Ngành nuôi tôm gặp thách thức và tiềm ẩn nhiều nguy cơ: con giống, dịch bệnh, rào cản kỹ thuật… Để đáp ứng nhu cầu thực tế giải quyết những tồn tại nghề nuôi tôm hiện nay, giải pháp nuôi tôm theo quy phạm VietGAP ngày càng phổ biến và tất yếu.
Ông Lê Ngọc Quân, Phó trưởng Phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, các hộ tham gia mô hình nuôi tôm VietGAP bắt buộc phải có ao chứa, ao lắng, ao xử lý bùn. Địa điểm nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch. 100% hộ xây dựng mô hình được mời tham gia đầy đủ các cuộc tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về VietGAP. 100% con giống thả nuôi được kiểm dịch có kích cỡ đồng đều, tôm khỏe, sạch bệnh, không có bệnh phát sáng, bệnh Taura (TSV), MBV, WSSV, YHV, HPV. Mẫu tôm đã được qua xét nghiệm và được cơ quan chức năng kiểm dịch và công nhận chất lượng, mật độ thả 80 con/m2.
Năm 2015, áp dụng VietGAP, các mô hình đã tiết kiệm được một số khoản chi phí do quá trình quản lý tốt hơn, như: Lượng thuốc, hóa chất dùng ít (do sức khỏe tôm tốt, môi trường ổn định hơn); kiểm soát thức ăn tốt; tiết kiệm được lượng điện sử dụng… Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của 1 mô hình/ha thấp hơn nhiều so năm 2014, nguyên nhân là do giá bán thấp.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Tài, chủ hộ nuôi tôm ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An còn nhiều khó khăn khi triển khai theo VietGAP, đó là sản phẩm khi nuôi VietGAP và sản phẩm nuôi không áp dụng VietGAP không có sự chênh lệch rõ ràng về chất lượng cũng như giá trị sản phẩm; đa số các hộ dân nuôi nhỏ lẻ đều không muốn áp dụng VietGAP; các tiêu chí còn rườm rà và nhiều tiêu chí không thực hiện được vì đòi hỏi kinh phí và có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi nhỏ lẻ do có tới 29,5% hộ không áp dụng được vì hệ thống ao chứa, ao cấp không đảm bảo theo tiêu chí VietGAP.
Bên cạnh đó, hệ thống cán bộ khuyến nông các cấp cần nâng cao trình độ về kỹ thuật cũng như quy phạm VietGAP do có tới 26,5% dân được hỏi không áp dụng được vì hệ thống ghi chép sổ sách quá khó. Chính quyền các cấp cần tạo điều kiện trong việc cho thuê đất, mặt nước để nuôi tôm. Cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng các vùng nuôi tôm để áp dụng hình thức nuôi tôm an toàn sinh học, góp phần đưa nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại để sản phẩm tôm VietGAP có giá thành cao, ổn định nhằm khuyến khích nông dân áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi tôm…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền cho biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng quy định hướng dẫn kỹ thuật về ứng dụng các sản phẩm hỗn hợp được dùng làm thức ăn chăn nuôi, danh mục các sản phẩm hỗ trợ cũng như hóa chất dùng để xử lý môi trường để vừa quản lý được việc cung ứng, sử dụng trên thị trường, vừa bảo vệ môi trường nuôi bền vững hơn.