Đồng Tháp: Hiệu quả trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, người dân đã áp dụng mô hình trồng lúa nuôi cá, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, làm cơ sở tiến tới nhân rộng mô hình trên địa bàn.

Hiệu quả gấp 3 – 4 lần

Thay vì chỉ sản xuất 2 vụ lúa trong năm, anh Nguyễn Văn Vương ở ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) kết hợp mô hình trang trại nuôi cá đồng – nuôi vịt và trồng lúa, mang lại hiệu quả gấp 3 – 4 lần so với cách làm lúa truyền thống. Nuôi cá đồng kết hợp nuôi vịt và trồng lúa của anh Văn Vương được xem là mô hình sinh kế bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Gia đình anh Vương có 3 ha đất trồng lúa, mỗi năm canh tác 2 vụ lúa nhưng thu nhập mang lại chưa đạt như mong đợi do giá lúa bấp bênh, chi phí sản xuất cao.  Năm 2019, được ngành nông nghiệp huyện khuyến khích thực hiện mô hình sinh kế mùa lũ kết hợp nuôi vịt – cá trên nền đất lúa với mức hỗ trợ 50% chi phí cùng với việc nhận thấy hiệu quả từ mô hình, anh Vương đăng ký và thuê 10 ha đất để thực hiện mô hình. Bắt tay thực hiện mô hình, anh Vương lên đê bao lửng xung quanh diện tích 10 ha và đào 2 ao để trữ cá đồng, phía trên ao làm chuồng nuôi vịt.  Năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh Vương chủ yếu cho cá đồng tự nhiên vào nuôi. Tuy nhiên, năm đó lũ về ít, cá đồng không nhiều nên lợi nhuận thu được chưa cao, khoảng 120 triệu đồng/10 ha. 

Rút kinh nghiệm vụ đầu, vụ thứ 2, anh ương thêm cá lóc trong ao để vào tháng 10 âm lịch, nước lũ rút sẽ thả cá lóc ra ruộng lúa kết hợp cùng lượng cá đồng từ ngoài vào để tăng sản lượng. Với cách làm trên, vụ thứ 2, anh thu nhập trên 200 triệu đồng tiền bán cá đồng. Đối với vịt, mỗi vụ lúa anh thả 3.000 con, chia làm 2 đợt. Đợt đầu, sau khi gieo sạ 10 ngày, lúc rễ lúa đã vững, anh thả vịt vào. Vịt được thả liên tục trong 75 ngày, sau đó sẽ xuất bán. Tùy thuộc vào thị trường, nếu giá vịt trên 40.000 đồng/kg, người nuôi mới có lời, do vịt chủ yếu được nuôi bằng thức ăn. Riêng đối với đợt vịt thứ hai, khi lúa còn khoảng hơn 10 ngày nữa thu hoạch, anh tiến hành cho ấp vịt trong chuồng. Khi vịt được gần 20 ngày sẽ thả ra đồng ăn lúa đổ.

Các mô hình nuôi lúa – cá, lúa – cá – vịt góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm tình trạng ruộng bị bỏ hoang tại một số địa phương. Ảnh: KNDT

Theo anh Vương, lợi ích của việc nuôi vịt trong mô hình đó là số lượng vịt ít bị hao hụt so với nuôi chạy đồng. Phân vịt trực tiếp là phân hữu cơ bón ruộng, cũng là thức ăn cho cá, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các loài sâu rệp, ốc bươu và địch hại được vịt, cá diệt trừ, từ đó giảm chi phí sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu.

Hiện với mô hình nuôi cá đồng – nuôi vịt – trồng lúa, mỗi năm 2 vụ lúa, anh Vương nuôi 6.000 con vịt (chia làm 4 đợt), vịt được xuất bán mỗi vụ 2 lần, cá đồng được trữ trên ao được bán quanh năm. 

Đối với canh tác lúa, nhờ giảm được lượng giống, phân và không dùng thuốc trừ sâu nên giảm được 30% chi phí sản sản xuất. Tính chung, hàng năm, doanh thu cả mô hình lên đến vài trăm triệu đồng.

Theo anh Vương, dù kế hoạch dự án chỉ hỗ trợ đến năm 2022 nhưng anh vẫn tiếp tục thực hiện mô hình này. Về lâu dài, đây là mô hình ưu việt, nông dân không thể độc canh cây lúa mà phải biết kết hợp các yếu tố trên đồng ruộng nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình…

Bảo vệ môi trường sinh thái

Hay như mô hình của anh Nguyễn Đức Trí ngụ khóm 1, phường An Bình B, TP Hồng Ngự. Anh Trí cho biết, vụ lúa đông xuân 2021 – 2022, anh quyết định chuyển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp thả cá nuôi trên đồng. Sau khi tham quan học tập mô hình canh tác lúa – cá tại các địa phương lân cận, anh thực hiện trên 5 ha ruộng của gia đình. Ngoài ra, anh còn đầu tư làm đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống thủy lợi, chia diện tích ra 2 phần, 1 phần đào ao nuôi cá, 1 phần trồng lúa.

Vụ đầu tiên, anh Nguyễn Đức Trí thả trên 4 tấn cá giống các loại như: cá mè vinh, cá rô, cá trê… Ngoài lượng thức ăn công nghiệp, nguồn thức ăn cho cá còn được tận dụng từ những diện tích cỏ mọc hoang. Sau 3 tháng nuôi, cá phát triển tốt. Bên diện tích lúa, anh Trí gieo sạ giống lúa ST 25, áp dụng hoàn toàn phương pháp hữu cơ.

Theo anh Trí, việc nuôi cá và lúa mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh. Cá ăn sâu bệnh hại nên lúa ít bị sâu bệnh, cá sục bùn diệt cỏ dại. Các chất thải của cá có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn của ruộng, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi, giảm lượng phân bón, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ và công làm đất. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được chi phí thức ăn; việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm chi phí trong quá trình canh tác.

Theo Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự, mô hình của anh Trí không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học nên sẽ sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Phòng Kinh tế thành phố sẽ hỗ trợ mô hình trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm để nâng cao giá trị. Nếu hoạt động có hiệu quả, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện để nhân rộng mô hình; tiếp tục tìm tòi những mô hình mới, phù hợp để đưa vào sinh kế tận dụng thời gian đất đai nhàn rỗi, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!