Ethoxyquin, vấn đề toàn cầu hóa mới?

Chưa có đánh giá về bài viết

Ethoxyquin – một chất bảo quản vốn vẫn được sử rộng rãi trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng vừa qua, một số nước nhập khẩu tôm của Việt Nam dựng “hàng rào” chất này với hàm lượng rất khắt khe. Sự việc này nhanh chóng gây “tiếng vang” trong dư luận quốc tế, và “cuộc chiến Ethoxyquin” của Việt Nam nổi lên như một vấn đề mới trong thời toàn cầu hóa.

Quy định không giống ai…

Ethoxyquin được sử dụng rộng rãi trong bảo quản bột cá – thành phần chính của thức ăn tôm cá. Hoạt chất này được cả thế giới biết đến và nghiên cứu nửa thế kỷ nay. Người ta cho rằng độc lực của chất này còn thua xa cà phê mà số đông vẫn dùng hàng ngày. Tuy vậy, việc khống chế hàm lượng là điều cần thiết và thế giới đã phổ biến tiêu chuẩn về hàm lượng tồn dư. Việt Nam luôn tuân thủ các tiêu chuẩn này. Bản thân Nhật Bản cũng cho dùng Ethoxyquin trong bột cá (75-150 ppm).

Do vậy, dư luận bất ngờ khi thấy Nhật Bản áp dụng kiểm tra dư lượng Ethoxyquin thấp hơn 10 lần so với EU. Dĩ nhiên người Nhật có thể có tiêu chí riêng, nhưng liệu họ có chứng minh được tiêu chuẩn của EU là một sai lầm cần xóa bỏ hay không? Trong khi các nghiên cứu ở EU và Mỹ đều chấp nhận mức dư lượng cao hơn Nhật Bản 10 lần và kèm theo đó là các công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ.

Theo ông Mai Văn Hoàng, một chuyên gia về thức ăn tôm thì dư lượng Ethoxyquin trong tôm bắt nguồn từ bột cá. Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước đều nhập khẩu bột cá từ các nước chuyên sản xuất bột cá nguyên liệu, nhưng Nhật Bản chỉ kiểm soát chất này trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam, điều này khiến người ta đặt ra câu hỏi về tính công bằng đối với con tôm của Việt Nam?

Ethoxyquin được sử dụng trong bảo quản bột cá – thành phần chính của thức ăn tôm, cá – Ảnh: Huy Hùng

Người nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long rất thất vọng đối với chính sách kiểm định của Nhật Bản. Một thị trường lớn, đồng nghĩa liên quan đến với một vùng nuôi tôm lớn, kèm theo vô số đầu tư và công sức. Việc đột ngột thay đổi chế độ kiểm định và đưa ra những tiêu chuẩn “không giống ai” của các nhà tiêu thụ đã khiến người dân nản lòng. “Tại sao người Nhật không áp dụng những tiêu chuẩn đó sớm hơn, để người dân khỏi đầu tư vào nuôi tôm xuất khẩu cho họ?”. “Tại sao họ lại chỉ áp dụng tiêu chuẩn này đối với tôm Việt Nam?”. Những câu hỏi như thế đang bào mòn niềm tin vào thị trường Nhật và các doanh nhân Nhật Bản.

Một số thông tin cho biết, người nông dân Ấn Độ muốn kiện các doanh nghiệp Nhật Bản về vấn đề Ethoxyquin. Trong thời đại toàn cầu hóa, việc yêu cầu minh bạch và công bằng trong kinh doanh là chuyện bình thường. Một khi bị áp dụng những chính sách bất công, người ta hoàn toàn có thể “trả đũa” bằng cách hạn chế hàng nhập khẩu từ Nhật Bản dựa vào các hàng rào kỹ thuật tương tự. Nhưng phản ứng bằng cách như vậy không ảnh hưởng lâu dài bằng sự xói mòn niềm tin. Chắc chắn người nông dân Ấn Độ cũng đã nghi ngờ về chữ tín trong việc làm ăn với Nhật Bản khi những tiêu chuẩn về Ethoxyquin mà Nhật Bản đưa ra hầu như không thể đáp ứng.

 

Việt Nam ứng phó như thế nào?

Tổng cục Thủy sản Việt Nam đã có Công văn số 906/TCTS-NTTS yêu cầu tăng cường kiểm tra Ethoxyquin, đề nghị cam kết không đưa vào thức ăn chất Ethoxyquin, trên nhãn mác của bao bì thức ăn cần ghi rõ “không chứa Ethoxyquin”.  Trong hội thảo về nuôi tôm nước lợ gần đây, một số doanh nghiệp cho biết đã có quy trình nuôi tôm hầu như không có dư lượng về Ethoxyquin. Điều này cho thấy nỗ lực của nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam trước yêu cầu của Nhật Bản.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Việt Nam có dứt khoát phải ghi rõ sản phẩm  “không chứa Ethoxyquin” hay không? Khi mà cho đến nay vẫn chưa hề có một báo cáo nào về tổn hại sức khỏe mà người dân Nhật gặp phải do ăn tôm có dư lượng Ethoxyquin cao hơn 0,01 ppm. Thậm chí, Monsanto,một nhà sản xuất chính của Ethoxyquin, khẳng định: “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Ethoxyquin dọn sạch các sản phẩm có hại của quá trình ôxy hóadẫn đến duy trì tính toàn vẹn của tế bào, làm giảm nguy cơ ung thư”. Thêm nữa không phải đơn giản mà Ethoxyquinđược FDA (America Food and Drug Administration) cho phépsử dụngtrongthức ăn chăn nuôi hơn 3 thập kỷ qua.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các nhà quản lý và xuất khẩu của Việt Nam không nên giơ lưng chịu trận mà cần có những hội thảo, các trao đổi khoa học với phía Nhật Bản để làm sáng rõ những khúc mắc kỹ thuật, tạo sự yên tâm đối với người nuôi trồng trong nước.

>> Để tránh Ethoxyquin trở thành rào cản nhập khẩu, các nhà khoa học và quản lý của Nhật Bản cần có sự tương tác với các nhà nghiên cứu trên thế giới, để xác định tồn dư của Ethoxyquin ở mức hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm tạo ra một thị trường xuất nhập khẩu tôm bền vững và đảm bảo tốt quyền lợi của cả người nuôi và người tiêu dùng.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!