T2, 14/09/2020 09:55

Đô thị biển: “Cực phát triển” kinh tế biển, đảo

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với lợi thế là quốc gia biển, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng các đô thị biển để hướng tới nền “kinh tế biển xanh”, nhằm tạo ra các lợi ích cho sự phát triển của nghề cá và ngư dân ven biển.

Nhìn từ thực tiễn và bối cảnh của Biển Đông cho thấy, chúng ta có rất nhiều tiềm năng phát triển các đô thị biển. Để đất nước ta mạnh giàu từ biển, hướng ra biển, dựa vào biển, vươn ra “biển lớn” thì cần xây dựng một “Mạng lưới các chuỗi đô thị biển” với các “Cực phát triển” chủ lực, có động lực lan tỏa rộng lớn và có khả năng kết nối không gian kinh tế ven biển, không gian kinh tế đảo và không gian kinh tế biển. Mạng lưới đô thị biển gồm 3 kiểu loại: Đô thị ven biển (Coastal city), đô thị đảo (Island city) và đô thị biển (Ocean-based city) được tổ chức thành các chuỗi đô thị tương ứng. Đây là các mảng không gian quan trọng trong tổng thể không gian kinh tế biển nước ta trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam mới có chuỗi đô thị ven biển, chưa có đô thị đảo và đô thị biển theo đúng nghĩa. Về lộ trình phát triển, cần ưu tiên cải tạo, mở rộng, nâng cấp và xây dựng chuỗi đô thị ven biển, bao gồm các đô thị ven biển hiện có (cũ) từ Móng Cái cho đến Hà Tiên, trong đó có các “đô thị trung tâm” đóng vai trò chủ lực cho vùng (như: Hạ Long, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu…) và các đô thị ven biển mới (trong tương lai gần) gắn với các khu kinh tế ven biển và cảng nước sâu.

“Lợi ích kép” cho nghề cá và ngư dân

Nếu chúng ta xây dựng được mạng lưới các chuỗi: đô thị ven biển, đô thị đảo, đô thị biển trong tương lai thì chắc chắn sẽ tạo ra các “lợi ích kép”. Thứ nhất, sẽ tăng cường liên kết và giao thương giữa các hệ thống đảo với nhau. Thứ hai, hình thành các trung tâm tích tụ dân số (tất nhiên trong năng lực tải dân số), tạo ra nội lực và nhu cầu tiêu thụ nội vùng, kéo theo khả năng tăng cung, đánh thức tiềm năng các vùng biển và lãnh thổ đất liền lân cận. Thứ ba, tạo ra mối liên kết đảo với bờ và bờ với biển để kết nối giao thương kinh tế giữa đất liền và biển; giữa hậu phương và tiền tuyến khi xuất hiện tình huống cần thiết. Thứ tư, như nói trên, mỗi đô thị sẽ là một “cực phát triển” trong không gian kinh tế biển, kinh tế đảo và kinh tế ven biển. Các cực tạo hiệu ứng “domino” đối với phát triển toàn bộ không gian kinh tế quốc gia và khu vực Biển Đông. Phát triển các chuỗi đô thị như vậy sẽ làm xuất hiện các động lực tương tác và tác động lan tỏa ra các vùng không gian biển và bờ lân cận. Thứ năm, khi các chuỗi đô thị biển “thông minh, thích ứng” hình thành, chắc chắn sẽ kích hoạt sự phát triển hàng loạt ngành nghề mới, nhất là các dịch vụ biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nghề cá…

Cùng đó, việc xây dựng và phát triển mạng lưới các chuỗi đô thị biển cũng là cách chúng ta khẳng định năng lực làm chủ và khả năng kiểm soát thực tế “ba phần Tổ quốc Việt Nam là biển”. Tức là, đất nước ta không chỉ có một “Việt Nam đất liền”, mà còn có một “Việt Nam biển” với những đô thị biển “xanh”, thích ứng với biến đổi khí hậu, với những công dân biển cần cù, dũng cảm cả trong làm kinh tế và bảo vệ Tổ quốc từ phía biển. Trong khi, đến nay ở các đảo và huyện đảo, nghề cá chiếm tỷ trọng chủ yếu, ngư dân cũng chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số 12 huyện đảo. Họ cũng sẽ là lực lượng nòng cốt trong các đô thị đảo tương lai. Ngoài việc tham gia hưởng thụ 5 lợi ích chung nói trên, đây còn là cơ hội lớn để nghề cá phát triển mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu cao hơn của một lực lượng đông dân số trong các đô thị mới quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn. Ngư dân cũng có những cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển các ngành nghề mới, như: nghề cá giải trí, du lịch lặn biển, kinh tế dựa vào bảo tồn biển… Kéo theo, chắc chắn sinh kế và mức sống của ngư dân nhờ vào sự phát triển đô thị biển, đảo và ven biển sẽ được cải thiện rất đáng kể. Đặc biệt, họ sẽ tiếp tục được tiếp thêm nguồn lực (cả vật chất và tinh thần) để bám biển, bám đảo, làm giàu cho gia đình và đất nước và là lực lượng công dân vững vàng đóng góp thực hiện “chủ quyền dân sự” của nước ta trên Biển Đông.

Phải tuân thủ nguyên tắc

Cần nhiều giải pháp để ý đồ xây dựng mạng lưới các chuỗi đô thị biển nói trên từng bước trở thành sự thật. Song, các giải pháp phải đồng bộ và có tính đột phá. Thứ nhất, cần thay đổi tư duy và tầm nhìn để ra biển với tâm thức và tư thế mới. Thứ hai, phải điều chỉnh và hoàn thiện luật pháp và chính sách để phát triển bền vững kinh tế biển, trên nền tảng của “kinh tế biển xanh” với việc bảo toàn vốn tự nhiên biển (Marine natural capital). Thứ ba, đô thị biển phải được quản lý tổng hợp theo không gian, phải là các đô thị xanh, thân thiện và thích ứng. Quy hoạch không gian biển phải trở thành công cụ kiểm soát phát triển biển, đảo và vùng ven biển trong thời gian tới. Thứ tư, cần xây dựng lộ trình và hướng dẫn phát triển từng loại hình đô thị: ven biển, đảo và biển để cung cấp những nguyên tắc cơ bản cho các nhà đầu tư lựa chọn và thúc đẩy sáng tạo cho những khu đô thị biển cụ thể. Thứ năm, huy động vốn để phát triển đô thị biển không thể chỉ dựa vào Nhà nước như trước đây, nhất là các khu đô thị biển mới. Cho nên, cần ưu tiên huy động vốn từ doanh nghiệp, từ những “đầu tàu kinh tế” mạnh thường quân và từ đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp lớn chủ động đầu tư vào làm giàu cho đất nước, làm lợi cho xã hội, hỗ trợ được người dân và các ngành kinh tế biển truyền thống. Nhưng, phải phù hợp với luật pháp và dựa trên những cam kết mạnh, có trách nhiệm giữa các bên liên quan, trong đó có giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Đặc biệt, trong quá trình phát triển đô thị biển, cần chú ý vận dụng tốt hai nguyên tắc cơ bản là: (i) Phải bảo đảm “cân bằng/hài hòa” giữa phát triển và bảo tồn thiên nhiên (không đánh đổi môi trường bằng mọi giá); (ii) Phải bảo đảm “công bằng” giữa phát triển và bảo tồn, tức là tăng cường trách nhiệm pháp lý của Nhà nước và nhà đầu tư.

Cần phải phát triển đô thị biển để Việt Nam không mãi mãi “đứng ở ven bờ” mà phải hướng ra biển, phát huy lợi thế biển để làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

>> “Thành phố Phú Quốc” – thành phố đảo tiên phong ở nước ta đã được trình lên Chính phủ xin xem xét phê duyệt; hy vọng, tiếp theo sẽ là TP Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn… để góp phần khẳng định thế đứng của một “quốc gia biển”.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!