xin quản lý toàn bộ Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). “Khu vực Vinpearl – Nha Trang cũng đang do một doanh nghiệp quản lý nên anh nào muốn vào đó nghiên cứu khoa học thì phải được sự đồng ý của anh Vượng (ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn VinGroup – đơn vị quản lý). Rồi câu chuyện của “chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển chẳng hạn, họ lấn biển rất rộng, làm ô tàu, thực hiện quyền trên vùng biển đó. Từ khu Nha Trang ra sân bay có thể thấy toàn bộ khu bờ biển đã được doanh nghiệp đầu tư hết, muốn vào tắm cũng không được. Rõ ràng cá nhân hoặc tổ chức đã tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý vùng biển. Trong luật này thiết chế liên quan đến quyền của cá nhân, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức còn nhẹ quá, chủ yếu nặng về quản lý nhà nước cần phải xem lại, làm rõ hơn, trong đó phải gắn việc khai thác quản lý với đảm bảo an ninh – quốc phòng” – ĐB Đỗ Kim Tuyến nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội, băn khoăn việc quản lý bờ biển giao cho địa phương quản lý, nơi nào mạnh thì đầu tư khai thác triệt để nhưng ai là người quản lý tổng thể bờ biển thì chưa rõ. “Đây là vấn đề nghiêm trọng cần sốc lại. Trách nhiệm quản lý tổng hợp về tài nguyên môi trường biển thể hiện trong dự thảo chưa đầy đủ, bao quát” – bà Hà nói. Theo bà Hà, việc tư nhân được giao quản lý khai thác vùng biển, vùng bờ thì phải làm rõ thời gian khai thác, khai thác đến mức độ nào, trường hợp chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thì điều kiện ràng buộc ra  sao trong việc quản lý vùng bờ biển này phải rõ.

>> “Những chương trình kinh tế biển như đánh bắt xa bờ trước đây gặp thất bại cũng một phần vì thiếu bộ chủ quản chuyên trách về lĩnh vực biển. Và trong tương lai sẽ còn nhiều chương trình kinh tế lớn gắn liền với biển, nếu không có cơ quan chủ quản cấp bộ phụ trách sẽ khó thành công” – Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) khẳng định.

Ngọc Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!