(Thủy sản Việt Nam) – Việc tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và tính cạnh tranh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng hiện nay là hết sức quan trọng. Đây là yếu tố đủ để các doanh nghiệp này vươn mình.
Điều kiện cần và đủ
Ngày 9/3/2011, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, GCF (Quỹ cạnh tranh toàn cầu) phối hợp với Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên đã tổ chức Hội thảo: "Giới thiệu GCF 2011-2013 – Hỗ trợ phát triển xuất khẩu. Thảo luận nhóm – Thách thức và giải pháp". Mục tiêu của dự án GCF là nhằm giúp các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức ngoài quốc doanh của Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực xuất khẩu nâng cao tính cạnh tranh thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thương mại thích hợp, đưa ra các mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo trong việc phát triển chuỗi giá trị theo hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, GCF còn giúp các doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro về tài chính trong việc cung cấp các dịch vụ kinh doanh, các công nghệ mới, tiếp cận thị trường xuất khẩu mới và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Các ngành nghề được ưu tiên hỗ trợ gồm nông nghiệp – chế biến nông sản, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thủ công, du lịch…
GCF tài trợ cho những ý tưởng, sáng kiến mới của doanh nghiệp, nơi triển khai dự án chưa có trước đó. Do vậy, điều kiện là doanh nghiệp phải có ý tưởng, sáng kiến và dịch vụ mới nhằm cung cấp giải pháp, dịch vụ mà các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh và nông dân đang phải đối mặt với các thách thức đang đặt ra, đặc biệt là trong chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng xuất khẩu mang tính bền vững. Doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu: Có tầm nhìn dài hạn và sẵn sàng chịu rủi ro; Có năng lực quản lý và có con người đủ trình độ thực hiện dự án; Có thành tích hoạt động trong ngành đã lựa chọn; Có khả năng tài chính để đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo yêu cầu và đóng góp vốn đối ứng cho dự án đề xuất…
Khai thác cá ngừ tại Phú Yên Ảnh: Phạm Ngọc Chung
Như vậy, các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ từ dự án GCF phải có ý tưởng về một dự án. Các ý tưởng này phải cung cấp cách giải quyết hoặc giới thiệu các dịch vụ ứng phó với những thách thức mà doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, hộ nông dân đang đối mặt, hoặc giúp nâng cao khả năng xuất khẩu cho các nhà sản xuất nhỏ, đặc biệt trong chuỗi giá trị nông, lâm, ngư nghiệp. Các ý tưởng phải hoàn toàn mới, chưa từng thực hiện ở địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải có năng lực quản lý, có nguồn nhân lực thích ứng, có thành tích trong ngành và khả năng tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng theo yêu cầu, đồng thời góp vốn đối ứng cho dự án (khoảng 1/3 tổng chi phí của dự án)…
Và triển khai tại Phú Yên
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Phú Yên đang hoạt động tại địa phương sẽ được tài trợ 40-75% vốn của dự án. Nếu dự án đầu tư có đào tạo kỹ thuật, trang bị các thiết bị và các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe người lao động) thì có thể tài trợ đến 75%; còn dự án chỉ cần đầu tư thiết bị sản xuất (gọi là phần cứng) thì GCF tài trợ tối đa 50%, tùy thuộc vào đánh giá lợi ích mang lại cho đối tượng tham gia chuỗi giá trị gia tăng đó.
Phú Yên là tỉnh có sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp đa dạng để chế biến phục vụ xuất khẩu, tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp ở tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động còn hạn chế do thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, thị trường xuất khẩu hạn hẹp. Đây là cơ sở để GCF lựa chọn triển khai dự án. Các hoạt động của GCF đặt trọng tâm vào các ngành nghề và các chuỗi giá trị gia tăng có tiềm năng xuất khẩu, trên cơ sở ưu tiên phát triển của tỉnh, như cá ngừ đại dương xuất khẩu của Phú Yên, nuôi tu hài thương phẩm xuất khẩu, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, chế biến tiêu sọ xuất khẩu… Những dự án này phù hợp với mục tiêu hỗ trợ của GCF, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp có đáp ứng được các tiêu chí mà GCF yêu cầu và thứ tự ưu tiên để tính điểm cho các đề xuất dự án.
Đầu tháng 6/2011, văn phòng đại diện của GCF tại Phú Yên, Khánh Hòa cùng các doanh nghiệp kiểm tra lại lần cuối 3 dự án có ý tưởng phù hợp của 3 doanh nghiệp ở Phú Yên để trình phê duyệt. Đó là dự án của Công ty TNHH Bá Hải, Công ty Thủy sản Đắc Lộc, Công ty CP Vinacaphe Sơn Thành. Đây là tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Phú Yên trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của GCF để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và tính cạnh tranh trong các lĩnh vực định hướng xuất khẩu.
Hy vọng, sau các doanh nghiệp nói trên, thời gian tới Phú Yên sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp có ý tưởng, dự án phù hợp được GCF chấp thuận hỗ trợ, tạo thêm cơ hội nâng cao tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Phú Yên, góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về tự nhiên và xã hội của địa phương.
>> GCF nhằm cung cấp tài trợ có vốn đối ứng cho việc thực hiện các ý tưởng kinh doanh mang tính sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân, tổ chức ngoài quốc doanh.
Giai đoạn 2006-2010, GCF đã triển khai dự án tại 4 tỉnh, gồm: Hà Tây (cũ), Nghệ An, Khánh Hòa và Lâm Đồng với tổng số 96 dự án, tương ứng số tiền là 135 tỷ đồng cho 52 đơn vị, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, mây tre, thủ công mỹ nghệ, trái cây, chè, du lịch và chế biến gỗ. Tạo được hơn 6.300 việc làm mới, hơn 8.100 lao động được đào tạo kỹ năng mới ở các ngành nghề và doanh số xuất khẩu tăng thêm 58 tỷ đồng.
Giai đoạn 2011-2013, GCF sẽ hỗ trợ 216 tỉ đồng giúp doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, khoảng 50-60 dự án, với mức tài trợ trung bình 3 tỉ đồng/dự án và tùy quy mô dự án có thể tài trợ lên đến 8 tỉ đồng. Giai đoạn này, có 8 tỉnh, thành trong cả nước được hưởng sự hỗ trợ của dự án GCF, gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Lâm Đồng, An Giang và Cần Thơ.
NGUYỄN KHẮC TÂN
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên