(TSVN) – Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của hội viên, doanh nghiệp, Hội Nghề cá Việt Nam đang ngày càng vững mạnh, hệ thống tổ chức được mở rộng. Mục tiêu của Hội là thu hút sự gia nhập của đông đảo doanh nghiệp thủy sản để hoạt động Hội phát triển mạnh hơn nữa. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung, Chủ tịch HĐQT Vinhthinh Biostadt đã có nhiều chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Công tác xây dựng hội viên là một trong những nhiệm vụ rất được chú trọng, bởi đây là nền tảng để hoạt động Hội Nghề cá ngày một phát triển, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Chúng ta đều hiểu rõ là hội nào cũng cần hội viên. Bởi hội viên có đông và mạnh thì hội mới mạnh (về tiếng nói, sức ảnh hưởng, sự lan tỏa và tiềm lực tài chính). Hiện nay, có hàng triệu người đang làm việc liên quan đến nghề thủy sản với nhiều lĩnh vực khác nhau. Mục tiêu cuối cùng và lâu dài là đưa tất cả những người làm nghề thủy sản vào Hội, nhưng trước hết Hội cần xác định lĩnh vực nào cần ưu tiên phát triển trước theo chiến lược phát triển của ngành, nhu cầu và mong muốn giải quyết vấn đề của hội viên…; để xây dựng chiến lược phát triển hội viên với mục tiêu, chương trình, phân công trách nhiệm, tiến độ thực hiện. Bước đầu phải quyết tâm có hội viên chất lượng, số lượng vừa đủ; hội viên mạnh (uy tín, tâm huyết, tiềm lực…) cho mỗi lĩnh vực để làm xương sống cho hoạt động Hội phát triển và lan tỏa.
Có thể thấy, lực lượng hội viên mạnh và ngày một phát triển thể hiện sự lớn mạnh của Hội, từ đó có thể thu hút sự tham gia ngày một đông hơn của cộng đồng doanh nghiệp, hội viên. Theo đó, Hội cần chủ động đi trước, thuyết phục, tuyên truyền các hội viên mạnh tham gia và tích cực tham gia sớm; đồng thời, cần thể hiện sự cầu thị, quan tâm, chia sẻ để thu hút các hội viên tiềm năng tham gia chính thức.
VietShrimp là một trong những sự kiện do Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức nhằm thu hút sự tham gia, kết nối của cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản Ảnh: PTC
Doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; ông đánh giá như thế nào về vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển Hội Nghề cá Việt Nam?
Hội Nghề cá Việt Nam đang thực hiện vai trò, nhiệm vụ tuyên truyền chính sách phát triển thủy sản bền vững, bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia cũng như thực hiện vai trò phản biện kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và hội viên, bảo vệ lợi ích doanh nghiệp. Vấn đề nào cũng quan trọng và nên làm, làm mạnh để thực hiện đúng vai trò, chức năng, nâng uy tín từ đó thu hút hội viên tham gia.
Hội Nghề cá luôn đề cao việc tiếp nhận thêm hội viên là các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, đồng thời mong muốn giữ được hội viên gắn bó lâu dài, tham gia hoạt động tích cực giúp cho Hội, doanh nghiệp, người nuôi ngày càng thành công hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Theo ông, những giải pháp nào thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia vào hoạt động của Hội?
Theo tôi, cần chú trọng đến một số vấn đề sau:
– Tập trung hoạt động chính vào vấn đề có lợi cho hội viên: Hội viên mong muốn trước hết là những vấn đề chính sách có lợi cho họ và bảo vệ họ. Vì vậy, Hội cần sự quyết tâm, quyết liệt, kiên trì đi đến tận cùng vấn đề, giải quyết nhanh và rốt ráo việc các hội viên mong muốn. Tất nhiên, những mong muốn của hội viên phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.
– Chủ động đến với hội viên chính thức hay tiềm năng thay vì chờ họ đến với mình: Thông thường, việc tham gia Hội là do lãnh đạo đơn vị quyết định dựa trên đánh giá việc tham gia Hội là có lợi cho mình và đặc biệt là mối quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo đơn vị và lãnh đạo Hội. Việc chia sẻ thông tin, trao đổi trực tiếp sẽ rất hiệu quả giữa Hội và hội viên.
– Chủ động thông tin quảng bá về Hội: Hội đang thiếu nội dung này và thông tin chưa đến được hội viên tiềm năng. Các website, báo, truyền thông, tài liệu… cần giới thiệu về Hội với nội dung làm thế nào để những người chưa tham gia hiểu vào Hội là được lợi ích gì; Hội không phải là tổ chức đơn thuần mà là hội nghề nghiệp, tiếng nói của những người làm thủy sản.
– Chủ động phân tích và cung cấp thông tin quan trọng: Hội cần nghiên cứu các văn bản của cơ quan quản lý, nhất là các văn bản mới liên quan đến quản lý ngành để tóm tắt ngắn gọn và lưu ý cho hội viên; cung cấp công khai và rõ ràng các thông tin có ích về sản xuất, phát triển, hợp tác cho hội viên hiện có và những hội viên tiềm năng.
– Cần chủ động tổ chức giao lưu, kết nối với các thành viên trong Hội để tìm cơ hội cho họ hợp tác với nhau; giới thiệu các đối tác cho hội viên để hợp tác cùng phát triển.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều lĩnh vực trong đó có ngành thủy sản; chia sẻ của ông về vấn đề này, thưa ông?
Doanh nghiệp luôn xác định phải tự thân vận động là chính và nỗi trăn trở ưu tư, trách nhiệm cao nhất của lãnh đạo doanh nghiệp chính là đảm bảo cuộc sống của nhân viên để giữ ổn định doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay và tiếp tục phát triển sau dịch bệnh.
Phần lớn các doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn, sức chịu đựng trước khủng hoảng này có hạn nếu tình hình bất lợi kéo dài. Vì vậy, bên cạnh sự tự thân vận động của doanh nghiệp thì sự tiếp sức quyết liệt và nhanh chóng của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Mặc dù, thời gian qua Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tích cực, tuy nhiên, do tình hình khó khăn kéo dài, tôi kiến nghị cần thực hiện một số vấn đề như:
– Áp dụng chính sách hỗ trợ cho bất kỳ doanh nghiệp nào và quy mô nào, bất kỳ lĩnh vực nào để giảm bớt thủ tục khai báo, đẩy nhanh thời gian thực hiện.
– Tiếp tục giảm thêm lãi suất vay và có những chính sách mới để doanh nghiệp có điều kiện được vay thêm trên cơ sở tài sản đảm bảo họ đang có với ngân hàng chứ không phải bổ sung tài sản thế chấp để vay thêm.
– Hoãn đóng toàn bộ 32% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến 6 tháng đầu năm 2021, vì đây cũng là khoản chi phí lớn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có lượng nhân viên đông.
– Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cần thông tin định hướng về thị trường, giá cả, mùa vụ, tình hình tiêu thụ… Điều này rất quan trọng để giúp người dân tự tin tiếp tục sản xuất, không bán đổ, bán tháo dẫn đến thiệt hại nặng nề hơn.
Cuối cùng, để hoạt động của Hội ngày một lớn mạnh, thu hút đông đảo hội viên tham gia thì lãnh đạo Hội phải có chiến lược, tổ chức được chiến lược và đặc biệt là một Văn phòng Hội mạnh, xác định vấn đề cần tập trung, nội dung cần thực hiện. Tất nhiên, cần nguồn lực tài chính nhưng việc này có thể giải quyết được nếu chúng ta quyết tâm làm.
Trân trọng cảm ơn ông!
An Chi (Thực hiện)