Đối thoại diễn ra sáng 21/6, tại TP Cần Thơ. Tại đây, đã có nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp đưa ngành tôm Việt Nam phát triển thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Đối thoại bàn tròn ngành thủy sản diễn ra tại Cần Thơ
Bất cập lớn nhất của ngành tôm nước ta hiện nay là quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, giá thành cao hơn nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan. Cũng vì thế, thiếu các điều kiện và năng suất và chất lượng để thúc đẩy liên kết. Để thoát ra khỏi các khó khăn, nhiều ý kiến thống nhất là phải minh bạch hóa đầu vào sản xuất và tăng cường các giải pháp thực thi nâng cao chất lượng giống, thức ăn thủy sản. Trong đó, quản lý nhà nước cũng phải đổi mới cho phù hợp, chuyển từ kiểm soát chất lượng từng khâu nhỏ lẻ sang kiểm soát quy trình bằng hệ thống tiêu chuẩn và tổ chức ngành tôm thành ngành sản xuất có điều kiện.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác của các doanh nghiệp và các đối tác quan trọng, gồm bà con nuôi tôm và cả các tổ chức quốc tế, phi chính phủ. “Sự tham gia của các bên sẽ giúp khai thác tối đa cơ chế minh bạch thông tin đầu vào sản xuất, tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng, thể hiện nền tảng cho sự hợp tác giữa hai khối nhà nước – tư nhân, góp phần tăng lợi nhuận bằng việc giảm chi phí đầu vào sản xuất để tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, ông Luân nói.
Một ý kiến khác cho rằng, thách thức lớn của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thị trường khác, đối mặt với rào cản kỹ thuật. Để ngành tôm phát triển, các chủ thể đóng vai trò quyết định chuỗi giá trị phải cải tiến, gồm người nuôi, doanh nghiệp chế biến và đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp đầu vào như giống, thức ăn và thuốc. Đồng thời, mở rộng quy mô ngành tôm phải được thúc đẩy một cách hợp lý về môi trường vì nó nằm trong các hệ sinh thái ven biển rất nhạy cảm.