(TSVN) – Tận dụng lợi thế “tài nguyên bản địa”, chị Dương Thị Hồng Chuyên ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Cơ sở sản xuất cá khô các loại với thương hiệu “Ba Khía”.
Lúc đầu, chị Chuyên chỉ sản xuất khô cá lóc, khô cá chốt… mang tính nhỏ lẻ để ăn trong gia đình và bán cho một số bà con thân thuộc. Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên quý này và với những trăn trở “làm thế nào để phát huy nguồn lợi thủy sản của địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra những sản phẩm khác biệt so với các sản phẩm cùng loại”…, chị Chuyên đã nảy sinh ý tưởng chế biến cá khô để vừa giữ nghề truyền thống của ông bà, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và tạo việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển. Năm 2017, Dương Thị Hồng Chuyên quyết định thành lập Cơ sở sản xuất cá khô các loại mang thương hiệu Ba Khía!
Sản phẩm mang thương hiệu Ba Khía
Từ khi thành lập cơ sở đến nay, khô cá mang thương hiệu Ba Khía luôn được làm bằng thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời, có nhà lưới bao bọc xung quanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có hương vị thơm ngon đặc trưng nên khách hàng rất ưa chuộng.
Đến cơ sở sản xuất khô Ba Khía vào thời điểm này, mọi người sẽ chứng kiến cảnh tất bật làm ra sản phẩm để cung cấp cho thị trường Tết… Chị Chuyên cho biết: Đặc sản Khô Ba Khía không phải nguyên liệu làm từ con Ba Khía mà sản phẩm sản xuất ra từ các loại cá đồng tươi roi rói, sau khi chế biến phơi khô thành phẩm đóng gói đặt tên “Khô Ba Khía”! Hiện tại, cơ sở đã có 50 đại lý phân phối sản phẩm trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp gồm: các khu du lịch, tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Hậu Giang, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các đầu mối bán sỉ, lẻ tại các chợ Hồng Ngự, Tân Hồng, thành phố Cao Lãnh và các Trạm dừng chân của các chuyến xe khách đường dài…
Chị Dương Thị Hồng Chuyên – chủ cơ sở
Bên cạnh đó, cơ sở còn tham gia xúc tiến đầu tư sản phẩm trong và ngoài tỉnh, các phiên chợ xanh an toàn, phiên chợ xanh tử tế, hội chợ… Đặc biệt, cơ sở có liên kết đầu ra ổn định cho sản phẩm hướng nâng dần giá trị sản phẩm theo chuỗi giá trị. Cách thức bán hàng được chị Chuyên phục vụ ân cần, chu đáo và có khuyến mại; giao hàng theo yêu cầu và bán hàng qua điện thoại, mạng xã hội… Giá bán ổn định phù hợp so với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Hình thức quảng cáo sản phẩm của cơ sở cũng rất đa dạng, thực hiện theo phương thức: “sản phẩm tìm đến khách hàng, sau đó khách hàng sẽ tìm đến sản phẩm”.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm Ba Khía
Với hình thức quảng bá, cách thức bán hàng như trên và chất lượng của sản phẩm được đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm làm ra không đủ bán. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất khô Ba Khía đã xuất bán từ 1 – 1,5 tấn khô cá các loại, doanh thu mỗi tháng từ 200 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, cơ sở còn tận dụng các phế phẩm sau khi sản xuất khô thành phẩm xong như: đầu cá, ruột cá… bán cho các hộ nuôi thủy sản xay thành viên làm thức ăn cho cá, lươn, ba ba, rắn… nhằm tái sản xuất, tăng thu nhập và giải quyết được vấn đề về môi trường trong sản xuất. Trong một năm, lợi nhuận từ nguồn phế phẩm này của cơ sở cũng đạt 200 triệu đồng… Hiện tại, cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 15 lao động phổ thông ở địa phương.
Bình quân cứ 4 – 5 kg cá lóc đồng, cá chạch, cá chốt tươi sẽ làm ra được 1 kg cá khô và phơi từ 3 – 4 nắng mới xuất bán. Sản phẩm khô cá lóc phi lê, cá lóc xẻ, cá lóc cửng, cá kết, cá chạch, cá chốt xẻ, cá cơm của cơ sở sản xuất khô Ba Khía đều được đưa vào bao bì, dán nhãn hiệu, ép chân không cẩn thận, không chất bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm và giá bán phải chăng. Nhiều khách hàng thưởng thức khô cá của cơ sở sản xuất khô Ba Khía đều khen hương vị thơm ngon, đậm đà, an toàn thực phẩm….
Trưởng Cụm thi đua số 3 tặng thưởng Giấy khen tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước
Sản phẩm cá khô mang thương hiệu Ba Khía của chị Chuyên đã được công nhận là “sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp huyện và cấp tỉnh năm 2020” và sản phẩm khô cá lóc rim me ăn liền cũng được chứng nhận OCOP xếp hạng 3 sao. Chị cho biết: “Cơ sở tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký thêm 4 sản phẩm: khô nhái rim xã ớt, khô cá lóc phi lê, chà bông cá lóc và cá chốt rim me để được công nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp huyện và cấp tỉnh và được chứng nhận OCOP…”
Sau hơn 5 năm khởi nghiệp, cơ sở sản xuất khô Ba Khía đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Nổi bật là đạt giải nhất và giải ba tại cuộc thi chung kết ý tưởng dự án khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn Đồng Tháp tổ chức năm 2018 và năm 2020; sản phẩm vào vòng chung kết toàn quốc do Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp BSA tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, được Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ trao tặng suất đào tạo ngành thương mại quốc tế tại các nước trong khu vực Chấu Á năm 2019; và đoạt giải nâng cao năng lực sản xuất năm 2020 tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng… Cơ sở còn được tặng bằng khen “dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019, năm 2020” của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS HCM; Bằng khen UBND tỉnh Đồng Tháp và các Giấy khen của Tỉnh Đoàn, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp về thành tích xuất sắc trong thực hiện khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019 và 2020. Mới đây, tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước cụm thi đua số 3 gồm: các huyện Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình và Hồng Ngự, cơ sở sản xuất khô Ba Khía đã được chọn trình bày báo cáo tham luận điển hình tiên tiến và được Trưởng Cụm thi đua số 3 tặng thưởng Giấy khen kèm hiện vật.
Trần Trọng Trung
(Bài và ảnh)