T4, 05/04/2023 12:48

Để tôm Việt vươn tầm cao mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những năm gần đây, ngành tôm Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc khi luôn nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành tôm nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, cần sự chung tay của toàn ngành để nâng tầm chuỗi giá trị. Đây cũng là chủ đề của VietShrimp 2023 hướng tới. Cùng Tạp chí Thủy sản Việt Nam lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, với mong muốn “hóa giải” thách thức, giúp tôm Việt vươn tầm cao mới.

Ông Eric de Vaan, Tổng Giám đốc Nutreco Việt Nam

Vững bước đồng hành cùng người nuôi

Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia thuận lợi nhất trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu tôm nhờ vào những đặc tính của vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến của nước ta vẫn đạt đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để duy trì khả năng cạnh tranh như: Tăng quy mô, sử dụng công nghệ, giảm bệnh tật và cải thiện an toàn sinh học, thích nghi với các thành phần dinh dưỡng mới, hợp tác chặt chẽ hơn trong chuỗi giá trị để đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận và tính bền vững. Skretting là tập đoàn hàng đầu thế giới về thức ăn thủy sản chất lượng cao - một mắt xích thiết yếu trong chuỗi sản xuất thực phẩm. Chúng tôi cung cấp các giải pháp và sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp, nông dân, nhà chế biến và các công ty thủy sản. Skretting đang sản xuất hơn 1 triệu tấn thức ăn cho tôm trên toàn cầu và vẫn liên tục đổi mới cũng như phát triển các giải pháp mới trong lĩnh vực dinh dưỡng, nguyên liệu, chất lượng, quản lý trang trại, công nghệ, sức khỏe và chất lượng nước.

Ông Johan Van Den Ban, CEO De Heus Việt Nam

Quan tâm tới tính bền vững là hướng đi đúng đắn

Nuôi tôm ở Việt Nam đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu người nuôi và tạo nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Tuy vậy, ngành nghề này cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức. Cụ thể là mối quan ngại về các tác động đến môi trường nước. Thấu hiểu điều đó, bên cạnh việc chú trọng đến chất lượng sản phẩm thể hiện qua việc đầu tư xây dựng Trung tâm thực nghiệm R&D để nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cải tiến công thức cũng như kỹ thuật NTTS; De Heus cũng đón đầu xu hướng phát triển bền vững trong tương lai. Bởi De Heus hiểu rằng để giúp tôm Việt vươn tầm cao mới thì quan tâm tới tính bền vững chính là hướng đi đúng đắn của ngành tôm. Hiện nay, De Heus cung ứng cho thị trường các dòng sản phẩm thức ăn nuôi tôm thẻ, tôm sú và tôm càng xanh đa chủng loại với 2 thương hiệu De Heus và Proconco. De Heus cũng đã phát triển và thử nghiệm thành công công thức thức ăn dành cho tôm mà không chứa thành phần từ bột cá. Chế độ dinh dưỡng này được đặt tên là F3 (viết tắt của “Fish Free Feed”) mang đến cho thị trường một sản phẩm không chỉ bền vững mà còn đạt hiệu quả cao. Không dừng lại ở việc cải tiến, đổi mới trong giải pháp dinh dưỡng, với tôn chỉ lấy người nuôi là trọng tâm, De Heus cũng đang đóng vai trò chủ đạo trong việc kết nối người nuôi với các công ty con giống chất lượng cao, cũng như công ty chế biến, giúp tối ưu hiệu quả, năng suất nuôi trồng và giải bài toán đầu ra cho khách hàng, giúp các hộ nuôi đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài và xa hơn là nâng cao giá trị bền vững của ngành tôm.

Ảnh: Đình Tuyển

Ông Vũ Văn Vân, CEO Công ty CP Công nghệ Otanics

Giải pháp khoa học kỹ thuật sẽ giúp ngành tôm phát triển bền vững

Trong tương lai gần, ngành tôm đang gặp rất nhiều thách thức như dịch bệnh bùng phát mạnh, giá thức ăn và các vật tư tăng cao tới 30 - 100%, giá tôm thành phẩm giảm và đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các cường quốc nuôi tôm xuất khẩu như Ecuador, Ấn Độ... Tuy nhiên, thị trường tôm toàn cầu vẫn đang trong đà tăng trưởng mạnh mẽ và vẫn còn đó những cơ hội lớn cho ngành tôm Việt Nam khi chúng ta đã có một nền tảng tương đối tốt. Để giúp ngành tôm vượt qua các thách thức trên và nắm bắt cơ hội tăng trưởng, TOMOTA đang từng bước giúp các trại giống và trại nuôi ghi nhận dữ liệu một cách chính xác, tiện dụng, từ đó đưa ra những quyết định sản xuất, kinh doanh chính xác, hiệu quả, và kịp thời. Trong hai năm qua, TOMOTA đã giúp các trại nuôi của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tổng diện tích hơn 1.000 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang) tăng năng suất lao động 30% và cắt giảm phần lớn lãng phí về vật tư, thiết bị và thời gian. TOMOTA S3 cũng giúp trại giống Minh Phú Ninh Thuận kiểm soát chính xác số lượng, chất lượng của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm trong quá trình sản xuất cũng như khi xuất bán cho trại nuôi. TOMOTA S3 và các sản phẩm khác có mặt tại hơn 50 trại giống cùng rất nhiều trại nuôi khác và đang tiếp tục lan tỏa nhanh chóng trong và ngoài nước. Chúng tôi kỳ vọng rằng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật cũng như các công cụ giúp ra quyết định chính xác, ngành tôm Việt Nam sẽ sớm ổn định và phát triển bền vững.

Tại VietShrimp 2023, chúng tôi mang tới những sản phẩm TOMOTA phục vụ cho các trại nuôi và trại giống thủy sản. Những sản phẩm này có nhiều tính năng độc đáo, vượt trội, đã thu hút được một lượng lớn khách hàng qua các kênh online của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được một lượng lớn khách hàng tới trải nghiệm sản phẩm TOMOTA S3 cũng như các sản phẩm khác của chúng tôi và sẽ tiếp tục tạo thành một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của VietShrimp 2023.

Ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung, Chủ tịch HĐQT VinhThinh Biostadt

Cùng nhau gắn kết, hợp lực

Sản xuất kinh doanh ngành tôm 3 năm qua rất biến động do dịch COVID-19 và nhất là năm 2022 chi phí đầu vào vật tư nguyên vật liệu tăng cao, lãi suất cao và tín dụng ách tắc trong khi dịch bệnh trầm trọng hơn…; điều này đã gây nhiều khó khăn cho tất cả thành phần tham gia, nhất là người nuôi tôm. Bước vào năm sản xuất kinh doanh 2023, thì các vấn đề trên vẫn đang tiếp diễn theo chiều hướng phức tạp và chưa rõ ràng, khó nhất là nguồn vốn và giải pháp phòng dịch bệnh. Nguy cơ người nuôi treo ao, giảm thả giống thời gian tới, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho cả chuỗi cung ứng của ngành tôm. Tôi nhớ đến câu nói của Tỷ phú Warren Buffett, một doanh nhân, nhà đầu tư và cũng là nhà từ thiện rất nổi tiếng trên thế giới đã chia sẻ: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Còn nếu bạn muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”. Đối diện với những thách thức khó khăn phía trước, Vinhthinh Biostadt xin chia sẻ thông điệp: “Kết nối hoàn hảo - Tạo chuỗi thành công”, với mong muốn tất cả khách hàng, đối tác hãy cùng nhau gắn kết, hợp lực, hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để cùng xây dựng những thành công mới và chia sẻ rủi ro với nhau. Với Chương trình “Hợp tác phát triển chuỗi cung ứng giá trị” của Vinhthinh Biostadt thì chúng tôi tư vấn và chuyển giao mô hình nuôi mới 3 giai đoạn và quy trình phòng bệnh 75 ngày phù hợp với điều kiện vật chất của trang trại, cung cấp khép kín tất cả sản phẩm đầu vào chất lượng cao từ con giống, thức ăn, nhân sự kỹ thuật và dịch vụ xét nghiệm cho khách hàng. Đây là hành động cụ thể để góp một phần vào việc “nâng tầm tôm Việt” của Vinhthinh Biostadt chúng tôi, nhằm đạt mục đích thành công bền vững, đơn giản hợp tác và hài hòa lợi ích với mọi thành phần tham gia chuỗi sản xuất tôm Việt Nam.

Ông Tôn Thất Đề, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Úc

VietShrimp là sân chơi tiềm năng để nâng tầm thương hiệu tôm Việt

Tập đoàn Việt Úc đã tham gia đồng hành cùng VietShrimp qua 3 kỳ tổ chức với vai trò nhà Tài trợ Kim cương. Chúng tôi nhận định rằng đây là sân chơi tuy còn mới nhưng rất tiềm năng để giúp Nâng tầm thương hiệu Tôm Việt không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Tại VietShrimp 2023, Việt Úc lan tỏa thông điệp: Vì một ngành tôm Việt Nam công nghệ cao bền vững. Bền vững không chỉ cho ngành tôm, cho môi trường, mà còn cho cộng đồng. Để thực hiện được, Tập đoàn đã và đang triển khai rất cụ thể các giải pháp công nghệ cho từng mảng trong chuỗi giá trị khép kín ngành tôm: từ chủ động nguồn tôm bố mẹ để cho ra đời các thế hệ tôm giống công nghệ cao VUS Leader 21 hay tôm giống chuyên độ mặn cực thấp VUS Leader 1/000. Không dừng lại ở đó, Việt Úc vẫn đang tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn để cho ra đời các thế hệ tôm giống mới với nhiều tính trạng vượt trội, đặc biệt là khả năng chống chịu với môi trường dịch bệnh. Đến mảng tôm thương phẩm, Tập đoàn đã xây dựng 3 Khu Phức hợp nuôi tôm công nghệ cao quy mô lớn. Trong các Khu phức hợp này, chúng tôi đã và đang triển khai các Mô hình nuôi tôm Công nghệ cao VUS Bền vững. Đặc biệt, tôm được nuôi hoàn toàn không kháng sinh trong suốt vòng đời. Cuối cùng là Nhà máy chế biến thủy sản với đầu ra con tôm hoàn hảo, đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc cũng như màu sắc và hương vị vượt trội, để cung cấp cho người tiêu dùng nội địa và trên thế giới. Để hiện thực hóa khát vọng “Nâng tầm tôm Việt” trên thị trường quốc tế. Đây là một hành trình gắn kết bền vững từ Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông đến các hiệp hội. Chúng tôi tin rằng với những thế mạnh mà ngành tôm Việt Nam đang có, cùng sự đồng lòng từ tất cả các bên cho định hướng chung thì chúng ta hoàn toàn tự tin để đạt được mục tiêu trong tương lai không xa.

Ông Francois Loubere, Tổng Giám đốc BioMar tại châu Á

Cần sự hợp tác chặt chẽ và đồng bộ

BioMar tin rằng củng cố sức cạnh tranh trên thị trường thế giới là một trong những bước đi chiến lược của ngành tôm Việt Nam. Để làm được điều này, chúng ta cần sự hợp tác chặt chẽ và đồng bộ giữa tất cả các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp tham gia vào ngành tôm, từ nguyên liệu cho đến chế biến, xuất khẩu. Việt Nam là một thị trường đầy thách thức, nhưng cũng là thị trường rất cởi mở đón nhận những giải pháp tiên phong và công nghệ nuôi mới để củng cố vị trí trên thị trường thế giới một cách bền vững. Với vai trò là một nhà cung cấp giải pháp dinh dưỡng cao cấp, BioMar luôn nỗ lực thực hiện điều này thông qua những hợp tác chiến lược. Trong những năm qua, bên cạnh việc phát triển các khái niệm thức ăn thủy sản mới, chúng tôi đã xây dựng một phương pháp luận mạnh mẽ để phát triển và đánh giá các giải pháp được xem là “hệ thống y tế dự phòng” cho ngành tôm. Về mặt công nghệ nuôi, gần đây chúng tôi đã mua lại AQ1 - Công ty dẫn đầu thế giới về hệ thống cho ăn thông minh. Sự kết hợp công nghệ cho ăn thông minh này và thức ăn được tối ưu hóa tương thích với hệ thống đó là một phương pháp hữu ích để kiểm soát chi phí sản xuất. Với sức mạnh tổng hợp từ sự hợp tác bền chặt giữa toàn bộ các cá nhân, tập thể trong chuỗi cung ứng, BioMar tin rằng ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường thế giới và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.

Hồng Thắm – Bảo Ngọc – Nguyệt Nga (Ghi)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!