Hơn 30 năm qua, các nhà giàn DK1 ngoài nhiệm vụ chính là bảo vệ chủ quyền ở vùng biển phía Nam, còn là chỗ dựa vững chắc, giúp ngư dân an tâm bám biển. Lính nhà giàn luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ gạo, muối, nước ngọt, quần áo, thuốc men… khi ngư dân gặp khó khăn.
Theo Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, hiện nay, 15/15 nhà giàn DK1 đều có y, bác sĩ thực hiện nhiệm vụ. Họ vừa làm tốt công tác quân y, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, vừa tham gia tích cực hoạt động cứu giúp ngư dân trên biển. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, các y bác sĩ của nhà giàn DK1 đã cứu sống hơn 10 ngư dân gặp nạn; cung cấp nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác như: rau xanh, muối ăn, gạo cho hàng trăm lượt tàu thuyền và ngư dân. Vì thế mà tình quân dân luôn gắn kết, bà con ngư dân coi các cán bộ, chiến sĩ DK1 như những người thân trong gia đình, cùng chia sẻ và giúp đỡ nhau mỗi khi gặp khó khăn.
Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 huấn luyện cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Trung tá Bùi Đình Dong, cán bộ quân y nhà giàn DK1/18 cho biết, ngư dân vào khám và xin thuốc chủ yếu là mắc bệnh cảm, sốt, tiêu chảy và một số bệnh mãn tính do đặc thù nghề nghiệp là: tiền đình, dị ứng và xương khớp. Mỗi chuyến đi biển thường dài ngày, mặc dù bà con đã chuẩn bị khá đầy đủ thuốc men trước khi vươn khơi, song có những rủi ro không thể biết trước trong quá trình khai thác trên biển, nên mỗi khi gặp khó khăn, bà còn thường vào các nhà giàn ở gần khu vực khai thác nhờ trợ giúp.
Ngư dân Ngô Xuân Bình, thuyền viên tàu QNg 95979 TS nhớ lại: “Đầu năm 2020, trong lúc đang đánh bắt tại ngư trường DK1, do sơ ý nên tôi bị đập đầu xuống sàn tàu bất tỉnh. Nghe anh em trên tàu kể lại, lúc đó tình hình rất nguy kịch. Thuyền trưởng quyết định nhanh chóng đưa tôi lên nhà giàn DK1/21 nhờ hỗ trợ. Các y sĩ trên nhà giàn DK1/21 đã kịp thời sơ cứu, khâu vết thương, đồng thời điều động tàu bệnh viện 561 đến cấp cứu, nhờ đó tôi mới qua cơn nguy kịch”. Câu chuyện của ông Bình chỉ là một trong số hàng ngàn câu chuyện của ngư dân đánh bắt tại ngư trường DK1 được cán bộ, chiến sĩ nhà giàn giúp đỡ, hỗ trợ.
Cán bộ quân y nhà giàn DK1/10 chăm sóc ngư dân Trần Văn Mên (42 tuổi, quê ở Vĩnh Thanh, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) bị rách cẳng chân trái trong khi đang lao động trên biển.
Trung tá Bùi Đình Dong nhớ lại, trường hợp anh cấp cứu ngư dân Nguyễn Văn Độ (quê Kiên Giang) bị giảm áp khi lặn quá sâu trong khi khai thác hải sâm. Giữa sự sống và cái chết, bằng mọi nỗ lực, anh đã cố gắng sơ cứu ban đầu cho ngư dân này, sau đó anh Độ được tàu đưa vào đất liền điều trị. Vài năm sau gặp lại, được bạn tàu cho biết bác sĩ Dong chính là người đã cứu mình, ngư dân Nguyễn Văn Độ đã ôm chầm lấy anh, khóc và cảm ơn vì bác sĩ đã sinh ra mình lần thứ hai.
Không chỉ giúp đỡ ngư dân, các nhà giàn DK1 còn là nơi đặt trạm khí tượng thủy văn, đèn biển, các trạm nghiên cứu khoa học về biển như nghiên cứu hải sản để nắm chắc được tiềm năng đặc sản biển trong khu vực, quy luật sinh trưởng và di cư theo mùa của các luồng cá cung cấp cho các cơ sở đánh bắt hải sản; nghiên cứu, khai thác có hiệu quả các khoáng sản trong khu vực. “Với ngư dân chúng tôi, sau những ngày dài lênh đênh rong ruổi theo những luồng cá trên biển, ánh sáng từ những ngọn đèn trên nhà giàn chính là nguồn động viên tinh thần to lớn để có thể cảm nhận mình không lẻ loi, cô đơn giữa biển cả mênh mông”, ngư dân Đặng Chiến (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho hay.
Theo Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Chính ủy Vùng 2 Hải quân: “Không chỉ đoàn kết, lạc quan, yêu thương, đùm bọc, động viên lẫn nhau để thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn luôn là điểm tựa hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển, xây đắp nên truyền thống đoàn kết quân – dân đáng trân trọng”.
Bài, ảnh: Minh Nhân
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu