Đồng bộ trong phòng chống dịch bệnh tôm nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian qua, sự liên kết, hỗ trợ và phối hợp giữa ngành nông nghiệp với chính quyền địa phương, giữa cán bộ kỹ thuật cơ sở ngành nông nghiệp với nhau chưa thật hiệu quả, nhất là trong quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi. Do đó, cần có giải pháp từ các Sở NN&PTNT các địa phương tạo hiệu quả đồng bộ.

Chưa hết khó khăn

Chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm, tiến lên nuôi tôm công nghiệp (NTCN), các hộ dân nuôi tôm ở Cà Mau có những bước tiến từ kỹ thuật thô sơ, làm theo kinh nghiệm và thành công; bởi môi trường nuôi thời điểm đó chưa ô nhiễm, chưa nhiều dịch bệnh. Lợi nhuận cao, NTCN phát triển ồ ạt khiến hạ tầng kỹ thuật nhiều nơi không đảm bảo; các biện pháp kỹ thuật khi nuôi cũng không được áp dụng triệt để.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tèo, cán bộ khuyến ngư xã Phú Hưng (huyện Cái Nước) kể: Một số công ty đưa tôm giống kém chất lượng đến tận hộ dân. Thấy quảng cáo rùm beng, người dân nhao vào mua. Đến khi thấy dấu hiệu không như cam kết ban đầu, người dân tìm hỏi thì công ty đó đã… đổi tên.

Khi dịch bệnh xảy ra, việc thu thập số liệu lấy mẫu cũng gặp khó. Ông Hồ Văn Cây, Phó trưởng Trạm Thú y huyện Cái Nước cho biết, dịch bệnh trên tôm công nghiệp giai đoạn 20 – 45 ngày tuổi có nhiều nguyên nhân (vi khuẩn, vi rút…) nhưng đều cho là bệnh gan tụy để được hỗ trợ Chlorine xử lý dịch bệnh.  

Cải tạo ao nuôi đúng quy trình góp phần cho vụ mùa thành công – Ảnh: Lữ Hoàng

Quy định của ngành nông nghiệp, những hộ nuôi tôm trong quy hoạch thì được hỗ trợ Chlorine để dập dịch, xử lý; trong khi, những hộ nuôi ngoài quy hoạch chiếm diện tích lớn không được hỗ trợ. Phần lớn người nuôi, do thiếu vốn, sẵn sàng chi vài trăm ngàn đồng để bơm thẳng nước ra sông chứ không chi 4 – 5 triệu đồng mua hóa chất xử lý trước. Vậy là thúc đẩy vi khuẩn, vi rút tồn lưu, phát triển. Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau cũng nhận định môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm do chính hộ nuôi tạo ra.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y huyện Cái Nước, ông Nguyễn Thành Huy chia sẻ, nội dung báo cáo về dịch bệnh, diện tích tôm nuôi bị chết của cán bộ phụ trách nuôi trồng, thú y, khuyến nông đến chính quyền địa phương nhiều khi không giống nhau.

Bên cạnh đó, năng lực cán bộ cơ sở ngành nông nghiệp còn nhiều hạn chế, nhưng yêu cầu kĩ thuật ngày càng cao, diện tích nuôi tôm ngày càng tăng, dịch bệnh ngày càng phức tạp. Theo ông Nguyễn Văn Thước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau, dịch bệnh còn do nhiều thức ăn tôm giảm chất lượng trong quá trình vận chuyển, bảo quản; các loại thuốc có hàm lượng không đúng như công bố, dẫn đến trị bệnh không trúng, không tới…

 

Lời giải nào?

Tại hội nghị phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, do Sở NN&PTNT Cà Mau tổ chức vừa qua, nhiều giải pháp tích cực được đưa ra thảo luận, nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Quy chế phối hợp các lực lượng trong ngành nông nghiệp được thống nhất ban hành; có sự phân công cụ thể cho cán bộ cấp cơ sở, huyện… trong quá trình theo dõi tôm nuôi, trao đổi thông tin, nhất là số liệu về diện tích tôm nuôi bị thiệt hại phải được thống nhất. Từ đó, giúp xác định nguyên nhân tôm bị bệnh, hướng dẫn xử lý đúng quy trình, góp phần hạn chế dịch lây lan.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y, ông Nguyễn Thành Huy cho biết, để đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi trong 2 ngày nghỉ, Chi cục sẽ có giải pháp khi vùng nuôi đã công bố dịch. Chi cục sẽ phân công cán bộ hoạt động xuyên suốt và có phụ cấp cho họ.

Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau, nêu giải pháp: Để hạn chế dịch bệnh thì phải có quy trình mới, như nhiều hộ nuôi hiện nay dành một ao nuôi cá rô phi mật độ dày, hay bao ví lại trong ao nuôi tôm, tạo ra môi trường nước tốt cho tôm nuôi phát triển. Giảm được khí độc, dịch bệnh, thậm chí nhiều hộ một năm chỉ nuôi một vụ tôm, một vụ cá rô phi. Việc trồng cây xanh, cỏ quanh bờ ao thay cho lót bạt bờ, giúp cải tạo môi trường sinh thái, tăng hiệu quả nuôi.

Mô hình quản lý cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh ở huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau là được đánh giá cao. Theo ông Trần Quốc Yên, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, mỗi hộ nuôi khi triển khai mô hình NTCN đều ký cam kết bảo vệ môi trường vùng nuôi. Mỗi ấp đều có “Tổ Môi trường”, với sự tham gia của đoàn viên thanh niên địa phương. Vừa qua, đã phạt hành chính những hộ cố tình xả thải ra sông khi tôm bị dịch bệnh; từ đó, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân NTCN được nâng cao.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau khẳng định, số liệu báo cáo không chính xác do công tác phối hợp của cán bộ cơ sở chưa tốt, trách nhiệm chưa cao. Hy vọng, từ quy chế phối hợp này, có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, phòng Nông nghiệp các huyện và trách nhiệm người dân, dịch bệnh trên tôm sẽ được kiểm soát.

>> Thực hiện theo mô hình được hướng dẫn, trên cơ sở thực thi đồng bộ cơ chế phối hợp do Sở NN&PTNT ban hành, có thể tin công tác phòng chống dịch bệnh của các ngành, các cấp và người dân nuôi tôm sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, giúp ngành nuôi thủy sản phát bền vững hơn.

Diệu Lữ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!