T5, 11/04/2024 07:52

VietShrimp2024: Thương hiệu của ngành tôm Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam năm 2024 (VietShrimp 2024), diễn ra tốt đẹp từ ngày 20 – 22/3, với chủ đề “Đồng hành cùng người nuôi tôm”. Sau thời gian tổ chức chu đáo, hoành tráng, quy mô tầm cỡ khu vực và châu Á, các đơn vị đồng phối hợp tổ chức VietShrimp 2024: Hội Thủy sản Việt Nam, Cục Thủy sản, UBND tỉnh Cà Mau, đã để lại những dấu ấn đáng nhớ trong lòng các đại biểu, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; tạo tiếng vang lớn cho một sự kiện chuyên về ngành tôm.

Trong khuôn khổ VietShrimp 2024 có 236 gian hàng của gần 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế (thuộc hơn 20 quốc gia trên thế giới), hoạt động trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng. 

Ba ngày Hội chợ đã thu hút khoảng 19.000 lượt khách tham quan, trong đó có rất đông bà con nông dân trực tiếp nuôi tôm nói riêng, nuôi trồng thủy sản nói chung, đến từ cả nước. Đồng thời, Hội chợ cũng đã thu hút được đại diện nhiều Hội, Hiệp hội Thủy sản các tỉnh/thành phố tham dự các phiên Hội thảo và tham quan các gian hàng. 

Tại VietShrimp 2024, các doanh nghiệp có cơ hội phát triển và mở rộng kinh doanh với những cơ hội mới: Kết nối trực tiếp đến các doanh nghiệp, chuyên gia và lãnh đạo đầu ngành thủy sản; trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm; rút ngắn chu kỳ sản xuất cũng như bán hàng, thông qua các ứng dụng kết nối mới; cập nhật tin tức thị trường tại Việt Nam và thế giới. 

Bên cạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao thương, xúc tiến thương mại, Hội chợ năm nay trưng bày nhiều thiết bị, máy móc, công nghệ mới hiện đại, được cập nhật phục vụ cho ngành tôm. Các đơn vị tham gia Hội chợ đã mang đến những công nghệ hữu ích, có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng, theo xu thế phát triển ngành thủy sản bền vững, thích ứng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc sản phẩm quốc tế, Công ty De Heus Việt Nam cho biết: “Đây là diễn đàn để những doanh nghiệp như chúng tôi có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, công bố các nghiên cứu, giải pháp mới cho ngành hàng tôm. Đến với VietShrimp 2024, De Heus Việt Nam mang đến những giải pháp về dinh dưỡng và công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững cho ngành hàng tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế”. 

Anh Lê Tấn Tài, người nuôi tôm tại xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia Hội chợ triển lãm với quy mô lớn và chuyên nghiệp như vậy. Khi tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm về ngành tôm, tôi có dịp tìm hiểu, nghiên cứu về các sản phẩm mới như thức ăn, máy móc, thiết bị, thuốc, các mô hình cũng như cách xây dựng, thiết kế ao nuôi phù hợp, để đạt hiệu quả cao trong nuôi tôm. Mong rằng những sự kiện hữu ích cho người nuôi tôm như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên, để chúng tôi có cơ hội cập nhật nhiều kiến thức mới”. 

Dấu ấn và cũng là nội dung không thể thiếu trong mỗi kỳ Hội chợ triển lãm đó chính là các phiên Hội thảo chuyên đề, chuyên sâu. Bốn phiên Hội thảo chuyên đề với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của hơn 40 diễn giả, đã thu hút hơn 1.000 đại biểu trong và ngoài nước tham dự. Chia sẻ của các đại biểu trong Hội thảo, đã gợi mở nhiều giải pháp để nâng tầm chuỗi giá trị ngành tôm, phù hợp với chiến lược phát triển ngành tôm Việt Nam. 

Các báo cáo tham luận bám sát chủ đề của VietShrimp 2024 là “Đồng hành cùng người nuôi tôm”; cũng như xu hướng được quan tâm hiện nay, đó là nuôi tôm tuần hoàn, sản xuất xanh, nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu. Từ cái nhìn tổng quan của nhà quản lý, đến những chi tiết về chất lượng con giống, giải pháp nuôi tôm khỏe để đạt hiệu quả cao, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, dùng chế phẩm sinh học để thay thế kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm, nhằm đảm bảo chất lượng tôm nuôi phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, hay vấn đề chuyển đổi số trong ngành tôm… 

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhận xét, VietShrimp 2024 thể hiện rõ nét trách nhiệm của Hội Thủy sản Việt Nam và cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành tôm, trong việc tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn và thúc đẩy ngành tôm phát triển. Đồng thời, giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng đúng khoa học – kỹ thuật – công nghệ. 

Vẫn lời ông Luân: Với chủ đề “Đồng hành cùng người nuôi tôm”, VietShrimp 2024 cần quan tâm, đồng hành cùng người nuôi tôm để họ nuôi đạt hiệu quả, tránh tình trạng sụp đổ cả chuỗi giá trị ngành tôm. Vì vậy, việc quy tụ được tinh hoa, chất xám và thu hút được các doanh nghiệp từ các đơn vị quốc tế tham gia vào sự kiện lần này, đây là sự thành công bước đầu. Ngoài ra, thông qua sự kiện VietShrimp 2024, người nuôi tôm được tiếp cận khoa học – kỹ thuật – công nghệ tiên tiến, giúp việc nuôi tôm thuận lợi hơn, hiệu quả hơn. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao mục đích, kết quả mà VietShrimp những lần trước đã đạt được, tạo được động lực, làn sóng mới trong phát triển ngành hàng tôm. Đồng thời, mong muốn trên cơ sở những thành công đã qua, thời gian tới công tác tổ chức VietShrimp sẽ có đánh giá tổng kết, mở rộng đối tượng, từ đó tìm giải pháp, nhất là giải pháp công nghệ tối ưu, phù hợp nhất, trong việc phát triển các ngành hàng thủy sản nói chung, ngành hàng tôm nói riêng. 

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!