Hơn tháng nay, giá cá tra nguyên liệu đang “nóng” dần lên. Loại cá tra thịt trắng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tăng lên 26.000 – 27.000 rồi đến 28.500 đ/kg, tăng gần 2.000 đ/kg so với đầu tháng 10 và hơn 4.000 đ/kg so với hồi tháng 7.
Tại thời điểm này, trên 1 ha diện tích mặt nước ao, người nuôi có thể thu lời từ 1,1 – 1,3 tỷ đồng sau 6 tháng. Còn theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra xuất khẩu tăng mạnh, hiện cá loại chất lượng cao lên tới 4 USD/kg (tăng gần 1 USD so với hồi đầu năm). Thị trường tiêu thụ đang thuận lợi, giá nào cũng tăng, nhưng trong sản xuất: người mua, người bán có mấy ai vui?
Giá cá “nổi sóng” – người nuôi đứng ngồi không yên!
Ngược dòng thời gian, dư chấn “cơn bão” cá tra năm 2008 – 2009 quá nặng nề. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến, người nuôi cá tra còn chạnh lòng. Nhớ lại trong suốt năm 2009, giá cá nguyên liệu luôn đứng ở mức thấp, bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất, người nuôi luôn trong tình trạng thua lỗ dẫn đến hoạt động nuôi bị chựng lại, số hộ treo ao, hầm tiếp tục tăng đến 40%. Những tháng cuối năm, giá thu mua nguyên liệu cá tra đã có “nhích” lên chút ít, người nuôi có thể lời từ 500 – 800 đ/kg. Cuối tháng 3, giá cá tra nguyên liệu đạt mức 16.800 – 17.000 đ/kg. Nhưng chỉ nửa tháng sau, đến trung tuần tháng 4, giá này đã sụt 1.000 đ/kg, còn khoảng 16.000 đ/kg cá loại 1 (thịt trắng). Đến đầu tháng 6/2010 chỉ còn 15.300 – 15.800 đ/kg, lúc này người nuôi lỗ nặng vì chi phí sản xuất đã tăng 20%. Hầu hết người nuôi cá ở ĐBSCL cạn khô vốn để sản xuất, nợ trong – nợ ngoài đều “vướng”, nhưng các ngân hàng gần như “ngoảnh mặt làm ngơ”, đẩy hàng loạt hộ lâm vào thế bí. Mãi gần cuối năm giá cá mới dần nhích lên và đã đạt đỉnh điểm 29.000 đ/kg vào tháng 5/2011. Nhưng chỉ trong vòng tuần lễ đã nhanh chóng hạ dần xuống, đến tháng 8 chỉ còn hơn 20.000 đ/kg. Với giá này người nuôi lỗ từ 3.000 – 4.000 đ/kg! Lúc giá cá lên có mấy ai được hưởng lợi từ sự biến động này bởi 1 chu kỳ nuôi ít nhất là 6 tháng, vả lại giá thức ăn (vốn chiếm gần 80% chi phí sản xuất) lúc nào cũng tăng lên theo giá nguyên liệu, nhưng chưa bao giờ giảm song hành. “Lỗ kép” người nuôi luôn phải gánh chịu! Trước đây người nuôi cá cũng lời hàng tỷ đồng, nhưng giá trị đầu tư thấp hơn 30% so với bây giờ. Tỷ suất lợi nhuận nuôi cá tra không ổn định, giá cả bấp bênh, làm ra sản phẩm nhưng không có quyền định đoạt giá trị mình làm ra. Người nuôi luôn trong tình trạng “dở khóc dở cười”, bởi vụ này lời, vụ sau… chưa chắc, lấy gì không lo?
Thị trường tiêu thụ cá tra đang thuận lợi nhưng người nuôi vẫn nặng nỗi lo. Ảnh: VINH HIỂN
Thiếu nguyên liệu – doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo!
Lấy cớ đến thời điểm thu hoạch “cá nhà” để ép giảm giá cá nguyên liệu, doanh nghiệp cứ ung dung từ chối thu mua với lý do “không ký được hợp đồng xuất khẩu, các nước nhập khẩu ngưng nhập cá tra quá lứa, nhà nhập khẩu chỉ thích cá tra cỡ nhỏ…”, nông dân như ngồi trên “đống lửa”. Sau đó, doanh nghiệp ra tay “cứu giúp” nông dân nuôi cá bằng việc cam kết mua cá quá lứa, quá “size” cho nông dân với giá thấp hơn giá thành sản xuất để tồn trữ vào kho đông lạnh. Ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) cho biết: Việc làm này giúp các doanh nghiệp vừa được “tiếng thơm” là đã ra tay giúp nông dân tiêu thụ hết cá quá lứa, vừa làm đúng chủ trương của Nhà nước là thực hiện cam kết mua hết cá tra quá lứa cho nông dân! Và động thái than thiếu nguyên liệu của họ vừa qua là để tạo cớ để được xuất khẩu cá tra phi lê ra nước ngoài với giá cao hơn 20 – 25%. Đây chỉ là một “bài toán” đã được các doanh nghiệp vạch ra sẵn nhưng không phải người nuôi cá nào cũng biết”. Kết quả là doanh nghiệp đạt “lãi đôi” trong kinh doanh mặc cho người nuôi “lỗ kép” không thể tiếp tục tái sản xuất. Bao nhiêu năm rồi, tình trạng “ăn xổi” cứ lặp đi lặp lại mãi, không thiếu nguyên liệu mới lạ!
Thời điểm giá cá tra nguyên liệu tăng liên tục, các doanh nghiệp chế biến thủy sản như đang đứng trên “giàn hỏa”. Những lúc ấy, nhà máy cho người đi khắp nơi, xuống tận ao cá tra để thương lượng mua cá. Tuy nhiên, việc thương lượng mua cá tra lúc này không dễ, do lượng cá tra nguyên liệu rất ít, người “săn” mua cá thì nhiều, có khi 3 – 4 bên cùng “đấu giá” mua một ao và để mua được cá, bắt buộc anh này phải đẩy giá cao hơn anh kia. Hiện nguồn cung cá nguyên liệu trên thị trường đang hạn chế, do nhiều người nuôi treo ao hoặc chỉ nuôi cầm cự nên giá cá tra nguyên liệu có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thế là doanh nghiệp chế biến “kêu gào” thiếu nguyên liệu vì thiếu quy hoạch vùng nuôi và khi không đủ nguyên liệu buộc nhà máy rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng để nuôi công nhân. Dù cuối năm nhu cầu thị trường xuất khẩu đang tăng nhưng nhiều công ty đành phải ngưng đơn đặt hàng, sợ không đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu vì thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp nào không chủ động vùng nguyên liệu mà không lo?
Có phải thiếu quy hoạch và không đủ năng lực sản xuất?
Vậy có bao nhiêu doanh nghiệp đã có vùng nuôi? Trên các diễn đàn và phương tiện thông tin đại chúng, đa số các doanh nghiệp đều tuyên bố hiện nay đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu (tự nuôi) đảm bảo trên 40% nhu cầu của nhà máy. Nghe thông tin trên, nhiều người băn khoăn, không biết có đúng như vậy không, bởi muốn đầu tư vùng nuôi cá tra đòi hỏi lượng vốn khá lớn. Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy có công suất chế biến cá tra mỗi ngày 200 tấn thì doanh nghiệp phải đầu tư trên 1.000 tỷ đồng? Trên thực tế, không có nhiều doanh nghiệp làm được điều đó, phần lớn cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào người nuôi. Thế nhưng, tuyên bố trên lại một lần nữa nhân đôi nỗi lo của người nuôi cá tra đơn lẻ – đối tượng góp công lớn cho “kỳ tích cá tra” – khi muốn tiếp tục sản xuất. Họ không mạnh dạn đầu tư nên thiếu nguyên liệu là bình thường. Nếu như doanh nghiệp minh bạch thông tin và chia sẻ lợi nhuận thì đâu ra nông nỗi!
Khi cá tra “khủng hoảng” thừa gần cuối năm 2008, với gần 6.000 ha ở vùng ĐBSCL, doanh nghiệp cho là người nuôi phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch! Thật ra, Nhà nước đã có chiến lược phát triển, quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra đã được phê duyệt cách đây 3 năm, mục tiêu rất rõ là đến năm 2010 có 8.600 ha (1.250.000 tấn cá), năm 2015 là 11.000 ha (1.650.000 tấn cá) và năm 2020 là 13.000 ha (1.850.000 tấn). Thực sự thì có địa phương nào phát triển đúng mức tiềm năng sẵn có của mình dẫu biết đối tượng này hoàn toàn có khả năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương? Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2010 diện tích nuôi cá tra vùng ĐBSCL giảm còn gần 5.400 ha và nay chỉ còn 4.800 ha. Chẳng lẽ, sau bao năm với nghề, trình độ kỹ thuật người nuôi càng “tụt hậu” không thể sản xuất đạt sản lượng đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu? Năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm của cá tra ngày càng tăng đã là câu trả lời nghi vấn trên. Hiện nay, hầu hết người nuôi đều không còn tài sản thế chấp để các ngân hàng hỗ trợ vay các khoản vay mới, với suất đầu tư trên 7 tỉ/ha, khó có ngân hàng nào đáp ứng được 60% nhu cầu sản xuất đối với dự án và sản phẩm quá rủi ro này. Đây thật sự là bài toán nan giải đối với người sản xuất trong giai đoạn thắt chặt tín dụng như hiện nay.
Tích cực chăm sóc cá mong chờ bội thu. Ảnh: PHẠM THỊ THU HỒNG
Làm sao hết lo?
Giá cá tra nguyên liệu tăng chưa phải là điều đáng mừng mà quan trọng hơn là tạo mối gắn kết giữa người nuôi và doanh nghiệp để đồng thời cùng ổn định và phát triển bền vững nghề nuôi cá tra. Bởi thật ra chẳng có người nuôi nào mong cá tra tăng giá cao ngất ngưởng mà không ổn định đầu ra, rồi cứ thắc thỏm làm ăn theo kiểu “5 ăn 5 thua”. Điều họ mong đợi rất thiết thực: chỉ cần có quy định có giá trị pháp lý cao nhất đặc thù cho sản phẩm chiến lược này nhằm sắp xếp lại “trật tự” trong sản xuất cá tra hiện nay, trong đó có đặt ra giá sàn để người nuôi cá lời tối thiểu 5 – 10%. Như vậy là quá đủ để người nuôi phấn khởi, an tâm đầu tư chú trọng vào chất lượng và ổn định sản xuất. Giá sàn cho cá tra là khó nhưng không có nghĩa không thực hiện được nếu các cấp có thẩm quyền, các ngành chủ quản và có liên quan đều cùng “xắn tay” vào và hướng về lợi ích của nông dân, về một nền sản xuất thủy sản ổn định, hiệu quả và bền vững. Điều này hoàn toàn có lợi cho doanh nghiệp chế biến khi chủ động được nguồn cung ứng nguyên liệu để mở rộng thị trường mà không phải rơi vào tình huống chạy đôn chạy đáo vì “khát” nguyên liệu như đã từng xảy ra và vài doanh nghiệp như Công ty H.C., V.H… ở Đồng Tháp đã làm được điều đó. Giải pháp đã có rất nhiều, ai cũng biết, nhưng liệu mấy “nhân vật chính” cùng chung tay? Chừng nào doanh nghiệp chưa liên kết thật sự với người nuôi, chưa thật sự là đối tác để cùng đồng hành, có lợi cùng hưởng, có rủi cùng chia, hài hòa lợi ích đôi bên thì nỗi lo trên vẫn còn đó và điệp khúc biến động về giá và thiếu nguyên liệu lại diễn ra.
ThS PHẠM THỊ THU HỒNG
Theo Báo Vĩnh Long