Lĩnh vực khai thác thủy sản đã phát triển lên một bậc, tuy nhiên, giá trị ngành này mang lại vẫn chưa như kỳ vọng, lý cho chủ yếu là chất lượng khai thác không đảm bảo. Để tăng cao giá trị ngành hàng này, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật là cần thiết.
Bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ
Bất cập
Tại Diễn đàn Khuyến nông @nông nghiệp “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức mới đây; ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản phân tích, hiện nay, hầu hết các tàu đều đóng bằng gỗ, chỉ 332 tàu vỏ thép và 155 tàu đóng vật liệu composite, do đó tuổi thọ và độ an toàn thường thấp, khả năng cơ giới hóa các khâu sản xuất trên tàu cũng bị hạn chế. Máy tàu được dùng phần lớn là máy cũ hoặc dùng máy ô tô vận tải hạng nặng đã cũ để lắp xuống tàu (88,6% tàu xa bờ dùng máy cũ). Các tàu đánh cá chỉ có hầm chứa nước, đá, muối và thường chưa đạt tiêu chuẩn cách nhiệt, chưa có hệ thống bảo quản lạnh hiện đại, không đủ cung cấp chuyến biển dài ngày.
Về bảo quản sản phẩm sau khai thác, theo ông Tuấn, ngư dân vẫn chủ yếu dùng nước đá lạnh, nhiệt độ của cá thường dao động từ 0 – 50C, thời gian bảo quản cho phép không quá 10 ngày, tốt nhất là 7 ngày, đá sử dụng là đá xay, nhiều nơi chất lượng vệ sinh thấp, độ lạnh chưa sâu, dẫn đến thời gian bảo quản ngắn. Những năm gần đây, ngư trường cạn kiệt, ngư dân phải mở rộng ngư trường, thời gian chuyến biển dài từ 45 – 60 ngày/chuyến biển, thời gian sản phẩm bị lưu giữ trên tàu lâu hơn làm tổn thất (20 – 30%) và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi về bến.
Ngư dân Đỗ Văn Hải (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chủ tàu QNg 90971 TS, công suất 250 CV, cho biết: “Tàu hoạt động vùng biển Hoàng Sa, vì tàu nhỏ nên các trang thiết bị không đầy đủ, việc bảo quản hải sản vẫn dùng đá xay, cứ mỗi chuyến đi tốn gần 300 cây đá, bảo quản 17 ngày trên biển. Mặt khác, chi phí cho chuyến biển lớn, nếu đầu tư máy móc thì không có kinh phí, do vậy, tôi vẫn dùng máy cũ và phương pháp truyền thống”.
Ở các tỉnh miền Bắc, ngư dân thường dùng muối đá trộn lẫn với cá, trong khi ngư dân phía Nam thường chứa cá trong túi nilon rồi được xếp thành lớp xen kẽ với đá xay. Những loài tôm, cá, mực có giá trị kinh tế cao thường được xếp trong các khay hoặc thùng riêng; tuy nhiên, việc thiếu các khay để bảo quản nên thường các khay chứa một lượng cá nhiều hơn định mức dẫn đến cá bị bầm dập trước khi về đến bờ.
Nếu chỉ dùng công nghệ cũ, đóng các hầm xốp trắng, cao su xốp thì mức độ tổn thất sau khai thác rất lớn. Các tàu đóng hầm bảo quản bằng công nghệ cũ chỉ sau 3 – 4 năm bị tổn thất nhiệt rất lớn, cứ 3 ngày tổn thất 30% lượng nước đá trong hầm,7 ngày hao hụt mất 50% lượng nước đá mang theo và 10 ngày thì hầu hết đá mang theo tan chảy hết.
Ứng dụng kỹ thuật
Ông Phan Hữu Nhất, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 100 phương tiện được trang bị máy dò ngang cho tàu lưới vây và một số nghề khác. Qua quá trình theo dõi đối với các chủ phương tiện chưa có máy dò ngang, mỗi chuyến biển kéo dài 10 – 25 ngày, số mẻ lưới đánh từ 1 – 3 mẻ/ngày, sản lượng đánh bắt 9 – 11 tấn các loại. Sau khi lắp đặt máy dò ngang, sản lượng đánh bắt đạt 17 – 20 tấn, tăng trên 50%, phí nhiên liệu giảm xuống trên 25%”. Lần đầu tiên ngư dân xã Tịnh Kỳ đưa vào sử dụng hệ thống bảo quản vật liệu PU foam cho 2 tàu cá, việc sử dụng hầm bảo quản này đã giúp ngư dân kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm trên biển từ 6 – 7 ngày đêm lên 20 ngày đêm, chất lượng hải sản sau khai thác tốt, giảm tổn thất sau khai thác xuống dưới 15%.
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện nay, Trung tâm đang triển khai dùng hầm PU foam, tăng chất lượng bảo quản, ứng dụng các thiết bị hiện đại để nâng cao khai thác hiệu quả. Ở các nước tiên tiến thì công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi, còn nước ta mới giai đoạn đầu. Tàu được trang bị bằng PU foam sẽ chủ động thời gian lấy đá, có thể lấy đá trước 2 – 3 ngày so với các tàu khác mà vẫn không bị hao đá, khi tàu về bờ nếu bị ép giá tàu có hầm bảo quản tốt có thể chưa bán vội để vài ngày sau các tàu khác bán hết giá cả nâng lên lúc đó bán được giá. Đồng thời, khi tàu chạy từ biển khơi vào bờ đối với tàu có hầm bảo quản tốt không cần phải chạy nhanh mà chỉ chạy tốc độ vừa phải giảm được chi phí nhiên liệu.
>> Nhiều phương pháp bảo quản sản phẩm trên tàu cá được giới thiệu như thiết bị xử lý, sơ chế sản phẩm, công nghệ sản xuất đá vẩy, nước biển lạnh, thiết bị cấp đông, bảo quản bằng khí Nitơ, công nghệ làm đông tế bào sống. Ngoài ra, thay đổi công nghệ khai thác nghề lưới vây bằng tàu vây mạn sang nghề lưới vây bằng tàu vây đuôi, thay đổi công nghệ nghề câu vàng truyền thống sang nghề câu vàng thu triên tự động bằng tang thành cao… |
Nguyễn Trang