Theo dự báo hiện bão số 7 đang di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An, sức gió cấp 7 – 8, giật cấp 10 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến 16h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở trên đất liền ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phát biểu trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng 14/10 – Ảnh VGP/Đỗ Hương
Sau bão số 7 hiện nay gần biển Đông đã xuất hiện ATNĐ mới, dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây-tây bắc, mỗi giờ đi được 25 km. Đến 4h ngày 15/10, vị trí trung tâm ATNĐ cách đảo Song Tử Tây khoảng 600 km về phía đông – đông bắc, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 9.
Sáng 14/10, thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức hợp ứng phó với mưa lũ tại miền Trung và bão số 7.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Tổng lượng mưa từ 19h ngày 5/10 đến 19h ngày 13/10 nhiều nơi lên rất cao, điển hình như một số trạm mưa lớn trên 2.000 mm ở Huế như: Hồ Khe Ngang: 2.276 mm; A Lưới: 2.282 mm; Tà Lương: 2.195 mm; Hồ A Lá: 2.026 mm.
Dự báo, từ ngày 14/10 đến ngày 16/10, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to và rải rác có dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt.
Nhiều nơi có xu hướng nước đang rút chậm, độ ngập sâu giảm dần nên tính đến 23h ngày 13/10, có 212 xã, phường/135.329 hộ bị ngập (giảm 5 xã so với báo cáo nhanh ngày 12/10).
Sáng 14/10, thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức hợp ứng phó với mưa lũ tại miền Trung và bão số 7 – Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, về tình hình thiệt hại tính đến 23h ngày 13/10 đã có 36 người chết và 12 người mất tích trên cả nước. Cùng với đó có 585 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 nhà bị ngập.
Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 41 vị trí xung yếu (27 đoạn đê với tổng chiều dài 38,60 km) và 19 công trình đang thi công dở dang cần sẵn sàng phương án ứng phó với bão số 7. Trên các tuyến đê sông có 213 vị trí trọng điểm đê điều xung yếu và 33 công trình đang thi công dở dang (Thái Bình: 15; Hải Phòng: 4; Nam Định: 2; Ninh Bình: 4; Thanh Hóa: 4; Nghệ An: 6; Hà Tĩnh: 3).Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 6h sáng ngày 14/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 31.096 phương tiện với 115.607 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Về giao thông, hiện có 137 điểm Quốc lộ, 14.737 m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); 19 điểm ngập. Ngành giao thông đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49, 49B (Thừa Thiên-Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15 (Quảng Bình). Tuyến đường sắt Hà Nội – Đông Hà chưa thông tuyến.
Hiện nay, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 6.500 tấn gạo (Quảng Bình: 3.000; Quảng Trị 1.500; Thừa Thiên-Huế 1.000; Quảng Nam 1.000); 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị: 1,5; Thừa Thiên-Huế: 2,0; Quảng Nam: 2,0); 20.000 thùng mỳ tôm (Thừa Thiên-Huế: 10.000; Quảng Nam: 10.000); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.