(TSVN) – Gần hết quý III/2023, ngành thủy sản vẫn chưa thực sự vượt qua được những khó khăn, thách thức trải dài trong nhiều tháng qua. Mục tiêu còn lại khá lớn nhưng quỹ thời gian thực hiện không nhiều, ngành thủy sản đang dốc toàn lực để hoàn thành kế hoạch năm.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, 7 tháng đầu năm, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,16 triệu ha tương đương cùng kỳ năm 2022, đạt 89,9% kế hoạch năm 2023. Trong đó, tôm nước lợ có diện tích nuôi lớn nhất là 705 nghìn ha, 9,2 triệu m³ lồng nuôi biển. Về sản lượng nuôi trồng thủy sản, đạt 2,85 triệu tấn, đạt 47,18% so kế hoạch (5,37 triệu tấn); trong đó, tôm nước lợ: 552,3 nghìn tấn, đạt 104% so cùng kỳ năm 2022; cá tra: 900,5 nghìn tấn, 100,4% cùng kỳ; nuôi biển: 329 nghìn tấn, đạt 49% kế hoạch.
Bộ NN&PTNT nhận định, ngành thủy sản triển khai kế hoạch sản xuất và phát triển năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó khó khăn nhất về thị trường xuất khẩu. Cùng đó, giá sản phẩm hiện tại vẫn đang ở mức thấp, lợi nhuận không nhiều, nhiều diện tích ao nuôi bị “treo”, bởi người dân bất an trước biến động thị trường. Để nuôi trồng thủy sản những tháng cuối năm 2023 phát triển ổn định, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2023, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.
Theo đó, Bộ đề nghị các tỉnh nắm bắt, rà soát, tổng hợp, thống kê nguồn, lượng và khả năng sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản; lượng thủy sản hiện đang nuôi; lượng thủy sản hiện có tại các cơ sở chế biến, xuất khẩu trên địa bàn; diễn biến giá nguyên liệu; kịp thời thông tin đến doanh nghiệp và người nuôi để có kế hoạch và giải pháp cụ thể, phù hợp trong tổ chức nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu.
Mặt khác, ổn định nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng trên biển và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Duy trì diện tích nuôi sinh thái, hữu cơ, tôm – lúa, tôm – rừng, quảng canh cải tiến, kết hợp các biện pháp tăng năng suất, sản lượng nuôi ở những khu vực này để phát huy lợi thế sản phẩm tôm sú; phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vùng có đủ điều kiện hạ tầng và kiểm soát tốt các khâu sản xuất…
Thực hiện các giải pháp hạ giá thành trong nuôi trồng; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai kết quả xử lý theo quy định…
Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, trong những tháng cuối năm về công tác quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường thực hiện các quy định của Luật Thủy sản và văn bản hướng dẫn. Kiểm tra, đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường. Đồng thời, Cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra xử lý cơ sở về chất lượng giống thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường, các tổ chức chứng nhận, xử lý theo quy định. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở nhỏ lẻ thành tổ hợp tác, HTX…
Đây là mục tiêu mà ngành thủy sản đang dốc sức thực hiện; bởi, gần 6 năm nhận cảnh báo “thẻ vàng” của EC, vẫn còn 4 khuyến nghị mà Việt Nam chưa đáp ứng. Trong khi đó, thời hạn Đoàn thanh tra của EC sang nước ta kiểm tra lần thứ 4 đang rất gần.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, thời hạn đang đến rất gần, các địa phương đã không còn để rơi vào tình huống “trên nóng dưới lạnh”, mà đang áp sát thực hiện các giải pháp trọng điểm. Hầu hết các địa phương ven biển đã nhanh chóng đưa ra phương án để kiểm soát tốt tình hình khai thác tại địa phương. Cùng đó, phải làm tốt hơn nữa công tác giám sát, tăng cường kiểm tra đầu vào từng tàu ra khơi, kiểm tra từng thiết bị giám sát hành trình; tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn hàng của doanh nghiệp. “Càng siết chặt đầu vào và quan trọng hơn là đầu ra, thay đổi cách quản trị, sự vào cuộc của hiệp hội ngành hàng thì mới có thể giải quyết thành công vấn đề”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
Báo cáo từ Cục Thủy sản cho thấy, đến tháng 8/2023 toàn quốc có 86.130 tàu cá; đã đăng ký, nhập liệu vào VNfishbase là 71.706 chiếc còn 14.424 chưa đăng ký chiếm 16,7%, trong đó: Tàu từ 6 ≤ 12 m là 38.196 chiếc; đã đăng ký, nhập liệu: 26.835 còn 11.361 chưa đăng ký, chiếm 29,7%. Tàu từ 12 – 15 m là 18.220 chiếc; đã đăng ký, nhập liệu: 15.383 còn 2.837 chưa đăng ký, chiếm 15,6%. Tàu từ 15 m trở lên là 29.714 chiếc; đã đăng ký, nhập liệu: 29.488 còn 226 chưa đăng ký, chiếm 0,76%.
Theo Cục Thủy sản, trong những tháng cuối năm, với lĩnh vực khai thác thủy sản, ngành sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát hạn ngạch và cấp giấy phép khai thác: Thực hiện kiểm kê, phân loại tình trạng tàu cá hiện có; rà soát, đối chiếu hạn ngạch đã phân bổ; cấp giấy phép khai thác cho tàu cá đủ điều kiện; báo cáo trước ngày 20/9/2023 theo Công điện 5312/CĐ-BNN-KN của Bộ NN&PTNT. Cập nhật cơ sở dữ liệu thủy sản: Đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác lên VNF; VMS lên hệ thống VMS; xử phạt lên cơ sở dữ liệu xử phạt. Truy xuất nguồn gốc thủy sản: Tham mưu thực hiện và báo cáo hàng tháng kết quả cấp CC, SC theo quy định tại Thông tư 21, Thông tư 01; chuẩn bị thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản khai thác. Cùng đó là thực hiện công tác về phòng chống thiên tai chuyên ngành thủy sản.
Theo VASEP, tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn tiếp tục sụt giảm. Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giảm 26% so cùng kỳ năm trước, đạt 4,9 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm chủ lực đều sụt giảm, cao nhất là cá tra giảm 37%; tôm giảm 30%; cá ngừ giảm 28%; mực và bạch tuộc giảm 16%… Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, đã có những tín hiệu khởi sắc mới khi doanh nghiệp đã tích cực xoay chuyển tình thế, chuyển hướng đến các thị trường mới tiềm năng.
Đại diện VASEP cho biết, nhờ lợi thế về thuế nhập khẩu, thế mạnh về chế biến sâu, chế biến hàng giá trị gia tăng và vị thế địa lý, sản phẩm thủy sản Việt Nam vẫn giữ vị trí hàng đầu ở nhiều thị trường trong khối CPTPP. Đơn cử, 6 tháng đầu năm, mặt hàng tôm Việt Nam đang có vị thế số một tại Nhật Bản, chiếm 25 – 26% thị phần. Tại thị trường Australia, thị phần của Việt Nam tăng từ 32% lên 69%…
Sau 5 năm thực thi, thuế nhập khẩu hầu hết các sản phẩm thủy sản Việt Nam sang các nước CPTPP đã về 0% hoặc được hưởng sẵn mức thuế cơ bản 0%. Với lợi thế cạnh tranh này, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng hiệu quả trong khối kinh tế chiếm 15,5% giá trị nhập khẩu thủy sản của cả thế giới, với kim ngạch nhập khẩu từ 21 – 27 tỷ USD/năm.
Cùng đó, một số thị trường Đông Nam Á được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Tại châu Âu, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sau cú hụt đà vào tháng 5/2023, bước sang tháng 6, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Anh tăng mạnh trở lại, sản lượng xuất khẩu đạt 4.400 tấn, tương đương 29 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 16% về trị giá so tháng 6/2022. Và triển vọng tăng trưởng vẫn rất lớn.
Theo phán đoán của các chuyên gia, hiện dự trữ tại các thị trường truyền thống vơi dần, trong khi mùa tiêu thụ chính trong năm đang khởi động. Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của nước ta dần nhiều hơn. Trước đó, để đảm bảo nguồn tài chính cho doanh nghiệp, VASEP đã đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quan tâm xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4%, lãi suất vay tiền đồng là dưới 7%; đồng thời cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 – 6 tháng đối với các khoản vay đến hạn phải trả. Chưa kể, với gói hỗ trợ được phê duyệt là 15.000 tỷ đồng, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ không lo “thiếu tiền” tích trữ nguyên liệu.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cũng khẳng định, hiện sản lượng nuôi trồng thủy sản vẫn đang tăng trưởng rất tốt, đáp ứng được yêu cầu chế biến, xuất khẩu của mục tiêu đạt kim ngạch thủy sản 10 tỷ USD trong năm 2023.
Phan Thảo
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Để cấu trúc lại ngành thủy sản cần chuyển từ khai thác tài nguyên thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững. Cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân là phù hợp với đặc điểm, tình hình của các địa phương để phát triển bền vững ngành thủy sản, nâng cao sinh kế cho đời sống ngư dân.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản
Mặc dù ngành thủy sản có nhiều nỗ lực và tín hiệu dự báo khá lạc quan nhưng nhiệm vụ tăng trưởng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023 hết sức nặng nề. Nhiều việc cần phải chủ động thực hiện một cách quyết liệt, kịp thời nỗ lực hơn nữa mới có thể hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại, duy trì ổn định nuôi các sản phẩm thủy sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao…
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Kiểm ngư
Những sửa đổi trong khung pháp lý, xây dựng Luật Thủy sản đồng bộ mà chúng ta nỗ lực triển khai trong thời gian qua đã đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế trong việc chống khai thác IUU. Việt Nam đang triển khai các kế hoạch chương trình truyền thông của Hội Nghề cá Việt Nam, VASEP ban hành Sách trắng, chương trình “Các doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU”, nhằm đẩy nhanh quá trình gỡ bỏ “thẻ vàng” cho Việt Nam. Vấn đề này liên quan trực tiếp đến hình ảnh quốc gia và ngành xuất khẩu thủy sản nên buộc cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Cần đưa ra những yêu cầu cụ thể tới doanh nghiệp và thực hiện đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP
Trong nửa đầu năm 2023, thị trường toàn cầu xuất hiện nhiều điểm tăng - giảm bất lợi cho ngành xuất khẩu cá tra. Đối với thị trường trong nước, trước tình hình giá cá tra giảm, doanh nghiệp và người nuôi lỗ, sản lượng giảm sút. Mặt hàng chính của Việt Nam vẫn là cá tra fillet/cắt khúc đông lạnh. Kỳ vọng nhu cầu thị trường Trung Quốc phục hồi vào những tháng cuối năm 2023. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng giá xuất khẩu cá tra nửa cuối năm sẽ ở mức cao hơn hiện tại. Ước tính xuất khẩu cá tra năm 2023 đạt 1,7 tỷ USD, giảm 30% so cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm PV