T2, 06/07/2020 09:56

Đỉa – Mối nguy hại với môi trường

Đánh giá bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Ngày 1/12, tại cuộc họp báo do Bộ NN&PTNT tổ chức, ông Nguyễn Huy Điền – Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, Bộ sẽ ban hành ngay văn bản về việc cấm nuôi đỉa và ốc bươu vàng. TSVN xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của TS. Bùi Quang Tề về tác hại của đỉa.

Những điều cần biết về đỉa

Đỉa thuộc lớp Hirudinea Lamarck, 1818, chúng phân bố rất rộng ở nước ngọt và nước mặn. Thân dẹt ngắn, đôi khi hình trụ, ở cuối hai dầu của cơ thể có giác hút trước và giác hút sau. Nhiều loài ở mắt có mắt, giác bám sau có vệt đen giống mắt. Thân đỉa gồm các đốt thân, số lượng của chúng là những đặc điểm phân loại.

Đỉa sinh sản lưỡng tính. Hệ sinh dục đực gồm có các túi tinh hoàn (4-12 đôi hoặc hơn) phân bố ở phần giữa và cuối thân, từ đó đi ra các đường dẫn tinh và đổ vào ống dẫn tinh, tạo thành túi chứa tinh chuyển vào các đường dẫn tinh bằng cơ xoắn và mở ra một lỗ gần cuối thân.


Đỉa không chỉ gây hại cho ĐVTS, con người mà còn gây hại với MTST

Chu kỳ phát triển của đỉa trực tiếp. Trứng sau khi thụ tinh trong hệ sinh dục cái, đỉa đẻ trứng thành từng tổ và bám vào các vật thể trong nước. Trứng nở ra đỉa con. Đỉa cá Piscicola lưỡng tính, song sự thụ tinh thường xảy ra chéo giữa hai cơ thể. Đỉa cá đẻ trứng, trứng ở trong kén có màu nâu hoặc màu đỏ, trứng bám vào các vật thể trong nước: thực vật, đá, vỏ nhuyễn thể và các vật thể khác. Trứng nở cho đỉa con có cấu tạo dạng trưởng thành. Piscicola phát triển trực tiếp không qua ký chủ trung gian.

Sự nguy hiểm của đỉa với NTTS

Hầu hết đỉa dạng hút máu. Nhiều loại đỉa ký sinh tạm thời, chỉ bám vào cá khi cần dinh dưỡng. Ví dụ Piscicola geometra. Đỉa là loài sống ngoại ký sinh, thức ăn chính là máu các loài động vật. Vì vậy, việc đỉa phát tán trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái bởi chúng có thể sản sinh và phát triển ngay trong cơ thể động vật và có sức sống mãnh liệt.


Đỉa gây tổn thương xoang miệng cá sấu

Đối với động vật thủy sản: Để xác định tác nhân gây bệnh có thể quan sát bằng mắt thường qua da, mang, vây của cá hoặc có thể dùng kính lúp cầm tay. Khi cá bị bệnh Piscicola ký sinh, cá có cảm giác ngứa ngáy, vận động không bình thường, không dễ dàng nhận ra Piscicola vì màu sắc của nó giống với màu sắc của cá, nhận được dễ dàng nhất là lúc nó vận động. Thường đỉa cá xuất hiện cùng với các nốt đỏ và hiện tượng chảy máu. Đỉa cá ký sinh ở da, xoang miệng của cá, mang làm ảnh hưởng đến sinh trưởng. Đỉa cá hút máu làm cho da cá bị chảy máu, viêm loét, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng Trypanosoma ký sinh gây bệnh.

Cách phòng, trị đỉa

Để phòng bệnh, tát cạn ao, phơi đáy ao, tẩy vôi.

Để trị bệnh: Dùng NaCl 2-2,5% tắm cho cá trong 15-25 phút (trong nước ngọt). Dùng TCCA (VICATO) nồng độ 2-3ppm tắm cho cá bệnh trong 15-30 phút hoặc phun xuống ao nồng độ 0,5-0,8ppm.

>> Cuối năm 1996 đầu năm 1997 một đầm nước lợ ở Yên Hưng – Quảng Ninh rộng 324 ha đã bị đỉa ký sinh làm chết khoảng 20-25 tấn cá rô phi. Năm 2004, ở Nha Trang, cá sấu giống đã bị đỉa ký sinh làm chết rải rác. Các ao nuôi bống bớp ở Nghĩa Hưng, Nam Định từ năm 2005-2006 đã bị đỉa ký sinh làm cá bị thương tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập làm cho cá yếu và chết rải rác trong các ao nuôi.

Tiến sĩ Bùi Quang Tề

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!