Đồng Nai lụi tàn dần những vùng đặc sản: Chặt bỏ quýt, lấp ao tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Đầu tư cho các loại đặc sản thường đòi hỏi nhiều vốn liếng, công sức hơn bình thường. Vì vậy, khi giá bán biến động vài mùa là nhiều nông dân “kiệt sức”, không thể neo sản phẩm lại chờ giá lên, mà đối phó bằng cách chuyển mô hình. Điều này cũng xảy ra ở 2 loại đặc sản nổi tiếng là quýt đường Long Thành, Tân Phú và tôm càng xanh Nhơn Trạch.

Ở  khu vực ấp 7, xã Bình Sơn và ấp Bàu Tre (xã Bình An) của huyện Long Thành đã từng một thời nổi tiếng với cây quýt đường, thế nhưng danh tiếng loại cây này giờ chỉ còn là dĩ vãng.

Quýt đường hết ngọt

Đến vùng trồng quýt nổi tiếng này, giờ đây chỉ thấy những vườn cà phê, cao su và các loại cây ăn trái khác. Cây quýt đã bị xóa sổ nhiều năm nay. Đường vào nơi đây đã được trải nhựa khá đẹp, không còn bụi mù đất đỏ như xưa. Nhưng nhiều năm nay, những ngày gần tết không còn thấy được cảnh quýt chín trĩu cành, thương lái tấp nập tới mua nữa. Chị Nguyễn Thị Thu cho biết, trước đây chị chỉ có 200 cây quýt nhưng mỗi năm cũng cho thu hoạch hơn 10 tấn trái, thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhưng 6 năm trước, chị đã chặt bỏ để chuyển sang trồng sầu riêng và đến nay, sầu riêng cũng bị chặt bỏ.

Anh Nguyễn Văn Long ở xã Phú Xuân, huyện Tân Phú là một trong số ít hộ còn giữ được vườn quýt cho năng suất cao và ít sâu bệnh. 

Anh Nguyễn Văn Long ở xã Phú Xuân, huyện Tân Phú là một trong số ít hộ còn giữ được vườn quýt cho năng suất cao và ít sâu bệnh.

Năm 2008, Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh Đại Phước bị xóa sổ. Bên kia sông, cù lao Đại Phước cũng bị giải tỏa, giao đất cho dự án và các hộ nuôi tôm ở đó cũng dẹp nghề. Ông Dương Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Phước, cho biết hiện toàn xã chỉ còn 140 hécta đất sản xuất nông nghiệp. Ngày trước, chỉ một mình ấp Cù Lao đã tới 750 hécta, các ấp khác, như: Phước Lý, Bến Cộ nữa lên đến trên 1.000 hécta.

Ở đây, những người trồng quýt nổi tiếng như ông Nguyễn Văn Hà thừa nhận, trồng cây quýt ở đây cho thu hoạch trong khoảng 15 năm. Năm 2007, ông cũng phải chặt bỏ vườn quýt hơn 1 hécta. Theo ông Hà, đầu tư vào quýt rất tốn kém, nên khi quýt kém năng suất là người dân chặt bỏ ngay vì kéo dài có thể bị lỗ. Những vườn quýt nổi tiếng một thời tại ấp 7 – Bàu Tre như vườn ông Nguyễn Văn Ga, Huỳnh Văn Hồng hay anh Lý Hoàng Dũng, Phan Viết Hùng… đến nay chỉ còn trong ký ức mọi người. Lý do nông dân ở đây không phục hồi lại cây quýt là do chi phí đầu tư lớn và nguồn lao động cho nông nghiệp ở Bình Sơn hiện nay không còn. Hầu hết thanh niên đã vào các khu công nghiệp để làm việc hoặc đi làm nơi xa.

Tương tự, 2 vùng trồng quýt đường nổi tiếng khác là Định Quán và Tân Phú hiện cũng đang bị sụt giảm diện tích một cách nhanh chóng. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, xã Núi Tượng (huyện Tân Phú) người từng nổi danh với cây quýt đường, ngậm ngùi nói: “Mấy năm nay, quýt đường có giá nhưng cây bị sâu bệnh nhiều, năng suất thấp nên tôi đã chuyển hơn 10 hécta sang trồng rừng. Diện tích quýt còn lại chỉ vài hécta”.

Đô thị hóa “phá” ao tôm

Xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) có sản phẩm nổi tiếng là tôm càng xanh. Lúc hưng thịnh, nơi đây có gần 50 hộ nuôi tôm tập trung ở ấp Phước Lý và ấp Cù Lao. Ở Phước Lý, các hộ nuôi tôm đã thành lập hẳn một tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 10 tấn tôm.

Ông Hồ Phú Yên (phải) bên ao nuôi tôm hiện chỉ để nuôi cá sông. 

Ông Hồ Phú Yên (phải) bên ao nuôi tôm hiện chỉ để nuôi cá sông.

Ông Đỗ Trọng Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, cho biết khoảng 3 năm nay, diện tích quýt đường trong xã đã giảm từ 1,1 ngàn hécta xuống chỉ còn 500 hécta. “Đầu tư lớn, giá bấp bênh khiến nhiều người bỏ quýt trồng xoài, chỉ một số “đại gia” trường vốn mới có thể giữ lại loại cây đặc sản này” – ông Tính nói.

Ông Nguyễn Văn Dừa, một người dân trước đây từng nuôi tôm càng xanh ở ấp Phước Lý, kể: “Con tôm càng xanh bắt đầu được nuôi từ năm 1994 – 1995, khi đó một số hộ sống gần sông Đồng Nai đi đánh bắt thủy sản, bắt được tôm càng xanh nhỏ, ăn thì tiếc, bèn bỏ vào ao. Cuối năm, khi xả nước bắt cá, thấy những con tôm thả vô rất lớn, vậy là mọi người nghĩ đến chuyện nuôi. Ao tôm không phụ lòng người, con tôm càng xanh ở đây cho lợi nhuận hơn hẳn những vật nuôi cây trồng khác. Năm 2000, giá tôm ở đây từ 100 – 120 ngàn đồng/kg, mỗi héc ta mặt nước nuôi tôm càng xanh ở đây cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Số hộ nuôi tôm sau đó gia tăng mạnh mẽ, hình thành vùng đặc sản nổi tiếng. Điều đáng chú ý là tôm càng xanh nuôi ở vùng Đại Phước rất ngon, giống tôm tự nhiên nên giá lúc nào cũng cao hơn tôm càng xanh nuôi ở nơi khác từ 5-10%.

Thế nhưng 5 năm nay, con tôm  đã “mất tích” ở đây, các ao tôm đã biến thành khu dân cư. Năm 2007, Nhơn Trạch lên cơn sốt đất, các hộ dân từ TP.Hồ Chí Minh đổ xô về đây mua đất, người thì mua ở, người thì đầu cơ. Giá đất cao chưa từng thấy, biến động liên tục, mỗi sào đất ở đây lúc đó lên đến 700 – 800 triệu đồng, các hộ dân thi nhau bán, những ao tôm cũng bị bán theo. Đơn cử như ông Dừa, bán hết 6 sào ao được 4 tỷ đồng, một số tiền ông “mơ cũng không thấy”. Ông Hồ Phú Yên, một hộ nuôi tôm, nói: “Đầu tiên mấy hộ nuôi tôm phía ngoài bán, sau đó các hộ khác bán theo. Bán riết rồi giải thể tổ hợp tác luôn, đến nay còn có 2 ao: một cái của tôi và một của người em nhưng cũng không còn nuôi tôm. Ngày trước, đông người nuôi nên mua tôm giống, thức ăn cho tôm và bán tôm có người đến tận nơi, còn bây giờ rất khó”.

>> “Xóa trắng” sầu riêng Phú Hội

Ở huyện Nhơn Trạch, sầu riêng xã Phú Hội cũng thuộc hàng đặc sản. Sầu riêng nơi đây khác hẳn những nơi khác là ngoài vị ngọt bùi và béo thì còn hơi nhân nhẫn đặc trưng. Sầu riêng Phú Hội từng đạt giải tại hội thi đấu xảo trái cây  “Trái ngon giống tốt” tại TP.Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thế Ly, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội, cho biết ngoài giống thì nguồn nước và chất đất nơi đây khác biệt nên tạo ra trái sầu riêng có vị đặc trưng. Lúc cao điểm, diện tích sầu riêng ở Phú Hội lên đến hàng chục hécta, nhưng hiện tại cây sầu riêng ở đây chỉ còn rất ít, chủ yếu một số gia đình cố giữ lại vài cây để ăn. Nguyên nhân diện tích sầu riêng ở đây giảm mạnh, một phần do đất bị đô thị hóa, một phần cây chết bởi nước từ các khu công nghiệp tràn về. Tương tự, vùng sầu riêng Long Thành cũng đã biến mất. Theo Phòng Nông nghiệp – phát triển nông thôn huyện Long Thành, trước đây tại xã An Phước diện tích sầu riêng có khá nhiều, phần lớn được trồng từ trước năm 1975 và trở thành vùng trái cây nổi tiếng đến năm 2005. Hiện sầu riêng nơi đây đã già cỗi, năng suất thấp, nhiều chủ vườn chặt bỏ chuyển sang trồng măng cụt, dâu.

Nhóm PV Kinh tế

Báo Đồng Nai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!