Ngày 20/10, tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản (phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức hội thảo quốc gia xây dựng Kế hoạch Hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương của ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2025.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới, ước tính trung bình mỗi năm có khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra biển, trong đó 80% lượng rác từ đất liền, 20% còn lại đến từ các hoạt động trên biển. Rác thải nhựa đang gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển do mắc vào ngư lưới cụ hoặc ảnh hưởng bởi đường tiêu hóa. Dự tính đến năm 2050, rác thải nhựa trong môi trường biển sẽ nhiều hơn cá nếu không có sự can thiệp hiệu quả.
Nếu không có giải pháp kịp thời, trong tương lai rác sẽ nhiều hơn cá
Theo kết quả nghiên cứu Chương trình giám sát rác thải nhựa tại 11 Khu bảo tồn biển tại Việt Nam của Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (Green Hub) và IUCN trong khoảng thời gian 2 tháng (5 – 6/2019), các cán bộ thu được 1,3 tấn rác thải khác nhau với mật độ 172 vật rác/m chiều dài. Rác thải nhựa là thành phần chiếm số lượng và trọng lượng nhiều nhất (92%), tiếp đến là thủy tinh, gỗ, cao su… Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về giảm rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Bộ NN&PTNT cũng đã có định hướng xây dựng kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa cho ngành thủy sản.
Cụ thể, đến năm 2025, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học chuyên sâu phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương; tạo đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng các sản phẩm nhựa, thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường và tác hại của rác thải nhựa đại dương tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người; Giảm thiểu 50% rác thải nhựa địa phương; 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mất hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom; 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu 1 năm hai lần thu gom, làm sạch rác thải nhựa tại các bãi tắm biển; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Tiến đến năm 2030, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; Giảm thiểu 75 % rác thải nhựa đại phương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; Hoàn thiện và triển khai rộng rãi cơ chế mở rộng (hay tăng cường) trách nhiệm của nhà sản xuất trong lĩnh vực sản xuất bao bì, ngư cụ và đóng gói sản phẩm có liên quan đến nhựa, thí điểm triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Ngư lưới cụ làm sinh vật dưới biển chết dần
“Tổng cục Thủy sản sẽ có những hoạt động cụ thể như tiến hành rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn địa phương về quản lý rác thải nhựa. Đồng thời tổ chức thực hiện, phối hợp nghiên cứu mang tầm quốc gia, liên vùng; Rà soát, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với lĩnh vực khai thác và nuôi trồng; Tổ chức diễn đàn hàng năm để chia sẻ kết quả, hành động giữa các bên có liên quan… để nâng cao hiệu quả giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản” – bà Nguyễn Thị Phương Dung cho biết.
Hội thảo là dịp Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đại diện 12 Khu bảo tồn biển/Vườn quốc gia và các tổ chức phi chính phủ cùng nhau thảo luận những hoạt động ưu tiên góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong ngành thủy sản. Đây được xem là một trong những nỗ lực tích cực và cụ thể của Tổng cục Thủy sản trong cuộc chiến chống “ô nhiễm trắng” tại Việt Nam.