Doanh nghiệp được “gỡ rối”?

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Thông tư (TT) 51/2010-BNN&PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của hai TT 06 và TT 25 vừa được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát ký ban hành vào ngày 8/9 trở thành một tài liệu có “giá trị”, mang lại hi vọng cho các doanh nghiệp (DN) thủy sản. Tuy nhiên, xoay quanh TT 51, các DN cho rằng họ vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Doanh nghiệp ngồi trên “chảo lửa”

Những khó khăn của DN khi thực hiện TT 06/2010/TT-BNNPTNT (về quy định trình tự thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản) chưa được giải quyết, thì sau một tuần, khi TT 25/2010 –BNN&PTNT (hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu) bắt đầu có hiệu lực từ 1/9, các DN nhập khẩu thủy sản dưới dạng tạm nhập, tái xuất lại thêm gánh nặng về mặt thủ tục.

Trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Quang Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần CAFICO Việt Nam cho rằng TT 25 sẽ làm cho thị trường nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam hạn chế, cánh cửa nhập khẩu nguyên liệu thủy sản bị thu hẹp lại, bất lợi trong đàm phán về giá với nhà cung cấp, không đảm bảo nguyên liệu chế biến sản phẩm để cung cấp cho thị trường đầu ra, triệu tiêu khả năng cạnh tranh và điều đó vô hình trung tạo điều kiện thuận lợi cho đối thủ cạnh tranh chính của doanh nghiệp Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines…

Ông Trần Thanh Chiến, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng: TT 25 được Cục QLCL Nông lâm thủy sản (Nafiqad) – Bộ NN&PTNT ban hành với mục đích chính là nhằm hạn chế nhập siêu, thế nhưng, gần 99% các sản phẩm thủy sản nhập khẩu của các doanh nghiệp thuộc VASEP ở dạng tạm nhập tái xuất thì không ảnh hưởng gì đến quyết tâm hạn chế nhập siêu của Chính phủ. Thêm đó, sự việc các lô hàng có nguồn gốc động vật, đặc biệt là 2.500 tấn thủy sản và thịt trong 500 container của các DN nhập khẩu tại cảng Cát Lái đã bị kẹt lại bãi trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua, do các DN nhập khẩu không xuất trình được giấy chứng nhận VSATTP… đã khiến các DN đau đầu lo lắng.

Cuộc họp sáng ngày 9/9/2010, tại trụ sở VASEP với sự tham dự của đông đảo cơ quan công luận, những bức xúc của các DN dự kiến sẽ “bùng phát”. Nhưng ngay lập tức, TT 51 sửa đổi TT 25 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ký gửi gấp ngay chiều hôm trước (8/9) khiến các DN thủy sản đang tề tựu tại đây trút gánh nặng bởi có thể giải tỏa hàng tấn thủy sản đang ách tại cảng Cát Lái.

Thông tư 51 “gỡ rối” cho hàng thủy sản tạm nhập tái xuất  Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Vấn đề từ Thông tư 51

Theo những điều khoản sửa đổi tại TT 51/2010 – BNN, thì hàng thủy sản nhập khẩu để chế biến, gia công tái xuất khẩu sẽ không bắt buộc phải thực hiện theo quy định về kiểm tra và chứng nhận VSATTP của TT 25. Như vậy, “trên 90% thuỷ sản nhập về Việt Nam đều được các DN chế biến và xuất khẩu”. Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cho biết. Khi các DN thuỷ sản hồ hởi vui mừng thì các DN nhập khẩu thịt đông lạnh vẫn tỏ ra lo lắng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương khẳng định: “Đối với những doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản dưới dạng tạm nhập tái xuất không phải áp dụng một số điều trong TT 25, nên khó khăn của doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản nguyên liệu đã được giải quyết. Việc 500 container ách tắc do vướng TT 25 của Bộ NN&PTNT, theo Khoản 5 Điều 21 của TT 25, Nafiqad chịu trách nhiệm kiểm tra và chứng nhận VSATTP. Những doanh nghiệp nào đang có container bị kẹt tại cảng Cát Lái vì chưa có giấy chứng nhận VSATTP thì từ ngày 10/9 đến Nafiqad làm việc để được giải quyết”.

Tuy nhiên, các DN cho rằng: TT 51 mới được sửa đổi, bổ sung, chỉ mới có một vấn đề trong TT 25 được tháo gỡ, những khó khăn trong TT 06 vẫn không hề thay đổi mà còn được “bổ sung” nhiều khoản. Họ dẫn chứng: Trước đây, vấn đề kiểm tra VSATTP và kiểm dịch hàng hóa được tách biệt, do Nafiqad và Cục Thú y đảm nhận. Nhưng TT mới đã giao 2 thủ tục này về một mối và chỉ có Cục Thú y đảm nhận. Với phân nhiệm này, hầu hết các DN đều e ngại về quy trình cũng như thời gian thực hiện thủ tục. Trong khi đó, thời gian thông quan hiện nay còn là nỗi ám ảnh đối với DN. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty Thủy sản Hải Nam (TP.HCM), lo lắng, trước nay Nafiqad đảm nhận các thủ tục về VSATTP, họ đã có một quy trình, con người để đảm nhận việc này. Khi chuyển sang cho Cục Thú y, liệu đơn vị có kham nổi, có đủ bộ máy để thực hiện công việc? Trong khi, với chi phí lưu container 40 – 128 USD/ngày/container (tùy hãng tàu), nếu thời gian chờ đợi lâu sẽ dẫn đến chi phí lớn cho DN.

Điều kiện bắt buộc phải có giấy chứng nhận đáp ứng VSATTP do cơ quan có thẩm quyển của nước xuất khẩu cấp (trừ trường hợp thủy sản do tàu cá nước ngoài đánh bắt, chế biến trên biển bán trực tiếp cho DN Việt Nam) của TT 25 đang làm đau đầu các DN nhập khẩu Việt Nam. Thêm đó, những bất hợp lý trong TT 06 và 25 vẫn đang đe dọa đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các DN chuyên nhập khẩu và chế biến xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Thế Yến, Giám đốc điều hành Công ty Thủy sản Hải Long (Khánh Hòa), cho rằng “việc ban hành các quy định đánh đồng thực hiện chung cho cả động vật dưới nước (thủy hải sản) và động vật trên cạn (thịt heo, gà) là sự hiểu lầm đáng tiếc!”.

>> Thông tư 51 bổ sung Điều 3a trong Thông tư 25 như sau: Hàng hoá có nguồn gốc động vật nhập khẩu dùng làm nguyên liệu gia công, chế biến xuất khẩu không bắt buộc phải thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/04/2010 hướng dẫn việc kiểm tra VSATTP đối với hàng hoá có nguồn gốc động vật nhập khẩu.

Thông tư 51 sửa đổi, bổ sung Điều 16 của Thông tư 06 như sau: Đối với sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu dùng làm nguyên liệu gia công, chế biến xuất khẩu, chủ hàng phải đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với cơ quan thú y vùng nơi làm thủ tục nhập khẩu. Đối với thuỷ sản nhập khẩu dùng làm nguyên liệu gia công, chế biến xuất khẩu, cơ quan thú y vùng có trách nhiệm trả lời chủ hàng trong thời hạn 03 ngày (ba ngày) làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Đối với thuỷ sản nhập khẩu dùng làm nguyên liệu gia công, chế biến xuất khẩu, trong thời hạn 04 ngày (bốn ngày) làm việc, chủ hàng phải khai báo với cơ quan thú y vùng tại nơi làm thủ tục nhập khẩu.

Hà Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!