Với mức đóng góp 17,2% về khối lượng và 16% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam, nghề nuôi cá tra ở An Giang vẫn còn lợi thế và tiềm năng lớn. Cùng với duy trì ổn định diện tích cá tra ở mức hợp lý, đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ người nuôi thì việc phát triển hài hòa các loại thủy sản khác cũng rất quan trọng.
Cá tra vẫn là chủ lực
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, những năm qua, dù xuất khẩu cá tra vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng diện tích vẫn được duy trì ổn định. Cụ thể, nếu như năm 2010, diện tích nuôi đạt 998 héc-ta thì đến năm 2013 tăng lên 1.331 héc-ta. Năm 2015, diện tích có giảm nhẹ nhưng vẫn còn 1.233 héc-ta. So với tổng diện tích 2.480 héc-ta nuôi thủy sản năm 2015 của tỉnh, diện tích nuôi cá tra tuy chỉ chiếm khoảng 50% nhưng nhờ năng suất cao, sản lượng cá tra đạt 248.604 tấn, chiếm đến 77,5% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản (324.306 tấn). Các vùng tập trung nuôi nhiều là Chợ Mới (287,55 héc-ta), Châu Phú (273,73 héc-ta)…
Cá tra An Giang còn nhiều lợi thế
Cùng với duy trì ổn định diện tích cá tra, một loại thủy sản khác có tốc độ nuôi tăng nhanh là nuôi cá rô phi trong lồng bè. So năm 2014, thể tích nuôi cá rô phi năm 2015 tăng gấp 2,8 lần, đạt sản lượng 34.065 tấn. Trong tổng số 3.557 lồng bè hiện có (667.944m3), lồng bè nuôi cá rô phi chiếm đến 65,3% (2.322 cái), tập trung ở Chợ Mới (61%) và Long Xuyên (18%). Đây là hướng đi hợp lý bởi nhu cầu nhập khẩu cá rô phi trên thế giới còn rất lớn, trong khi cá rô phi là đối tượng dễ nuôi, phù hợp điều kiện tự nhiên của An Giang. Bên cạnh đó, nhờ chủ động được nguồn giống, diện tích nuôi tôm càng xanh cũng tăng mạnh trở lại, đạt 346 héc-ta, sản lượng 333 tấn năm 2015 và tiếp tục tăng trong năm 2016.
Nuôi trồng thủy sản tại An Giang có nhiều thế mạnh khi có nguồn nước dồi dào, đa dạng loại hình thủy vực, tài nguyên thủy sản phong phú, nông dân thực hiện đa dạng các loài nuôi với nhiều mô hình khác nhau. Ví dụ như nuôi ao, hầm thì có cá tra, cá lóc, cá trê; nuôi ruộng có tôm càng xanh; nuôi lồng bè có cá tra, basa, rô phi, điêu hồng, he vàng, mè vinh, cá chim; nuôi trên bể xi măng, bể lót bạt có lươn, cá lóc. Ngoài ra, còn có mô hình nuôi cá lóc đăng quầng, nuôi các loài đặc sản như ếch, ba ba, cá sấu… Nhờ vậy, nông dân có thể linh hoạt chuyển đổi các đối tượng nuôi tùy theo nhu cầu của thị trường.
Phát huy lợi thế
Theo nghiên cứu của các cán bộ thuộc Khoa Thủy sản – Trường đại học Cần Thơ là Nguyễn Thanh Phương, Phạm Thanh Liêm và Dương Nhựt Long, An Giang có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra khi đứng thứ 2 về diện tích nuôi ở ĐBSCL (sau Đồng Tháp). Người nuôi cá ở An Giang giàu kinh nghiệm, chủ động quy trình kỹ thuật. Tỉnh cũng đã hình thành được chuỗi liên kết người nuôi và doanh nghiệp (Công ty Thuận An). Các doanh nghiệp có vùng nuôi tập trung, đạt các quy chuẩn nuôi (SQF1000CM, GlobalGAP) đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, chủ động nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, An Giang còn có trung tâm giống thủy sản mạnh, chủ động cung cấp nguồn giống nuôi.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, khó khăn lớn nhất của người nuôi hiện nay là thiếu vốn đầu tư, khó tiếp cận vay lãi suất trong khi giá thành sản xuất cao. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát chất lượng và giá bán sản phẩm. Khi xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu vẫn là cá tra fillet, chưa mang lại giá trị gia tăng cho cá tra. Nếu khắc phục được những tồn tại này, ngành cá tra ở An Giang có khả năng phát triển mạnh khi thị trường xuất khẩu thủy sản ngày càng mở rộng, nhất là khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Muốn vậy, tỉnh cần tăng cường liên kết các viện, trường trong việc đưa công nghệ mới vào sản xuất, khuyến khích các công ty chế biến thức ăn thủy sản xây dựng vùng nguyên liệu, hạn chế nhập khẩu nhằm giảm giá thành thức ăn, giảm giá thành đầu vào cho nông dân.
Từ phân tích trên, nhóm nghiên cứu đề nghị tỉnh cần duy trì vị trí chủ lực của cá tra trong cơ cấu sản xuất thủy sản vì người nuôi giàu kinh nghiệm, chủ động được nguồn con giống, còn khả năng tăng năng suất nuôi và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tỉnh cần thực hiện chương trình chọn giống cá tra chất lượng cao nhằm cải thiện tỷ lệ sống, tăng trưởng và khả năng kháng bệnh. Đồng thời, quản lý toàn diện chuỗi ngành hàng cá tra, từ chất lượng cá bố mẹ và con giống, chất lượng, giá thức ăn, thuốc và các sản phẩm hỗ trợ cho đến giá sàn xuất khẩu, phục vụ lợi ích lâu dài, tiến tới xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam. Cùng với cá tra, tỉnh có thể chọn lựa một số loài nuôi có thế mạnh khác (tôm càng xanh, rô phi, lươn, cá lóc…) nhằm đa dạng sản phẩm xuất khẩu; khôi phục, nuôi các loài có giá trị kinh tế cao cho tiêu thụ nội địa. Song song đó là cải tiến hệ thống nuôi, ứng dụng công nghệ tiên tiến (cung cấp oxy, hệ thống lọc tuần hoàn nước…) nhằm tăng sản lượng cá nuôi, giảm sử dụng tài nguyên nước và giảm xả thải ra môi trường. Ngoài ra, cần nghiên cứu các giải pháp sản xuất sản phẩm “hữu cơ” để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu (như sinh sản không dùng kích dục tố)…