T2, 06/07/2020 10:12

Đoàn kết để cùng vươn khơi xa

Chưa có đánh giá về bài viết

Bình Thuận là một trong những ngư trường lớn nhất cả nước, với đội tàu đánh cá gần 8.000 chiếc, trong đó có hơn 2.000 chiếc tham gia đánh bắt xa bờ.

Trong những năm gần đây, do giá cả xăng dầu không ổn định, việc tiêu thụ sản phẩm đánh bắt khó khăn đã ảnh hưởng rất nhiều cho hoạt động khai thác thủy sản của bà con ngư dân. Trước đây, hầu như bà con đánh bắt riêng lẻ thiếu sự hợp tác và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất trên biển, nhất là những lúc gặp tình trạng bão tố, tai nạn khi hoạt động xa bờ… nên hiệu quả đánh bắt không cao. Nhiều tàu thuyền phải tạm ngưng ra khơi do vốn ít, không đủ tiền để thuê nhân công, nợ nần phải bán tàu, bán lưới để tìm kiếm nghề khác dù nghề đi biển đã gắn bó với họ gần suốt cả cuộc đời.

Với mong muốn hỗ trợ ngư dân bám biển khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền,  năm 2008 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị số 46/CT-UBND về việc thành lập tổ đoàn kết khai thác thủy sản trên biển; đồng thời quyết định ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển. Mục đích của việc thành lập  “Tổ ngư dân đoàn kết” giúp cho các ngư dân liên kết với nhau về mọi mặt như vốn, thông tin báo bão, cứu hộ cứu nạn, vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

Ngư dân chuẩn bị hậu cần trước lúc đánh bắt xa bờ – Ảnh: Đình Hòa

Hiện toàn tỉnh đã thành lập được 623 tổ đoàn kết/4.002 thuyền/25.385 lao động, đạt 72% so với tổng số phương tiện phải xây dựng là 5.552 thuyền từ 20CV trở lên và đạt 100% với thuyền xa bờ của tỉnh. Ngoài ra, đã thành lập được 4 nghiệp đoàn nghề cá tại phường Bình Hưng – TP. Phan Thiết. thị trấn Liên Hương –  huyện Tuy Phong, xã Tam Thanh – huyện Phú Quý và phường Phước Hội tại thị xã La Gi.

Gặp những ngư dân tại làng chài Phú Hài, họ đã tâm sự: “Mặc dù hiện tại nghề biển gặp nhiều khó khăn, nhưng không đi biển thì nhớ biển đến nao lòng, đã đôi lần được nghe việc làm ăn của tổ đoàn kết ở đâu đó đem lại hiệu quả khá, nên chúng tôi đồng lòng”. Với mô hình hợp tác đi theo đội hình hai, ba cặp mà chủ tàu vốn là anh em, họ hàng hoặc cùng hàng xóm với nhau. Nhờ tình cảm mà họ dễ gắn bó và chia sẻ khó khăn khi ra khơi xa. Trong số tàu ra khơi, có sự phân công phù hợp cả về công suất phương tiện, tay nghề và có sẵn cả một tàu chuyên làm công việc hậu cần như chở nước đá, dầu, thực phẩm tiếp tế cũng như kịp thời đem sản phẩm vào bờ cho cả đội…

Anh Hải – một ngư dân đã có gần 15 năm bám biển ở thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, hào hứng cho biết: “Khi chưa có chủ trương thành lập tổ ngư dân đoàn kết, ngư dân ở đây  đã thường xuyên kêu gọi từng nhóm tàu gắn kết với nhau để ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, việc tổ chức chưa chặt chẽ, thiếu bài bản nên lợi ích mang lại chưa cao. Từ khi các tổ đoàn kết thành lập, ngư dân chúng tôi đã hỗ trợ nhau được nhiều hơn. Sức mạnh đoàn kết từ đất liền được mang ra khơi xa. Lợi ích cá nhân mỗi tàu khác nhau đã được gắn kết với lợi ích chung của cả tổ”.

Sự hình thành các tổ đoàn kết và nghiệp đoàn nghề cá trên biển đã góp phần mang lại hiệu quả trong sản xuất; xây dựng tổ đoàn kết sẽ là mô hình hợp tác sản xuất tốt, vừa giúp ngư dân giảm bớt khó khăn, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tham gia bảo vệ ngư trường an ninh trên biển.

 >> Hiện Bình Thuận có khoảng hơn 600 đội tàu với gần 2.000 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó trên 200 chiếc hoạt động thường xuyên tại khu vực quần đảo Trường Sa. Mô hình đánh bắt cơ bản đã mang tính tổ chức, đảm bảo khá tốt hậu cần và an ninh. Hiệu quả kinh tế tăng hơn 30% so với kiểu làm ăn cá thể như lúc trước, nhờ tiết kiệm nhiên liệu, giữ được ngư trường và cải tiến về phương thức tiêu thụ sản phẩm.

Thanh Thủy

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!