(TSVN) – Huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp có khoảng 723 hecta nuôi trồng thủy sản, với 1.015 lồng, bè, vèo, bồn. Trong đó, có gần 310 hecta tôm càng xanh, trên 358 hecta cá tra, 10 hecta cá lóc, 1,2 hecta cá sặc rằn và hơn 44 hecta cá rô đồng, cá rô phi, cá hường, cá trê các loại.
Tính đến đầu tháng 3/2024, nông dân trong huyện đã thu hoạch được 15.365 tấn cá tra thương phẩm, hơn 308 tấn tôm và hơn 73 tấn cá, lươn các loại. Nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đến tận nơi thu mua cá lóc với giá dao động từ 35.000đ – 40.000đ/kg, giá cá tra thương phẩm từ 29.000 – 29.500đ/kg, tôm giá dao động 87.000đ/kg, cá điêu hồng 27.000 đồng/kg… Đa số người nuôi cá lóc và lươn ở huyện Tam Nông cho biết: Với giá bán hiện nay, trung bình 1 tấn cá lóc hay 1 tấn lươn thương phẩm, người nuôi sẽ có lãi từ 1,5 – 3 triệu đồng… Tuy nhiên hiện nay, nắng nóng, hạn hán diễn biến bất thường, nước trên các tuyến kênh, mương cạn kiệt, gây tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh tấn công trên đàn thủy sản nuôi.
Người nuôi cần chủ động phòng ngừa dịch bệnh trong mùa hạn hán
Thạc sĩ Lâm Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Nông cho biết: Qua kiểm tra đánh giá, phân tích cho thấy đa số các chỉ tiêu quan trắc tại các kênh rạch gần đây trên địa bàn Huyện vượt so với giới hạn quy chuẩn, chất lượng nguồn nước chưa được đảm bảo. Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nước trên các kênh, mương bị cạn kiệt do hạn hán, bên cạnh đó đang vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ nước có nhiều biến động làm thủy sản nuôi dễ bị sốc nhiệt và giảm sức đề kháng, là điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Đặc biệt, nhiều tác nhân gây bệnh cùng lúc như: bệnh ký sinh trùng gây ra các vết lở loét tạo điều kiện cho các vi khuẩn dễ xâm nhập. Các loại thủy sản như: cá, tôm, lươn, ếch thường có triệu chứng lở loét, xuất huyết, trương phình bụng, bỏ ăn,…
Để bảo vệ sức khỏe thủy sản nuôi, hạn chế bệnh trong thời gian này, người nuôi cần thường xuyên theo dõi, chủ động cung cấp nước vào ao hoặc thay nước. Phải xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi với các sản phẩm hấp thu khí độc, cung cấp oxy; Khử trùng nước ao nuôi bằng một trong các loại như: BKC, Benkocid, vôi, Chlorine, Đồng Sunfat,… Định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vitamin, khoáng chất… nhất là vitamin C và Beta glucan vào khẩu phần ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng. Theo dõi và điều chỉnh khẩu phần ăn cho cá phù hợp.
Các vùng nuôi và cơ sở nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu cần thực hiện các quy định về vùng nuôi đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính Phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Người nuôi cần quan tâm theo dõi bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường đăng trên trang web của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp để có giải giáp xử lý kịp thời. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường cần thông báo kịp thời với Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn hoặc Tổ Thú y huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và PTNT Huyện để được hướng dẫn. Khi bệnh xuất hiện cần sử dụng các kháng sinh đặc trị…
Trần Trọng Trung