Dịch chiết lá dứa dại tăng đề kháng trên tôm thẻ chân trắng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây cho thấy, chiết xuất từ lá cây dứa dại (P. tectorius) có khả năng đề kháng lại bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra trên tôm thẻ chân trắng (TTCT).

Đặc điểm 

Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) là bệnh nguy hiểm trên tôm với tỷ lệ chết lên đến 100%. Ở Việt Nam, AHPND là bệnh gây thiệt hại lớn nhất đối với ngành nuôi tôm. Tác nhân gây bệnh AHPND là do các chủng vi khuẩn Vibrio chứa hai gen độc tố PirA và PirB, cùng nằm trên một plasmid. Các chủng vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trong môi trường nước nên rất khó khăn trong việc phòng ngừa bệnh, dẫn đến việc sử dụng thuốc kháng sinh phổ biến. Kháng sinh mang lại hiệu quả tốt trong việc điều trị bệnh vi khuẩn, tuy nhiên việc lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sản phẩm sau đó. 

Dịch chiết từ lá dứa dại giúp tôm tăng cường sức đề kháng. Ảnh minh họa

Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã xác định hiệu quả của việc sử dụng chiết xuất thảo dược, giúp tôm tăng cường hệ miễn dịch và ức chế vi khuẩn gây bệnh. Chiết xuất thảo dược được ghi nhận có hoạt tính kháng khuẩn cao, tăng cường hệ miễn dịch, ít ảnh hưởng đến môi trường và không gây hại cho con người. 

Nghiên cứu 

Trong nghiên cứu này, hậu ấu trùng TTCT có kích thước khoảng 1 cm được thích nghi trong hai tuần ở nhiệt độ 28°C và độ mặn 38‰ với sục khí liên tục. Hậu ấu trùng được nuôi với mật độ 2.000 con/L và cho ăn ấu trùng Artemia sống 2 lần/ngày. Tình trạng sức khỏe của tôm được theo dõi hàng ngày và nước nuôi được thay hai ngày một lần để duy trì chất lượng nước. Những con tôm có kích thước khoảng 1 cm được chọn để thí nghiệm. 

Mức độ an toàn của dịch chiết lá dứa được xác định bằng cách cho 30 con tôm tiếp xúc riêng biệt trong 24 giờ với 0,5, 1, 2, 3, 4, 5 và 6 g/L dịch chiết, những con tôm không tiếp xúc được dùng làm đối chứng. Tôm được ủ trong hệ thống nước khép kín, không thay nước trong suốt thời gian đó. 

Sau đó, hậu ấu trùng P. vannamei tiếp xúc với chất chiết xuất từ lá dứa dại ở nồng độ như mô tả trong phần trước, được chuyển sang nước nuôi có chứa V. parahaemolyticus để thực hiện các thử nghiệm thử thách, nhóm đối chứng bao gồm tôm không tiếp xúc với chất chiết xuất. Đối với các thử nghiệm thử thách, 30 con tôm được phơi nhiễm trong 24 giờ với 1×106 tế bào/ml V. parahaemolyticus, liều gây chết trung bình (LD50) của V. parahaemolyticus. 

Kết quả 

Kết quả cho thấy tỷ lệ sống của tôm ở nghiệm thức bổ sung 6 g/L chiết xuất lá được cải thiện tới 95% so với đối chứng. Dịch chiết lá dứa có thể làm tăng tình trạng miễn dịch và khả năng chống chịu vi khuẩn gây bệnh trong quá trình nuôi. Các nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào việc tìm kiếm các chất hóa học thực vật trong chiết xuất thực vật và kiểm tra các hoạt động cơ học của chúng trong quá trình lây nhiễm. Hiểu cách chiết xuất metanol của P. tectorius, từ đó có thể phát triển các chiến lược bảo vệ tôm chống lại bệnh Vibrio, đồng thời giảm sử dụng kháng sinh. 

Thái Thuận

(Theo ScienceDirect) 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!