Gấp rút đưa tôm thẻ vào quy hoạch

Chưa có đánh giá về bài viết

Thị trường rộng mở, rủi ro thấp cộng với lợi nhuận cao đang khiến diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ồ ạt phát triển, vượt qua tầm kiểm soát của các ngành chức năng. Điều này khiến vấn đề quy hoạch đang ngày một “nóng”.

Tôm thẻ “lên ngôi”

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2013, tổng diện tích nuôi TTCT tại 8 tỉnh ven biển ĐBSCL là 52.181 ha. Trong đó, Sóc Trăng có diện tích nuôi lớn nhất với 16.959 ha (chiếm 32,5% tổng diện tích nuôi TTCT), Bạc Liêu có 13.998 ha (chiếm 26,8%), Long An với 5.726 ha (chiếm 11%), Bến Tre với 4.250 ha (chiếm 8,1%) và các tỉnh còn lại chiếm từ 3,3 – 7,9% tổng diện tích nuôi toàn vùng…

Theo nhiều chuyên gia, thắng lợi ngành tôm năm 2013 phần nhiều là do được giá, với cả tôm nguyên liệu trong nước và xuất khẩu. Còn trong sản xuất, sản lượng tăng bởi diện tích tăng. Dù vậy, TTCT vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của người nuôi trong thời gian tới.

Diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch tại các tỉnh ĐBSCL ngày càng tăng – Ảnh: Thanh Nhã

Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), TTCT có ưu điểm là tốc độ lớn nhanh, kích cỡ đồng đều. Khả năng đề kháng của TTCT tốt, thích nghi nhanh với sự thay đổi môi trường, khí hậu, rộng muối. Vòng quay của TTCT nhanh hơn tôm sú (có thể nuôi 1,5 đến 2 vụ/năm, trong khi tôm sú chỉ 1 vụ/năm). Tỷ lệ rủi ro của TTCT thấp hơn so với tôm sú.

Mặt khác, năng suất nuôi TTCT thâm canh dao động từ 5 – 11 tấn/ha/vụ (tùy từng địa phương). Tại Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu đạt từ 4 đến 5 tấn/ha/vụ; các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau từ 5 đến 10 tấn/ha/vụ, Kiên Giang với năng suất rất cao, trên 11 tấn/ha/vụ.

 

Cần thiết phải quy hoạch

Thắng lợi của TTCT đang khiến diện tích nuôi tự phát tăng nhanh, dễ phá vỡ quy hoạch vùng nuôi… Hiện, Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nuôi ngoài quy hoạch lớn nhất với 7.472 ha;Bến Tre 1.194 ha; Kiên Giang 549 ha…

Một vấn đề đáng lo ngại nữa hiện nay là mặc dù vẫn nằm trong vùng quy hoạch, tuy nhiên, ở các địa bàn thuộc huyện Châu Thành (Trà Vinh), Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), TP. Cà Mau (Cà Mau), TTCT được thả nuôi thâm canh trên nền đất quảng canh cải tiến của tôm sú đã dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, điện sản xuất và giao thông…

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, nuôi TTCT ngoài quy hoạch dẫn đến những biến động về kinh tế – xã hội của các tỉnh vốn đã được quy hoạch phát triển ổn định và bền vững. Vì vậy, cần có quy hoạch riêng cho TTCT ở những tỉnh, thành có điều kiện nuôi và xa hơn là việc xây dựng quy hoạch các vùng chuyên nuôi TTCT trên quy mô toàn quốc. Điều này sẽ giúp quản lý tốt các vùng nuôi, tạo ra vùng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc, đồng thời hạn chế và kiểm soát việc lây lan dịch bệnh.

Cùng đó, cần xây dựng kênh thông tin liên kết giữa các cơ sở nuôi với thị trường tiêu thụ với phương thức quản lý, cách thức tổ chức rõ ràng nhằm tạo sự minh bạch về thông tin, từ đó dự báo chính xác tình hình sản xuất, tiêu thụ TTCT để người nuôi nắm bắt thông tin, chuyển đổi sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

>> Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, người tiêu dùng bắt đầu làm quen với các sản phẩm chế biến từ TTCT và nhu cầu tiêu thụ cũng đang tăng. Vì vậy, người dân nên tiếp tục thả nuôi để cung cấp cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!