Sáng 28/2, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau gần 2 năm rưỡi bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh “thẻ vàng” sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất vào châu Âu, cũng chừng ấy thời gian ngành chức năng nước ta dồn nỗ lực khắc phục những khuyến nghị của EC và đã có những chuyển biến tích cực. Thực tế cho thấy, ngành đánh bắt thủy sản của nước ta đã có chuyển biến về mặt nhận thức, hành động, thể chế và đang trên lộ trình tiến tới nghề cá có trách nhiệm. Tuy nhiên, những gì đã đạt được vẫn chưa đủ để EC quyết định thu hồi “thẻ vàng”.
Bởi, sau 2 lần kiểm tra, EC đã chỉ ra những lỗi mà thủy sản Việt Nam còn mắc. “Theo dự kiến, cuối tháng 5, đầu tháng 6 đoàn kiểm tra của EC sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 3, nếu lần này còn phát hiện chưa khắc phục được những sai phạm thì nguy cơ sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu sẽ bị phạt “thẻ đỏ”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra cảng cá Quy Nhơn
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, báo cáo với Bộ trưởng: Kết quả thanh tra của EC lần thứ nhất vào tháng 5/2018 đã ghi nhận sự vào cuộc tích cực của Việt Nam từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt là đã thể chế hóa 9 khuyến nghị của EC vào Luật Thủy sản 2017, đáp ứng được các yêu cầu của quốc tế. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, EC cho rằng việc chống khai thác IUU của các địa phương chưa được cải thiện đáng kể. EC yêu cầu Việt Nam cần hành động cụ thể, tích cực, mạnh mẽ hơn trong công tác chống khai thác IUU. Những tồn tại hạn chế còn rất nhiều, nhận thức của chính quyền các địa phương chưa đầy đủ. Từ kết quả đó, đoàn kiểm tra EC đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục.
“Theo kế hoạch, từ ngày 25/5 đến 5/6/2020, đoàn kiểm tra của EC sẽ tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 3 tình hình triển khai công tác khắc phục các khuyến nghị của EC, nhất là công tác chống khai thác IUU. Nếu lần này Việt Nam không đáp ứng được những khuyến nghị của EC, nhất là vẫn còn tồn tại tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài thì chẳng những EC sẽ không thu hồi “thẻ vàng” mà nguy cơ Việt Nam sẽ còn bị nhận “thẻ đỏ” đối với sản phẩm thủy sản xuất sang thị trường châu Âu”, ông Hùng thông tin.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo trong thời gian tới, các ngành liên quan và các địa phương phải thực hiện thật quyết liệt các giải pháp trọng tâm như sau: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 45, Công điện 732, Công điện 1275, Quyết định 78 và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU. Chuẩn bị chu đáo kế hoạch và nội dung để tiếp và làm việc với đoàn kiểm tra của EC. Triển khai hiệu quả Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, thực hiện nghiêm việc cấp giấy phép khai thác thủy sản và triển khai lắp đặt hành trình tàu cá theo đúng lộ trình; triển khai đánh dấu, đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo đúng quy định tại Thông tư số 23 của Bộ NN&PTNT. Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, ghi chép sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU…