(Thủy sản Việt Nam) – Chuyên mục Tư vấn lần này, Tạp chí Thủy sản Việt Nam và chương trình “Đồng hành cùng nhà nông” của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư và Đài Phát thanh – Truyền hình Bạc Liêu tiếp tục giải đáp thắc mắc của bà con.
Anh Dương Chí Tâm, ấp 10B, xã Tân Phong, huyện Giá Rai, Bạc Liêu hỏi: Mô hình quảng canh cải tiến là thế nào, khâu chuẩn bị ao, con giống và chăm sóc, xử lý như thế nào khi tôm bị bệnh?
Anh Tâm thân mến!
Nuôi quảng canh cải tiến có 2 dạng: 1 là nuôi chuyên tôm, thông thường hình thức này nuôi ở những ao nuôi thâm canh nhưng mật độ thấp hơn (dưới 10 con/m2) và cho ăn bổ sung thức ăn công nghiệp ở 2 tháng cuối; dạng 2 là nuôi kết hợp tôm – cua – cá, tuỳ vào lượng thức ăn tự nhiên có trong ao mà người nuôi phân bố tỉ lệ mật độ thả các đối tượng cho phù hợp, thông thường loại này nuôi ở quy mô diện tích lớn (từ 1 ha trở lên), mật độ tôm 3-5 con/m2, cua 1 con/10m2. Nguyên tắc, thả giống tôm trước sau đó tới cua và cá, tôm thả trước 20-30 ngày mới thả cua, cá.
Chuẩn bị ao: Đối với nuôi trên diện tích ao nhỏ và chuyên tôm thì khâu cải tạo giống như nuôi công nghiệp, còn với diện tích lớn hơn thông thường là bừa trục, hoặc tháo cạn phơi khô đáy đến nứt rạn chân chim, sau đó bón vôi và lấy nước vào ao qua túi lọc, đảm bảo độ sâu tối thiểu ở mương bao là 1m, trên mặt trảng ruộng nuôi là 0,7m, để ổn định 2-3 ngày tiến hành diệt giáp xác, cá tạp. Gây màu nước, khử trùng nguồn nước và thả giống. Trong trường hợp này, các đối tượng nuôi sử dụng nguồn thứa ăn tự nhiên là chính nên khâu gây màu rất quan trọng. Người nuôi không nên bơm nước từ ngoài vào khi tôm dưới 1 tháng, còn sau 1 tháng tôm đã lớn, hoạt động nhanh nhẹn, tôm cần nhiều thức ăn nên tiến hành bơm thêm nước ngoài vào nhằm bổ sung thêm nguồn nước bị thiếu hụt, cung cấp thêm nguồn thức ăn tự nhiên, tận dụng nguồn giống tự nhiên…
Người nuôi tôm cần kiểm tra ao nuôi trước khi thả giống Ảnh: Thanh Ngân
Anh Nguyễn Văn Trí, Đầm Dơi, Cà Mau hỏi: Chuẩn bị như thế nào cho phù hợp vụ nuôi theo mùa mưa, vụ nuôi tôm mùa mưa chuẩn bị khác mùa nắng như thế nào?
Anh Trí và bà con thân mến!
Trong nuôi tôm công nghiệp, khâu chuẩn bị ao là một công tác bắt buộc, góp phần nâng cao tỉ lệ sống của tôm ngay từ khi thả giống… Vì vậy, việc cải tạo ao ở mùa nào hay vụ nuôi nào cũng giống nhau và cần thực hiện thật tốt các khâu, từ san ủi đáy ao, tu sửa mái bờ, chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho đến bơm lọc nước, xử lý nước…
Anh Lê Chí An, ở Long Điền Tây, Đông Hải, Bạc Liêu hỏi: Tôi đang nuôi quảng canh cải tiến, hiện tại rong mền nổi trên mặt nước và bám dưới đáy ao rất nhiều, như vậy có ảnh hưởng gì đến tôm không và xử lý như thế nào?
Anh Chí An và bà con thân mến!
Rong mền phát triển nhiều có ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi như: gây thiếu oxy về đêm, làm trở ngại cho tôm khi di chuyển và gây ô nhiễm môi trường khi tảo tàn. Nếu trong đìa của anh chưa thả giống thì nên bơm cải tạo lại, trường hợp đã có tôm nhưng tôm còn nhỏ (dưới 30 ngày) thì không được dùng bất kỳ biện pháp gì, nhất là dùng hoá chất để cắt tảo, vì có thể làm tôm chết. Anh chỉ có thể dùng dụng cụ kéo đục đáy đìa ngăn cản ánh sáng xuống đáy hạn chế rong phát triển. Nếu tôm đã lớn, anh dùng phương pháp thủ công vớt lên bờ hoặc thuốc diệt rong…
Anh Phạm Văn Thinh, ấp Năm Căn, xã Vĩnh Tân, Vĩnh Châu, Sóc Trăng hỏi: Tôm nuôi 20 ngày, độ kiềm 80 – 85ppm, có vôi gì tạt cho độ kiềm tăng lên?
Anh Thinh và bà con thân mến!
Tôm nuôi 20 ngày tuổi, độ kiềm trong ao 80-85ppm là khoảng thích hợp, không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của tôm. Giai đoạn này tôm đang sử dụng nhiều tảo nên định kỳ 2-3 ngày bón Dolomit (loại tốt) 2 kg/100m2 vào buổi sáng, vừa gây được tảo, vừa ổn định pH, vừa tăng kiềm. Tuy nhiên, mức tăng kiềm chậm hoặc nếu anh muốn tăng kiềm nhanh cần sử dụng khoáng tạt N079 2kg/1000m3 vào 7-8 giờ tối, trưa hôm sau cấy vi sinh TA – PONDPRO 0,5 kg/3.000m3.
Phan Thanh Cường
(Ghi)