(TSVN) – Một trong những thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong năm qua (đặc biệt là trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19) chính là việc hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới mà điển hình là lĩnh vực thủy sản. Có thể thấy, chính hoạt động giao thương này được mở rộng, đã tạo đà phát triển cho sản xuất trong nước, nâng cao vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Theo Bộ NN&PTNT, trong những năm qua, ngành thủy sản đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Giai đoạn 2010 – 2020, giá trị sản xuất thủy sản đạt tăng trưởng 5,2%/năm, kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trung bình 6,1%/ năm.
Trong hơn 20 năm qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng mạnh mẽ, với mức tăng trưởng trung bình 13%/năm, từ hơn 600 triệu USD lên gần 9 tỷ USD, thành tựu này có vai trò đồng hành và đóng góp đáng kể của việc tham gia tiến trình hội nhập quốc tế của thủy sản Việt; sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu hơn 170 thị trường trên thế giới. Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, tạo công ăn việc làm cho hơn 4 triệu người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản ở các tỉnh ven biển và trong nội địa.
Việt Nam đã xây dựng được những “cao tốc” đến nhiều thị trường lớn trên thế giới thông qua các FTA. Ảnh: Vũ Sinh
Theo Bộ Công thương, Việt Nam thay đổi vai trò từ nước chịu nhiều sức ép mở cửa hội nhập, đến nay chúng ta đang đóng vai trò dẫn dắt quá trình hội nhập, thể hiện ở nhiều hiệp định song phương và đa phương đã được ký kết trong thời gian qua. Tính đến nay, nước ta đã ký kết 14 FTA khu vực và song phương; đang đàm phán 2 hiệp định với các đối tác khác. Có thể thấy, sự hội nhập của Việt Nam đã đi vào thực chất và len lỏi tới từng lĩnh vực kinh tế cũng như đời sống, xã hội của doanh nghiệp và người dân. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia…
Năm 2020, một số FTA được ký kết đó là EVFTA, RCEP, EVIPA, UKVFTA… trong đó EVFTA được kỳ vọng mang lại nhiều thuận lợi nhất cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung trong đó có thủy sản.
EVFTA đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020 giúp đưa thuế nhập khẩu về 0% ngay lập tức với 71% hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam và với 100% hàng hóa trong lộ trình 7 năm tới. Ngân hàng Thế giới ước tính, EVFTA sẽ làm tăng thêm 2,4% tăng trưởng GDP của Việt Nam; xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 12% và giúp 800.000 người được thoát nghèo.
Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, tính đến hết tháng 11/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 54.000 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 2,1 tỷ USD đi 28 nước bao gồm EU-27 và Anh; với các mặt hàng như giày dép, thủy sản, sản phẩm nhựa, hàng dệt may, rau quả…
EVFTA đã mở ra cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhất là trong bối cảnh chịu tác động lớn từ đại dịch COVID-19; nhiều doanh nghiệp Việt đã tận dụng được thời cơ vàng này để đẩy mạnh xuất khẩu, nên trong cuối năm 2020 và đầu năm 2021 giao thương thủy sản đón nhận nhiều tin vui. Điển hình các lô hàng tôm, cá tra, cá ngừ của các doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường EU, mở ra một tín hiệu sáng cho ngành thủy sản, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Theo VASEP, thủy sản được đánh giá là một trong 3 ngành hàng tận dụng tốt EVFTA ngay từ khi hiệp định chính thức có hiệu lực. Như ghi nhận của VASEP, suốt 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản giảm liên tục 2 con số từ 17 – 26%, chưa bao giờ mức giảm lại thê thảm như vậy. Tuy nhiên, đến tháng 8 kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU bắt đầu tăng 1%, tháng 9 tăng 19%, tháng 10 tăng 20%, tháng 11 tăng 30%, tháng 12 dự tính tăng 15%. Đặc biệt là nhóm hàng tôm, khi tháng 8 kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU tăng 16%, tháng 9 tăng lên 30%, tháng 10 vượt lên 41%, tháng 11 tăng 40%, tháng 12 ước tăng khoảng 30%.
2021 được dự báo là còn rất nhiều khó khăn trong hoạt động giao thương thủy sản của Việt Nam, nhưng các chuyên gia vẫn khẳng định, năm 2021 và những năm sắp tới, về cơ bản Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi đến từ chiến lược hội nhập của đất nước, các cơ hội từ FTA đã và sẽ ký kết.
Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế mà các FTAs mang lại thì giải pháp cấp bách và quan trọng nhất trong năm tới là cần tổ chức tốt, thực hiện tốt những nội dung phổ biến pháp luật về các FTAs cho doanh nghiệp, người dân; tổ chức luật hóa các nội dung và xây dựng được hệ thống văn bản hướng dẫn kịp thời cho doanh nghiệp, không chỉ thực thi một cách chủ động mà còn được tạo thuận lợi tối đa để khai thác hiệu quả FTA… Song song đó, tổ chức tái cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện các chính sách xã hội, đảm bảo cho tất cả mọi đối tượng không bị bỏ lại phía sau, không bị tác động xấu của hội nhập và cuối cùng là hướng đến phát triển bền vững… Tất cả các yếu tố này sẽ mang lại động lực mới cho sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, để tận dụng các ưu đãi EVFTA mang lại, ngành thủy sản cần tháo gỡ 4 “rào cản” về chuỗi cung ứng vật tư; cung ứng giống cho NTTS; phát triển thị trường; cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu thủy sản. Thời gian tới, để mở rộng thị phần tại châu Âu, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn; khuyến khích các công nghệ nuôi tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và giảm dịch bệnh. Bên cạnh đó, quyết liệt hơn trong việc gỡ “thẻ vàng” về khai thác IUU; nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu, uy tín, mở rộng thị phần xuất khẩu.
>> Đối với các hiệp định thương mại thế hệ mới, các doanh nghiệp cần hiểu sâu sắc nội dung, các điều khoản ưu đãi và cả những thách thức phải vượt qua. Đó là, trong từng doanh nghiệp phải có bộ phận nghiên cứu thị trường, nghiên cứu về mặt pháp lý, kinh tế. Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên ngành của Bộ NN&PTNT để giải quyết những vấn đề về rào cản kỹ thuật. Điều quan trọng là không ngừng cải thiện về chất lượng, đặc biệt là liên tục cập nhật những quy định mới của các thị trường.
An An