T4, 15/02/2023 11:49

Độc đáo lễ hội cầu ngư tại làng chài ven biển Mỹ Khê

Chưa có đánh giá về bài viết

Một ngày đầu Xuân, khi trời yên, biển lặng, làng chài Khê Tân, thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức lễ hội cầu ngư để tạ ơn thần Nam Hải và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu, ngư dân đánh bắt an toàn.

Ngay từ sáng sớm, đông đảo chủ tàu thuyền cùng ngư dân đã tập trung lại để chuẩn bị cho lễ cúng. Theo các bậc cao niên trong làng, việc tổ chức lễ cầu ngư đã có từ hàng trăm năm trước, khi người dân nơi đây còn làm nghề nhứ cá chuồn ở vùng biển Hoàng Sa. Quanh năm lênh đênh giữa trùng khơi không biết đâu là bờ, họ phải luôn đối chọi với sóng gió, bão tố. Chính vì vậy, những lễ hội như lễ cầu ngư gắn liền với phong tục thờ cúng cá Ông là điểm tựa tinh thần vững chãi, tiếp thêm sức mạnh vượt qua mọi khó khăn để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo.

Bởi vậy, dẫu giong thuyền ngược xuôi đến phương nào nhưng cứ đến gần ngày đầu Xuân là những ngư dân thôn Cổ Lũy lại sắp xếp quay trở về tham dự các lễ cúng tế với tấm lòng thành kính, niềm tin sâu sắc và lòng biết ơn đối với biển.

Lễ rước thần Nam Hải

Lễ rước thần Nam Hải và bà Thủy Long về lăng vạn để dự lễ cầu ngư.

Ông Trần Đình Trọng, trưởng thôn Cổ Lũy chia sẻ, toàn thôn Cổ Lũy có hơn 1 nghìn hộ dân chia ra làm 7 xóm. Trong đó, có đến 85% người dân nơi đây làm nghề biển. Nhờ vào biển mà làng quê của chúng tôi được ấm no, phát triển từng ngày. Mỗi một người dân ở đây đều trân quý, giữ gìn các tục lệ, cúng tế như một sự tri ân với thần linh, tưởng nhớ các vị Thành hoàng, tiền hiền đã có công lập làng, giữ nghề. Chính vì lẽ đó mà 6/7 xóm trong thôn có lễ hội cầu ngư đầu năm, thường từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Như xóm Khê Tân chúng tôi chọn ngày 21 tháng Giêng hằng năm làm ngày cố định để tổ chức lễ.

Ngày thường là những tay chài, tay lưới, đến ngày lễ, người ngư dân lại đảm nhiệm vai trò của những người rước sắc thần trong lễ hội cầu ngư. Việc rước thần được thực hiện trước ngày diễn ra lễ cầu ngư 1 ngày. Xuất phát từ lăng, đoàn nghinh rước thần sẽ mang theo cờ, chiêng, trống, kiệu 4 người khiêng đến bờ biển để xin rước thần về miếu thờ dự lễ. Sau khi kính cáo, xin keo, các bậc cao niên sẽ dùng một chai rỗng đựng đầy nước biển tượng trưng cho thần Nam Hải và bà Thủy Long, đặt lên kiệu và rước về. Đi theo hộ tống phía sau kiệu rước thần là đoàn chừng 20 ngư dân được chọn lựa trong làng.

dâng lễ tại ơn thần Nam hải

Các vị cao niên, ngư dân, chủ tàu thuyền thắp hương, dâng lễ tại ơn thần Nam hải và cầu mong một năm trời yên, biển lặng, tôm cá đầy ghe.

Nghi thức quan trọng nhất trong lễ hội cầu ngư là cúng cá Ông (hay thần Nam Hải), một vị thần có công giúp đỡ và phù hộ ngư dân trong những chuyến ra khơi. Vị chủ vạn sẽ đứng ra để dâng hương và đọc văn tế thể hiện lòng biết ơn sự che chở của cá Ông và cá Bà với ngư dân cũng như lời khẩn cầu về một mùa biển thuận hòa, bội thu. Các lễ vật để dâng cúng gồm trầu, cau, rượu, hoa, trái cây, giấy tiền,… và một con heo. Đặc biệt, đồ tế lễ không được dùng hải sản. Sau khi đã làm lễ cúng, đoàn người lại cho kiệu rước và đổ chai nước tượng trưng cho thần trở lại biển cả.

Tiễn thần Nam Hải

Tiễn thần trở về biển cả sau lễ cúng.

đưa thần Nam Hải về biển

Chai nước tượng trưng cho thần Nam Hải và bà Thủy Long được đổ lại vào dòng nước biển đồng nghĩa với việc đã đưa thần về.

Theo ông Phạm Ơi, chủ vạn Khê Tân cho hay, các ngài cá Ông đã không ít lần trợ giúp tàu thuyền của ngư dân trong làng vượt qua các cơn hoạn nạn giữa trùng khơi. Chúng tôi luôn có lòng tin và lập miếu thờ, thực hiện các lễ cúng tế để thể hiện lòng kính trọng của người dân trong làng đối với loài cá “thiêng” này. Ngoài ra, tại đây chúng tôi cũng có chôn cất chừng 30 mộ phần cá Ông, cá Bà. Có ngài thì lụy vào bờ, có ngài thì được cốt, có ngài thì dân làng cào được xương trong những chuyến đi biển đánh bắt xa và đưa về trong nhiều năm qua.

Nghĩa địa cá voi

Nghĩa địa cá voi thu nhỏ với chừng 30 cốt cá voi được người dân xóm Khê Tân chôn cất, thờ cúng.

Lễ hội cầu ngư là nét văn hóa độc đáo, một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân miền biển nơi đây, được giữ gìn từ xưa đến nay. Không chỉ cầu sự bình an cho ngư dân hành nghề trên biển để ngày về tôm cá đầy khoang, lễ hội còn là dịp để biểu thị sức mạnh đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong lao động, sản xuất và sự nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống quý báu của cha ông.

Bài, ảnh: Thanh Nhàn

Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!