T2, 06/07/2020 09:55

Dịch bệnh tôm nuôi: Lại chuyện ô nhiễm môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, tính đến ngày 30/9/2011, diện tích tôm bị thiệt hại cả nước là gần 82.000 ha, bằng 294% so với cùng kỳ năm 2010. Đây là thiệt hại cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Đã là lần thứ 4 trong năm 2011 diễn ra hội nghị giao ban cấp vùng dành cho nuôi trồng thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức (tại Bạc Liêu, ngày 13/10). Lần giao ban này quan trọng nhất, diễn ra trong lúc dịch bệnh trên tôm đã đến mức “báo động đỏ”.

 

Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng

Vấn đề nổi cộm chi phối cả Hội nghị là báo động ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra cảnh báo: “Nếu không có biện pháp tốt xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, không loại bỏ các hóa chất độc hại từ nguồn gốc thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật thì e rằng chúng ta không còn nuôi thủy sản được nữa”. Rất nhiều báo cáo khoa học, ý kiến tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, công ty giống và nông dân nuôi tôm tiêu biểu đều tỏ ra bất bình trước sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hoặc hóa chất có nguồn gốc từ thuốc BVTV mà người nuôi tôm đang “đổ vào” ao nuôi của mình. Hậu quả ấy, theo Tổng cục Thủy sản, dẫn đến thiệt hại cả ở những ao nuôi đã được khắc phục cũng như các ao thả mới. Nhiều diện tích trong khu vực ĐBSCL đã “treo ao” không nuôi tôm nữa mà chuẩn bị trồng lúa hoặc thả nuôi đối tượng khác. Rất nhiều ao nuôi hiện nay đã cho nước ra vào tự do để khai thác thủy sản tự nhiên.

Nông dân ĐBSCL điêu đứng vì bệnh hoại tử gan, tụy trên tôm

Ở khu vực ĐBSCL, Sóc Trăng là tỉnh có tôm nuôi bị thiệt hại nhiều nhất, chiếm gần 70% diện tích thả nuôi năm 2011. Kế đó là tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Bến Tre. Đối với Bạc Liêu, có 2.450 ha diện tích nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh đã được khôi phục, chiếm 30% diện tích thiệt hại, hiện tôm đang phát triển bình thường, dấu hiệu dịch bệnh đã dừng lại.

 

Hoại tử gan tụy là do thuốc diệt giáp xác 

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, kết luận: “Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân chính gây ra tôm chết hàng loạt trong thời gian qua một phần là do virus, vi trùng, vật chủ mang mầm bệnh lây lan cộng đồng, còn một nguyên nhân chính nữa là do thuốc diệt giáp xác, diệt tạp. Chính từ thuốc BVTV hoặc hóa chất có nguồn gốc từ thuốc BVTV mà người nông dân lạm dụng dùng để diệt tạp cho ao nuôi của mình đã làm cho tôm ngộ độc. Tôm bị hoại tử gan tụy (gây chết tôm nhiều nhất thời gian qua ở khu vực ven biển ĐBSCL) cũng từ các loại thuốc này”.

Theo Tiến sĩ Hảo, nồng độ tồn dư thuốc BVTV trong đất có nơi lên đến 600 phần tỷ. Trong khi đó, nồng độ này chỉ cần từ 0,01-0,001 phần tỷ cũng đã đủ gây bệnh cho tôm.

Dù các yếu tố khí hậu, thời tiết nắng mưa bất thường làm tăng giảm độ pH, độ kiềm khiến tôm khó lột xác, tôm suy giảm sức đề kháng; làm cho tảo phát triển, trong đó có tảo độc gây bệnh cho tôm cũng là một nguyên nhân. Tuy nhiên, tôm chết bởi lý do này chiếm tỷ lệ không đáng kể. Vì vậy, khuyến cáo người nuôi tôm phải từ bỏ ngay việc sử dụng  thuốc BVTV và hóa chất cấm. Chính sự lạm dụng thuốc đang khiến người nuôi tôm “tự giết mình”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu khuyến cáo, người nuôi tôm hãy dùng vôi để cải tạo đất, nước và tăng cường các biện pháp nuôi tôm sinh học, tuyệt đối không sử dụng hóa chất xử lý ao nuôi trước và sau khi cải tạo. Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ sẽ khuyến khích các công ty sản xuất nhiều loại thuốc mới tốt hơn thay thế cho thuốc diệt tạp hiện nay. Nhưng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, khâu kiểm định, xét nghiệm con giống và quy trình nuôi không đạt yêu cầu cũng là nguyên nhân làm cho tôm nuôi bị thiệt hại.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu: Nếu có thông tin chính xác về những công ty sản xuất thuốc thủy sản có nguồn gốc từ thuốc BVTV, thuốc nằm trong danh mục cấm, Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị đình chỉ hoạt động ngay đối với công ty đó. Các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm dịch, đặc biệt là quản lý cơ sở sản xuất giống, cơ sở mua bán các loại thuốc thủy sản. Cần giám sát chặt vùng nuôi để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc tăng cường hệ thống quan trắc dịch bệnh, cần tuyên truyền đến người dân về quy trình sử dụng công nghệ sinh học mới đạt chất lượng và bền vững về môi trường.

Tấn Đạt – Thanh Cường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!