Đi tìm nông sản “sạch”

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành nông sản Việt Nam nhiều năm qua đã phát triển không ngừng cả về diện tích, sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu; tuy nhiên đi liền với sự phát triển là tính bền vững chưa được đảm bảo. Hậu quả là không ít mặt hàng nông sản của Việt Nam mất niềm tin trên thị trường.

Chủ yếu vi phạm chất cấm

Thống kê của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, đến tháng 6/2016, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu (loại A/B) về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tăng lên 79,76%; tỷ lệ cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra và nâng hạng A là 35,84%; tỷ lệ mẫu vi phạm qua giám sát sản phẩm rủi ro cao, nhiều bức xúc như thịt, rau, thủy sản nuôi đã giảm, có chuyển biến nhưng kết quả không đạt vẫn còn cao. Với lĩnh vực thủy sản, thủy sản nuôi vi phạm chiếm 1,61% trong đó chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, chất cấm chiếm 1,41% tăng so cuối năm 2015 (1,14%).

ngành tôm ĐBSCL

Cần tuân thủ các quy định trong quá trình nuôi để mang lại sản phẩm an toàn – Ảnh: Trần Út

Riêng trong năm 2015, cơ quan chức năng đã phát hiện 77.946 cơ sở chế biến, kinh doanh vi phạm quy định an toàn thực phẩm; 32.060 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản vi phạm sử dụng chất cấm, hóa chất kháng sinh; tiêu hủy hơn 100 tấn mỡ động vật, thịt, hải sản, cam, rau; có 4.965 người bị ngộ độc và 23 người tử vong. Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng, một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng vi phạm các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra kéo dài và không giảm bớt ở hầu hết các thị trường chủ yếu. Điển hình là thủy sản xuất sang Nhật Bản thường xuyên gặp khó khăn do vượt dư lượng kháng sinh cho phép, bị bơm nước hay tạp chất vào tôm để tăng trọng, kể cả nhét đinh vào đầu tôm để tăng trọng lượng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh con tôm Việt tại thị trường thế giới.

 

Thay đổi cách quản lý…

Bà Võ Ngân Giang, Cán bộ Chương trình quốc gia về an toàn thực phẩm, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, tại Mỹ việc quản lý chất lượng thực phẩm rất chặt chẽ, hàng hóa muốn nhập khẩu phải duy trì hồ sơ xác định nguồn gốc thực phẩm; người chế biến được yêu cầu lập hồ sơ tại thời điểm chế biến và bảo lưu ít nhất trong 2 năm. Còn tại Nhật, thực phẩm tươi sống buộc phải ghi nhãn nơi sản xuất để truy xuất nguồn gốc; trong khi tại Việt Nam, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn lỏng lẻo. Các sản phẩm được tiêu thụ tràn lan, không có giấy chứng nhận an toàn. Đây cũng là nguyên nhân khiến vấn đề thực phẩm bẩn được lan truyền rộng hơn.

Ngoài ra, nhận thức và ý thức, trách nhiệm về an toàn của các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, quản lý còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt và xử chưa đủ sức răn đe. Theo đó, để có được sản phẩm nông an an toàn, cần phải siết chặt quản lý của nhà nước từ khâu sản xuất đến bàn ăn. Đồng thời, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo chuỗi, áp dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, chế biến, sau bảo quản. Tạo điều kiện ưu đãi hút vốn đầu tư vào nông nghiệp…

 

… và tư duy

Công tác tuyên truyền, phổ biến về an toàn thực phẩm (ATTP) là nhiệm vụ quan trọng cần đặc biệt quan tâm, trong đó, Bộ NN&PTNT sẽ tích cực thực hiện với nhiều hình thức thông qua tờ rơi, pano, áp phích, phát thanh… Tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ nâng cấp điều kiện đảm bảo ATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh và áp dụng thực hành sản xuất, quy trình sản xuất sản phẩm an toàn, tập trung vào các công đoạn, sản phẩm có kết quả thanh tra, giám sát phát hiện vi phạm, không đạt yêu cầu. Chủ động công tác thanh tra đột xuất, kiểm tra, giám sát sản phẩm, cảnh báo và xử lý các trường hợp vi phạm….

Theo đại diện của Bộ Công thương, để giúp nông sản an toàn phát triển, người tiêu dùng cần nâng cao vai trò trong việc cùng chung tay hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông sản. Trong đó, chấp nhận và ủng hộ nông sản có xuất xứ, xác nhận an toàn với giá cả hợp lý, nói không với thực phẩm bẩn. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội có chức năng giám sát, phát hiện các hành vi gian lận thương mại, vi phạm hình sự lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp, thủy, hải sản an toàn, quảng bá, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản an toàn; tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật ATTP ở nông thôn.

Đặc biệt truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong đó cần giúp người tiêu dùng biết được các địa điểm kinh doanh nông sản an toàn cũng như nhận diện được nông sản an toàn. Đồng thời phát hiện, lên án các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn và tuyên dương cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn nhằm tạo động lực trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.

>> Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương khẳng định: Sản xuất và ung ứng nông sản theo chuỗi là xu hướng phát triển mạnh trong 5 năm tới cũng như những năm tiếp theo. Dự báo đến năm 2020, nông, lâm, thủy sản an toàn phân phối tại các kênh phân phối hiện đại có thể chiếm trên 40% thị phần trong nước.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!