Doanh nghiệp thủy sản: Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tình hình thị trường vẫn đang có dấu hiệu khởi sắc, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản đã tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, thời gian qua, doanh nghiệp thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính.

Xuất khẩu vẫn giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị trên 2,84 tỷ USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm đạt khoảng 318 triệu USD, giảm 11,6%.

10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: ST.

Tính tới hết tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra hiện đang có tín hiệu khả quan hơn sau những thông tin tích cực về thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhu cầu cá tra ở Trung Quốc giảm đáng kể từ đầu năm 2023, duy chỉ có doanh số bán fillet cá tra tẩm bột có dấu hiệu tốt ở thị trường này.

Với mặt hàng hải sản, tính đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt gần 693 triệu USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu cua, ghẹ và giáp xác khác đạt 161 triệu USD, giảm hơn 13,5% so với cùng kỳ.

Còn với nhuyễn thể, xuất khẩu các mặt hàng này vẫn giữ tăng trưởng âm trong tháng 10. Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu nhuyễn đạt giá trị trên 651 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó mực và bạch tuộc đạt kim ngạch 537 triệu USD, giảm 15%. Xuất khẩu các loại cá biển khác (trừ cá ngừ) đạt khoảng 1,55 tỷ USD, giảm 8,8%.

Còn nhiều vướng mắc

Theo VASEP, trong thời gian qua, ngoài vấn đề thị trường, doanh nghiệp thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến chi phí tuân thủ quy định hành chính, chính sách thuế.

Doanh nghiệp thủy sản vẫn gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách thuế. Ảnh minh họa.

Đơn cử, các công ty chế biến thủy hải sản có cả mặt hàng thủy hải sản đông lạnh (không qua gia nhiệt) và mặt hàng đông lạnh đã qua hấp, luộc chín. Nguyên liệu thủy sản sử dụng đầu vào của hai mặt hàng này đều giống nhau. Tuy nhiên, thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng khi xuất bán phế liệu của hai loại mặt hàng trên lại khác nhau. Cụ thể, theo hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, thuế suất đối các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm được xác định là mặt hàng thủy hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản thông thường bằng các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính nêu trên bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC. Đối các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm của các mặt hàng thủy – hải sản được xác định là mặt hàng đã qua chế biến (luộc chín…) thì thuộc diện áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất phổ thông là 10% theo quy định tại Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC. 

Thêm nữa, việc xuất hóa đơn cho hàng bán bị trả lại hay trả lại hàng mua hiện nay của doanh nghiệp tại các địa phương đang gặp nhiều bất cập. Nguyên nhân là mặc dù cùng căn cứ theo các quy định (Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày19/10/2020 của Chính phủ và Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính) nhưng Cục thuế địa phương đang hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo cách thức khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. 

Một vấn đề nữa mà doanh nghiệp gặp phải là việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Trong thời gian vừa qua, do hoạt động khó khăn nên nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, bị đóng mã số thuế, chủ doanh nghiệp bỏ trốn… dẫn đến doanh nghiệp nhận hóa đơn của họ rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, đứng trước nguy cơ bị cơ quan thuế xử phạt vì hành vi “khai sai”. Với mỗi hóa đơn không được hoàn thuế, doanh nghiệp mất 10% thuế giá trị gia tăng và có thể phát sinh thêm thuế thu nhập, chưa kể nếu nộp chậm sẽ bị phạt.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo VASEP, những vướng mắc, bất cập nêu trên đã gây nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp và chưa phù hợp với tính thống nhất trong luật thuế. VASEP đề nghị Bộ Tài chính xem xét có văn bản hướng dẫn cho tất cả các Cục thuế địa phương và doanh nghiệp để các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm thủy – hải sản (dù của mặt hàng sơ chế hay chế biến) nhưng chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu kinh doanh thương mại.

Cùng đó, Bộ Tài chính cần xem xét có văn bản hướng dẫn thống nhất cho các biên liên quan để cho phép dù áp dụng bất kỳ thủ tục/hay hình thức trả hàng nào thì các bên được phép tự lựa chọn hình thức hóa đơn với điều kiện vẫn đảm bảo việc kê khai thuế thống nhất, phản ánh đúng bản chất giao dịch giữa hai bên.

Thêm nữa, theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp xuất hóa đơn thì cơ quan thuế tiến hành xác minh và cấp mã, nên hóa đơn đó phải được coi là hợp lệ và doanh nghiệp phải được hoàn thuế giá trị gia tăng. Cùng đó, cơ quan thuế cần có giải pháp phù hợp để phát hiện doanh nghiệp bỏ trốn, bị đóng mã số thuế. Đồng thời, đối với doanh nghiệp kinh doanh có hợp đồng đầy đủ, có mua hàng, có thanh toán và hóa đơn đã được xuất hợp lệ thì không nên yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn để được khấu trừ hoàn thuế…

>> Trong văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính lần này, VASEP cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; cắt giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra không cần thiết đối với doanh nghiệp, thực hiện đúng theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Chính phủ.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!