T4, 06/01/2021 10:24

Phú Yên: Ngư dân trúng tôm hùm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ cuối tháng 11/2020 đến nay, tôm hùm giống bắt đầu xuất hiện, nhiều ngư dân ở TX Sông Cầu và huyện Tuy An hành nghề khai thác tôm hùm giống có thu nhập khá. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức, khai thác không chọn lọc sẽ dẫn đến nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi này.

Thu nhập khá

Lâu nay, ngư dân khai thác tôm hùm giống chủ yếu bằng phương pháp truyền thống là lặn bắt, đặt chà, đặt đá san hô, lưới mành… Thời vụ khai thác hầu như quanh năm, nhưng chính vụ thường vào giữa tháng 9 âm lịch năm trước đến cuối tháng 3 âm lịch năm sau. Tại xã An Chấn (huyện Tuy An), hiện có hơn 200 hộ tham gia khai thác tôm hùm giống bằng nghề mành tôm và nghề này đã giúp nhiều người thoát nghèo.

Các thương lái thu mua tôm hùm giống ở TX Sông Cầu. Ảnh: ANH NGỌC

Theo những người chuyên bắt tôm hùm giống, một mành tôm làm mới hiện nay có giá khoảng 20-30 triệu đồng. Nhưng để hành nghề được, ngoài chiếc thuyền khoảng 20CV trở lên thì người làm nghề còn phải mua một số dụng cụ khác như khoảng 20 bộ bóng điện, bình oxy để cung cấp cho tôm giống đánh bắt được… và mỗi thuyền phải có ít nhất từ hai đến ba người có kinh nghiệm.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh ở xã An Chấn, tôm hùm giống thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa bão, vì tôm con được nở ra từ ngoài khơi nên gió càng mạnh, nước càng chảy thì tôm giống mới theo dòng nước trôi dạt vào những vùng biển ven bờ và các rạn san hô. Việc chong mành bắt tôm hùm giống thường diễn ra trong đêm, đến sáng hôm sau là thu lưới trở về.

Ông Nguyễn Văn Hòa ở phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) cho biết: Hiện trên địa bàn phường Xuân Đài có hàng trăm hộ chuyên khai thác tôm hùm giống. Nghề này đem lại thu nhập khá ổn định nên số lượng người tham gia ngày càng tăng. Để đánh bắt được tôm hùm giống, mỗi ngư dân ở đây thường chuẩn bị từ 600-1.000m lưới ni lông loại có mắt lưới nhỏ và một thuyền thúng có trang bị động cơ. Chi phí cho mỗi chuyến biển đánh bắt tôm hùm giống dao động từ 100.000-150.000 đồng. Nghề này thường đánh bắt trong đêm, bình quân mỗi đêm khai thác được vài chục con, có đêm trúng lên đến hàng trăm con tôm hùm giống. Vừa rồi có gia đình anh Danh (cũng ở phường Xuân Đài) đánh bắt trong một đêm mà hơn 600 con tôm hùm giống, thu về hơn 20 triệu đồng…

Còn theo ông Lê Văn Lâm ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu), năm nay nhu cầu con giống tôm hùm sẽ rất lớn, bởi đợt mưa lũ vừa qua làm phần lớn tôm nuôi ở vịnh Xuân Đài bị chết. Tôm hùm giống đánh bắt trong tự nhiên, đặc biệt đánh bắt ở vùng biển TX Sông Cầu được người nuôi ưa thích vì tỉ lệ sống khi mua về nuôi là rất cao nên giá cũng cao hơn tôm giống nhập về.

Bà Trần Thị Cảnh, một trong những người chuyên thu mua tôm hùm giống ở phường Xuân Đài cho biết: So với mọi năm thì năm nay giá tôm giống hạ, tôm hùm bông giống những năm trước có giá khoảng 130.000 đồng/con, năm nay chỉ còn 90.000 đồng/con; còn tôm hùm xanh mấy năm trước có giá khoảng 40.000 đồng/con thì năm nay còn 30.000 đồng/con. Tuy nhiên năm nay, nhiều người khai thác tôm hùm giống trúng lớn, có người trong một đêm đánh bắt được vài trăm con, riêng gia đình tôi thu mua mỗi ngày bình quân khoảng 500-600 con tôm giống. Tôm hùm giống sau khi thu mua, chúng tôi sẽ đưa đến các vùng ương nuôi tôm giống ở TX Sông Cầu bán lại cho người nuôi để tiếp tục nuôi dưỡng đến khi đạt kích cỡ mới xuấn bán nuôi thương phẩm.

Ảnh: ANH NGỌC, Đồ họa: VIỆT AN

Cần khai thác hợp lý

Theo Sở NN-PTNT, dựa vào tập tính sinh sống của tôm hùm giống thường xuất hiện ở các vùng cửa biển, đầm, vịnh có nhiều rạn đá san hô mà các phương thức khai thác được hình thành. Hiện nay, trong ngư dân có ba hình thức khai thác tôm hùm giống, mỗi hình thức được sử dụng phụ thuộc vào đặc điểm địa hình mà con giống phân bố.

Ở những vùng cửa đầm, vịnh nơi tương đối sóng gió, độ sâu khoảng 10-15m, con giống bị tác động của dòng chảy có xu hướng bơi vào trong đầm, vịnh thì hình thức khai thác chính là lưới kéo. Trong đầm, vịnh ít sóng gió, độ sâu khoảng 1-2m, ở đây con giống có thể bơi chủ động và tìm các vật bám để ẩn náu thì hình thức khai thác chủ yếu là bằng bẫy. Bẫy thường được làm bằng những tấm lưới cũ quấn lại thành túi hoặc bẫy được làm bằng các tảng đá san hô chết trọng lượng từ 2-5kg có khoan các lỗ nhỏ từ 2-2,5cm trên bề mặt, cách nhau từ 10-15cm, sau đó các bẫy này được treo ở các độ sâu khác nhau trong đầm, vịnh. Bẫy còn được làm bằng những cây gỗ có chiều dài 3-4m và cũng được khoan những lỗ nhỏ trên thân cây, sau đó đóng chặt xuống nền đáy của đầm, vịnh. Hình thức khai thác thứ ba là lặn bắt, thường được ngư dân áp dụng để khai thác ở các vùng gần bờ, độ sâu khoảng 0,5-3m. Hình thức khai thác bằng lưới kéo và bằng bẫy thường bắt được tôm hùm giống kích thước nhỏ từ 7-10mm/con và trọng lượng từ 0,3-1g/con. Còn hình thức khai thác bằng lặn bắt thường bắt được tôm hùm giống có kích cỡ lớn từ 12-15mm/con, trọng lượng từ 7-9g/con, giống khỏe mạnh, thời gian ương, nuôi về sau ngắn hơn, thuận lợi hơn.

Cũng theo Sở NN-PTNT, Phú Yên có bờ biển dài khoảng 189km, hơn 21.000ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông và nhiều địa phương tiếp giáp với biển nên rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Riêng nghề nuôi tôm hùm, Phú Yên phát triển từ những năm 1990 đến nay, nghề này đã tạo sinh kế cho một bộ phận ngư dân ven biển cải thiện cuộc sống. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 78.000 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng hàng năm khoảng 1.000 tấn tôm hùm thương phẩm. Nhiều khu vực biển ven bờ ở Phú Yên có tôm hùm giống, tổng diện tích mặt nước mà tôm hùm giống phân bố khoảng 52km2, tập trung nhiều nhất tại các xã Xuân Thịnh, Xuân Hải, Xuân Cảnh, Xuân Phương (TX Sông Cầu), An Hòa Hải, An Chấn (huyện Tuy An), Hòa Xuân Nam (TX Đông Hòa).

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Từ khi nghề nuôi tôm hùm phát triển mạnh, kéo theo đó là nghề khai thác tôm hùm giống cũng được hình thành. Hiện nay, tại một số địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ cộng đồng quản lý nghề cá ven bờ với mục đích bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng. Về lâu dài, các địa phương này cần tiếp tục xây dựng các mô hình bảo vệ và khai thác hợp lý tôm hùm giống có sự tham gia quản lý của cộng đồng, những người tham gia khai thác không nên khai thác tôm bố mẹ vào mùa sinh sản, hạn chế khai thác tôm hùm giống quá nhỏ. Địa phương cũng nên phân vùng để khai thác tôm giống luân phiên, hạn chế khai thác tôm hùm giống ở các vùng tôm phân bổ tập trung. Có như vậy mới có thể bảo đảm cho nguồn tôm hùm giống trong tự nhiên không bị cạn kiệt và việc khai thác tôm hùm ngày càng bền vững hơn.

>> Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 45 cơ sở kinh doanh tôm hùm giống. Sản lượng tôm hùm giống khai thác trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh khoảng 1,2-1,5 triệu con/năm, tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, lượng tôm hùm giống khai thác trong tự nhiên có xu hướng giảm. Hiện lượng tôm giống khai thác trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh không đủ cung cấp cho người nuôi, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các tỉnh khác hoặc các nước Philippines, Malaysia, Indonesia.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Tri Phương

Anh Ngọc

Nguồn: Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!