Đừng dồn doanh nghiệp vào đường cùng

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là lời “cầu cứu” của nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống nước lợ, các hiệp hội gửi tới các cơ quan chức năng, nhằm can thiệp kịp thời vấn đề áp thuế và truy thu thuế nhập khẩu đối với mặt hàng trứng Artemia của Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp lo phá sản

Đồng thời, với quy định mới, nếu nhập Artemia ở Mỹ sẽ bị đánh thuế còn nhập ở một số nước trong khu vực thì không. “Điều này sẽ tạo ra một xu hướng quay sang nhập ở các nước lân cận như Thái Lan, tuy nhiên về chất lượng thì không thế bằng Mỹ được. Cũng như, trong tương lai, người sản xuất và người nuôi sẽ dùng thức ăn khác thay vì Artemia, từ đó làm chất lượng con giống giảm sút và dịch bệnh sẽ xảy ra nhiều hơn” – ông Thông cho biết thêm.

Trước đó, hàng loạt các doanh nghiệp, Hiệp hội Tôm Bình Thuận, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam gửi đơn “cầu cứu” lên các cơ quan chức năng, nếu truy thu thuế sẽ rơi vào đường cùng là phá sản nhưng Bộ Tài chính vẫn khẳng định việc truy thu thuế của các doanh nghiệp này là đúng.

Bộ Tài chính cho biết, về phân loại mặt hàng trứng Artemia: Mã số hàng hóa quy định tại Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi Việt Nam và việc phân loại hàng hóa của Hải quan Việt Nam được tuân thủ hoàn toàn theo Công ước quốc tế về mô tả và mã hóa hàng hóa (gọi tắt là Công ước HS); Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN). Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, mặt hàng trứng Artemia còn sống, dùng làm thức ăn cho tôm được phân loại vào nhóm 05.11, mã số 0511.91.00, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 5%. Các quốc gia trên thế giới cũng phân loại thống nhất mặt hàng này vào nhóm 0511. Trên thực tế, đa số các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này đã phân loại đúng.

 “Nếu Bộ Tài chính chỉ giảm từ 5% về 3% thuế nhập khẩu Artemia, các doanh nghiệp sẽ tính đến phương án nhập về Thái Lan rồi chuyển về Việt Nam thì vẫn không phải nộp thuế do được hưởng thuế ưu đãi khu vực ASEAN”,  đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu Artemia cho biết. Theo đại diện các doanh nghiệp, nếu “đi đường vòng” như thế thì Bộ Tài chính cũng không thu được thuế từ nhập khẩu mặt hàng này.

 

Sẽ tiếp tục đấu tranh

Về điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu trứng Artemia từ 5% xuống 3%, Bộ Tài chính cho biết: Theo quy định tại Biểu khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì mặt hàng trứng Artemia có mức cao nhất là 5%, mức cam kết trần WTO là 5%. Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì việc điều chỉnh thuế nhập khẩu mặt hàng này phải đảm bảo tính khả thi và phù hợp với Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 là không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước và mặt hàng này là mặt hàng trong nước đã sản xuất được… Do vậy, trên cơ sở ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, Hiệp hội, Bộ Tài chính thấy cần có mức thuế hợp lý để vừa khuyến khích bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, vừa khuyến khích mặt hàng tôm giống phát triển nên đã ban hành Thông tư số 98/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu trứng Artemia từ 5% xuống 3%.

Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tại Hội nghị quản lý tôm nước lợ giữa tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm làm việc với Bộ Tài chính về vấn đề này.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã có văn bản “bảo lưu” ý kiến không truy thu thuế và đề nghị giảm thuế nhập khẩu Artemia về 0%. Trong đó nêu rõ: “Bộ NN&PTNT một lần nữa đề nghị Bộ Tài chính xem xét, không truy thu thuế và điều chỉnh thuế suất, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng trứng Artemia làm thức ăn cho tôm giống về 0% để hỗ trợ phát triển sản xuất ngành tôm Việt Nam. “Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, nếu Bộ Tài chính không trả lời sớm thì chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp. Đồng thời, nếu làm việc với Bộ Tài chính mà không giải quyết được dứt điểm việc truy thu thuế và giảm thuế nhập khẩu Artemia nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất tôm giống thì Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ”, ông Tám nói.

Theo Bộ NN&PTNT, nếu áp thuế 0% thì sẽ có tác động rất tích cực cho sự phát triển chung của ngành  tôm như: Tăng thu nhập cho người nuôi khi giá nguyên liệu đầu vào giảm (giá giống có thể giảm từ 10 – 15%); thúc đẩy gia tăng, củng cố chất lượng Artemia trong nước nhờ sự cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; chất lượng, số lượng con giống cũng dần được nâng cao, ổn định…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Ngành tôm mỗi năm xuất khẩu 4 tỷ USD nên nếu tính tới thu thuế phải thu ở khâu cuối cùng chứ không thể tính tới có hơn 20 tỷ tiền thuế từ ngay khâu thức ăn cho sản xuất giống.

Thanh Xuân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!